Vụ Huyền Như: Luật sư đề nghị khởi tố một số ngân hàng

(PLO) -“Nhân danh công dân và người nghiên cứu luật pháp, tôi đề nghị khởi tố vụ án Cố ý làm trái tại một số ngân hàng để làm lành mạnh hoạt động kinh tế ngân hàng” - Đây là kiến nghị của luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Ủy viên Hội đồng luật sư - Liên đoàn Luật sư Việt Nam khi “chốt” bài bảo vệ cho quyền và lợi ích của VietinBank tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huyền Như ngày 26/12.
Vụ Huyền Như: Luật sư đề nghị khởi tố một số ngân hàng

Ngoài ACB, còn có hay không những vụ án kiểu vụ “bầu Kiên”? Phúc thẩm đại án Huyền Như, tại phần tranh luận đã hé lộ vài góc khuất nào đó...

Đều với mục đích giống nhau là nhằm hưởng lãi suất vượt trần quy định, nhưng vài ngân hàng đã có “sáng kiến” khác nhau về cách thức “lách luật để bơm tiền ra” dưới hình thức thông qua các tổ chức, cá nhân đi gửi vào các tổ chức tín dụng khác. Không chỉ ACB, mà một số ngân hàng khác cũng thông qua các hợp đồng ủy thác đầu tư để chuyển tiền cho các “sân sau”.

Thông qua các hợp đồng môi giới đặt cọc mua chứng khoán, hợp đồng tư vấn quản lý danh mục đầu tư để chuyển tiền cho công ty trung gian (Công ty Quản lý Quỹ Lộc Việt, Công ty An Lộc, Công ty CP CK Phương Đông - ORS), chỉ định họ mở tài khoản và ký hợp đồng gửi tiền - tổng số tiền đã gửi vào VietinBank 1.860 tỷ đồng.

Người chủ thực sự của số tiền Như chiếm đoạt đã được Luật sư Lê Hồng Nguyên làm rõ tại Tòa: lời khai của Nguyễn Hữu Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty An Lộc khi làm việc với CQĐT ngày 6/1/2012 thì vấn đề mở tài khoản cũng giống như gửi tiền vào VietinBank.

Navibank cho vay lãi suất cao, gửi tiền “lãi suất thấp”

Navibank thì chọn một cách đơn giản mà “không đụng hàng”: Thông qua các hợp đồng cho 14 nhân viên của mình vay tiêu dùng cá nhân và giải ngân tiền vay để gửi tiền vào VietinBank 1.543 tỷ đồng. Tại phiên tòa đại diện VKS khẳng định: Navibank đã cho nhân viên vay tiền với lãi suất từ 16 - 17% nhưng lại cho nhân viên gửi vào Vietinbank với tiền lời 14%? Ai có thể lý giải được sự ngược đời này?

Hậu quả việc làm sai trái của các Ngân hàng trên là đặc biệt nghiêm trọng. Theo kết quả điều tra, tổng số tiền mà các cá nhân, tổ chức nói trên nhận từ 4 ngân hàng để gửi nhưng chưa thu hồi được do Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt liên quan đến 4 ngân hàng (cả ACB) tính tròn là 3.067 tỷ đồng (trong đó ACB là 718 tỷ đồng), chiếm hơn 3/4 trong tổng số tiền 3.986 tỷ đồng bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt. 

Thế nhưng, hiện mới chỉ những người có trách nhiệm liên quan đến hậu quả 718 tỷ đồng của ACB bị khởi tố và kết án. Tại sao nhiều Ngân hàng lại có thể cùng bị Như lừa đảo lấy mất số tiền lớn như vậy? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm đến đâu?

Hiển nhiên là “cung phải gặp cầu”, nhưng để tiếp cận, đàm phán các điều kiện thuận tiện cho mình, Như phải dùng tiền tươi, lại quả cho người giao dịch và Như đã làm điều tương tự như đã làm với ACB. Như đã phải chi cho Đoàn Đăng Luật trên 30 tỷ đồng (tiền mặt) và cho Nguyễn Vĩnh Phát trên 15 tỷ đồng (chuyển khoản), trong khi trả lãi suất vượt trần 24.569.130.555 đồng cho Navibank. 

Thực ra, những nhân vật trong vai trò “đại diện giao dịch ngầm” nêu trên chỉ mới là “tép điểm vào cầu nối” với Như. Để tiền chạy ra được, phải nhắc đến cái chủ trương ấy đã được ai bấm nút hình thành và đã vận hành ra sao tại các ngân hàng? 

Lý do nào và ai đã “duyệt” cho Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát “tỉnh táo” rút đơn kháng cáo? Ai đã tiếp tay thực hiện sai phạm và ai, có hay không việc che giấu sai phạm? Sai phạm ấy có đến mức là tội phạm không?… 

Chủ trương và việc thực hiện chủ trương ấy tại ACB đã phải trả giá với tội danh bị “kết án”: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tranh luận tại phiên tòa ngày 26/12, vị đại diện VietinBank phát biểu: “Tương tự như phiên tòa của bầu Kiên, các ngân hàng này đã cố tình lách luật, né tránh thị trường liên ngân hàng, lừa dối Ngân hàng Nhà nước” 

Vậy các chuỗi và nhóm sai phạm này có thể khởi tố được chứ, tại sao không?

Đọc thêm