Vụ đề xuất lạ của Vietnam Airlines: Dấu hỏi về sự tham gia của ngân hàng

(PLO) - Việc VNA không công bố rộng rãi kế hoạch cổ phần hóa Vasco, thuê tư vấn định giá, đặt ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để Nhà nước không lo thất thoát tài sản, trong khi doanh nghiệp lại tìm được đối tác phù hợp (như nhiều công ty con trong lĩnh vực hàng không khác đã làm khi cổ phần hóa trong 2 năm qua) khiến dư luận có quyền nghi ngờ, đặt dấu hỏi lớn.
 
Máy bay của Vasco, ảnh MH
Máy bay của Vasco, ảnh MH

Ý tưởng kinh doanh khó hiểu của Vietnam Airlines (VNA): Đề xuất thành lập hãng hàng không mới với sự tham gia góp vốn của Techcombank ngày càng lộ rõ những điểm bất thường khi cơ quan quản lý nhà nước (Bộ GTVT) chính thức lên tiếng "trần tình". 

Liên quan đến vụ việc này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi phỏng vấn Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật INTERCODE, Hà Nội.

PV: Đề xuất thành lập hãng hàng không mới với sự tham gia góp vốn của Techcombank ngày càng lộ rõ những điểm bất thường: Việc VNA không công bố rộng rãi kế hoạch cổ phần hóa Vasco, thuê tư vấn định giá, đặt ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để Nhà nước không lo thất thoát tài sản, trong khi doanh nghiệp lại tìm được đối tác phù hợp (như nhiều công ty con trong lĩnh vực hàng không khác đã làm khi cổ phần hóa trong 2 năm qua) khiến dư luận nghi ngờ, đặt dấu hỏi lớn.

Thế nhưng Bộ GTVT lại cho rằng: không có quy định nào hướng dẫn chuyển đơn vị phụ thuộc của một Tổng công ty Cổ phần thành Cty Cổ phần. Bộ này cho rằng: Theo quy định của pháp luật hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% cổ phần. Trong khi VNA đã thực hiện cổ phần hóa từ cuối năm 2014, bởi vậy VNA không phải là một công ty nhà nước, do đó các công ty phụ thuộc, trong đó có Vasco, cũng không thể coi là doanh nghiệp nhà nước được. 

Trong quy định của pháp luật có văn bản về việc chuyển đổi Công ty TNHH MTV 100% vốn NN thành công ty cổ phần (Nghị định 59/2011). Nếu VNA chưa được cổ phần hóa thì chúng ta có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức: Một là chuyển đơn vị phụ thuộc thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên rồi mới thực hiện quy trình cổ phần hóa. Hai là góp vốn thành lập một công ty cổ phần bằng cách dùng toàn bộ tài sản của đơn vị phụ thuộc đánh giá lại theo quy định của pháp luật. 

VNA đã lựa chọn phương án 2, góp vốn tạo nên một công ty cổ phần, đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật, thuê tổ chức tư vấn thẩm định độc lập được ủy nhiệm từ Bộ Tài chính và được sự đồng thuận của các cổ đông. 

Theo cách giải thích này thì VNA thành lập một hãng bay cổ phần dựa trên tái cấu trúc Vasco, với sự tham gia góp vốn của Techcombank và đây không phải là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nên không cần qua đấu giá công khai.

Bộ Giao thông cho rằng đây là "động thái kinh doanh đúng luật", dưới góc độ pháp lý, xin luật sư cho biết cách giải thích của Bộ giao thông có đúng pháp luật hay không?

Luật sư Nguyễn Phú Thắng
Luật sư Nguyễn Phú Thắng

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Vấn đề quan trọng là cần phải làm rõ giá trị sổ sách của VNA sau cổ phần hóa có hay không thể hiện giá trị tài sản của Công ty bay Dịch vụ Vasco. Như vậy, có thể xảy ra hai trường hợp khác nhau:

Một là, Nếu giá trị tài sản của Bay dịch vụ Vasco (bao gồm cả quyền sử dụng đất) là tài sản không cần dùng đến hoặc có giá trị bằng 0 hoặc không được đưa vào giá trị doanh nghiệp VNA sau cổ phần hóa thì nhiều khả năng Vasco vẫn là Doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100%, tài sản của Vasco chưa được định đoạt sau cổ phần hóa và việc tái cấu trúc doanh nghiệp, xử lý tài chính bắt buộc phải qua trình tự đấu giá công khai, kể cả có nguy cơ tuột mất “cơ hội vàng”. Có như vậy mới đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo của thị trường,đồng thời giúp doanh nghiệp huy động vốn.

Hai là, Còn Nếu toàn bộ giá trị tài sản của Vasco đã được tính toán đưa vào sổ sách của VNA sau cổ phần hóa, thì việc lựa chọn hình thức hợp tác đầu tư dưới dạng công ty cổ phần phụ thuộc vào Nghị quyết của Hội động quản trị Việt Nam Airlines với thể thức và nội dung do Điều lệ của Vietnam Airlines quy định.

PV: Nếu theo cách giải thích của Bộ giao thông thì cách thức "góp vốn tạo nên công ty cổ phần" được thừa nhận là "động thái kinh doanh đúng luật" thì liệu sau này các đơn vị cổ phần hóa tương tự như Vasco có được không cần đấu giá chỉ cần mời một cổ đông thân quen tới tự định giá rồi góp vốn, sở hữu cổ phần? Công ty thành lập theo hình thức này sẽ được xếp hạng là loại doanh nghiệp gì khi công ty cổ phần không phải, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không phải? Làm sao tránh khỏi thất thoát tài sản nhà nước khi hình thức "góp vốn tạo nên công ty cổ phần" được thực hiện thay vì công khai, minh bạch tiến hành theo đúng các trình tự của quá trình cổ phần hóa? Điều này có vi phạm các quy định về cổ phần hóa hoặc tạo tiền lệ xấu không?

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Ở đây tôi chưa có số liệu đầy đủ của VNA sau trước và sau cổ phần hóa cũng như giá trị tài sản của Vasco hiện tại nên không thể chắc chắn. Có điều việc dư luận lo ngại “thương vụ” thành công có thể gây thất thoát tài sản nhà nước là có cơ sở và cần phải nhận được nội dung trả lời thỏa đáng và thuyết phục. Thực tế cho thấy khi cổ phần hóa, rất nhiều tài sản của Nhà nước bị đưa vào danh mục “tài sản không cần dùng”, bị định giá thấp và sau đó được chuyển hóa theo muôn vàn cách khác nhau. Đặc biệt là quyền sử dụng đất (kể cả đất đang thuê của Nhà nước)

Cho nên dư luận lo ngại tài sản, lợi ích từ tài sản Nhà nước có thể rơi vào một người hay một nhóm người nào đó cũng có gì là vô lý.

Dự kiến hiệu quả hoạt động của CTCP Hàng không Vasco
Dự kiến hiệu quả hoạt động của CTCP Hàng không Vasco

PV: Theo các công bố của VNA thì ngân hàng Techcombank sẽ góp 49% cổ phần vào công ty mới này và hai bên sẽ lập ra hãng hàng không cổ phần trong đó Techcombank góp 49% cổ phần bằng tiền mặt, xin luật sư cho biết quy định về đầu tư ngoài ngành đối với ngành ngân hàng?

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Nếu hoạt động đầu tư này của công ty quỹ do Ngân hàng Techcombank là chủ sở hữu không trái với luật các tổ chưc tín dụng, Nghị định hướng dẫn và thông tư của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động phi tín dụng thì Công ty này có thể tham gia góp vốn vào Doang nghiệp cổ phần vận tải hang không Vasco. Tuy nhiên, việc này cũng phải phù hợp với Điều lệ của Techcombank cũng như công ty con của Techcombank. Song, có hai câu hỏi cần đặt ra và cần được giải đáp, đó là: Thứ nhất là, nếu đầu tư góp vốn không hiệu quả, rủi ro xảy ra, thậm chí có thể là mất vốn thì hậu quả của nó có ảnh hưởng đến Ngân hàng mẹ hay không? Khi Techombank là Ngân hàng đại chúng và hiện đang nắm giữ lượng tiền khổng lồ trong dân. Tôi muốn nói hậu quả tài chính và cả phi tài chính.

Thứ hai là, Tại sao mà một nhà băng lớn lại tham gia góp vốn vào lĩnh vực có thể nói khá rủi ro như đã xảy ra các tiền lệ trước đó và với một phương án kinh doanh vô cùng khiêm tốn về lợi nhuận. Đây là điều dư luận chưa có lời giải đáp.  

PV: Giả sử VNA vẫn cố tình lập ra công ty cổ phần bằng hình thức góp vốn, tài sản nhà nước không được đấu giá công khai thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi phát hiện vốn, tài sản nhà nước được góp vào công ty cổ phần không minh bạch và có thể thuộc về sở hữu của các tư nhân, các tổ chức khác không phải là nhà nước?

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Giả sử, quá trình cổ phần hóa Vietnam Airlines có sai phạm liên quan hoặc có nguồn gốc từ giá trị tài sản của Công ty bay dịch vụ Vasco, chắc chắn việc góp vốn bằng động sản, bất động sản, uy tín, lợi thế kinh doanh khác của Vasco vào Doanh nghiệp cổ phần cũng sẽ sai phạm theo.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, các cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm, liên quan đến các các bước sau đây đều phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về việc thất thoát tài sản Nhà nước hoặc vi phạm pháp luật khác: Xây dựng Phương án cổ phần hóa; Thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp và tổ giúp việc; Chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu; Tổ chức kiểm kê, xử lý những vấn đề về tài chính và tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp; Quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp; Tổ chức thực hiện phương án cổ phần hóa; Tổ chức quyết toán, bàn giao giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và công ty cổ phần./.

Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!

Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...  

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0986 321 888 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm