Vụ việc thay đổi nhân sự tại Cenco5: Có dấu hiệu vi phạm, cần được kiểm tra, xử lý?

(PLO) - Bà Lương Nguyệt Thu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã cho báo chí biết như vậy, xung quanh việc bổ nhiệm HĐQT mới của Cienco 5 cũng miễn nhiệm một số cán bộ chủ chốt khác mà không thông qua Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty theo quy chế hiện hành.
Bà Lương Nguyệt Thu - Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Đà Nẵng.
Bà Lương Nguyệt Thu - Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Đà Nẵng.

Thông qua việc đấu thầu cổ phần do Nhà nước bán và mua thêm từ cổ đông chiến lược, cuối tháng 4/2016, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát và một số cổ đông khác đã nắm 54,18% cổ phần của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5). Sau khi nắm giữ cổ phần chi phối, nhóm cổ đông này đã bổ nhiệm, miễn nhiệm các vị trí then chốt không đúng trình tự, thủ tục. HĐQT mới của Cienco 5 cũng ra nghị quyết không phù hợp, mục đích là giành quyền thực hiện các dự án đô thị tại Hà Đông - Hà Nội với Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land).

Ngày 25.4.2016, khi vừa được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Cienco 5, ông Lê Quang Vinh - đại diện cổ đông Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát đã ký Công văn số 642/TCT5-HĐQT đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiểm tra, rà soát việc giảm vốn sở hữu của Cienco 5 nhiều năm trước đây tại Cienco 5 Land. Một số báo mạng cũng dẫn lời ông Vinh cho rằng, việc Cienco 5 bán cổ phần Cienco 5 Land vào năm 2009 và không nắm cổ phần chi phối tại Cienco 5 Land là trái quy định, có khả năng làm mất vốn, tài sản nhà nước...

Đây là thông tin không chính xác. Bởi theo quy định tại khoản 3, Điều 20 của Điều lệ Cienco 5 (được Bộ GTVT phê duyệt ngày 5.1.2009) thì HĐQT Tổng công ty được quyết định hoặc phân cấp cho Tổng Giám đốc quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua bán cổ phần, tài sản có giá trị đến 50% tổng giá trị tài sản trên báo cáo tài chính công bố tại quý gần nhất của Tổng công ty. Trong khi 1.950.000 cổ phần được bán (trị giá 21,5 tỷ đồng) chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng giá trị tài sản của Cienco 5 thời điểm đó (xấp xỉ 4.000 tỷ đồng).

Mặt khác, theo Nghị định 78/2007/NĐ-CP, Nghị định 108/2009/NĐ-CP, việc sử dụng vốn nhà nước đối với việc thực hiện các dự án BT không được khuyến khích. Điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 78/2007/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nhà nước tham gia góp vốn để thực hiện dự án với tỷ lệ không quá 49% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Vì vậy, việc Cienco 5 chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc không nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land không trái với quy định của pháp luật, đúng chủ trương của Nhà nước về các dự án đầu tư phát triển công trình kết cấu hạ tầng của Chính phủ theo các hình thức BOT, BTO, BT.

Tương tự, việc giao Cienco 5 Land thực hiện dự án BT đường trục phía nam tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) và các dự án đối ứng hoàn vốn Thanh Hà A, Thanh Hà B và Mỹ Hưng và khoán lợi nhuận bằng 2% số tiền phải nộp vào ngân sách là thẩm quyền tự quyết đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khoản tiền khoán lợi nhuận 137,3 tỷ đồng đã được Cienco 5 Land nộp đủ cho Cienco 5 và được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận. Theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Cienco 5 tại thời điểm ngày 30-6-2013 thì vốn nhà nước tại Cienco 5 là 438 tỷ đồng, tăng 8,67 lần so với năm 2007.

Giai đoạn 2011-2014, nhiều nhà đầu tư lao đao do thị trường nhà đất đóng băng, các ngân hàng siết chặt cho vay bất động sản theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong hoàn cảnh đó, Cienco 5 Land nhiều lần mời Cienco 5 mua cổ phần để có thêm nguồn vốn phục vụ các dự án. Nhưng Cienco 5 chỉ mua thêm lượng cổ phiếu nhỏ bởi Chính phủ có chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước cắt giảm đầu tư ngoài ngành. Đồng thời, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Cienco 5 tập trung chỉ đạo, thực hiện các bước cổ phần hóa công ty mẹ và các đơn vị thành viên theo đúng tiến độ kế hoạch đã được phê duyệt…

Trước thực trạng nhiều dự án BT bị đình trệ do thiếu vốn, UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát. Ngày 2.12.2013, UBND thành phố đã có Công văn 166/TB-VP thông báo dừng triển khai hợp đồng BT nhiều dự án, trong đó có dự án mà Cienco 5 Land đang thực hiện. Sau nhiều nỗ lực của Cienco 5 Land, đến tháng 7.2014, UBND thành phố Hà Nội mới đồng ý ký hợp đồng phụ lục gia hạn và điều chỉnh hợp đồng BT đường trục phía nam và các dự án hoàn vốn cho Cienco 5 Land. Có thể thấy, ngay cả thời điểm khó khăn nhất, Cienco 5 cũng không thể hỗ trợ cho Cienco 5 Land, kể cả việc bảo lãnh vay vốn. Với áp lực về tài chính để thanh toán trái phiếu và các khoản vay sắp đến hạn, đầu năm 2016, nhiều cổ đông tại Cienco 5 Land chỉ mong chuyển nhượng cổ phần cho những nhà đầu tư có đủ năng lực để tiếp tục thực hiện dự án và các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Thậm chí, các cổ đông Cienco 5 Land còn chấp nhận bán nợ cả cổ phần và cho thanh toán sau sáu tháng, nhưng chưa có đối tác quan tâm thật sự.

Đến cuối tháng 4.2016, các cổ đông (ngoài cổ đông Nhà nước) của Cienco 5 Land mới bán được cổ phần cho Tập đoàn Mường Thanh. Lúc này, đại diện một số cổ đông mới của Cienco 5 lại gửi văn bản tới Bộ GTVT với lý do “lo ngại mất vốn nhà nước”. HĐQT mới của Cienco 5 đã ra nghị quyết đòi “Dừng hoạt động của doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land đối với Dự án Đầu tư BT” để Cienco 5 trực tiếp triển khai thực hiện… Để làm sáng tỏ vấn đề, Bộ GTVT đã cử tổ công tác gồm lãnh đạo và chuyên viên các vụ, cục chuyên môn cùng Thanh tra của Bộ vào Cienco 5 làm việc.

Sau khi có báo cáo của tổ công tác, ngày 22.Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của những người đại diện phần vốn nhà nước và các cổ đông khác của Cienco 5. Tại buổi họp, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường nêu rõ, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tại Cienco 5 trước khi cổ phần hóa. Lãnh đạo Bộ GTVT không cho rằng quá trình giảm vốn của Cienco 5 tại Cienco 5 Land là gây thất thoát hoặc trái quy định; “việc Tập đoàn Mường Thanh nhận chuyển nhượng cổ phần của Cienco 5 Land vừa qua là chuyện chuyển nhượng vốn của các cổ đông khác ngoài Cienco 5, không phải chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại đây”. Như vậy, nghi ngờ mất vốn nhà nước tại Cienco 5 là không có cơ sở.

Luật sư Nam Giang (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho rằng HĐQT Cienco 5 hiện nay không có thẩm quyền hủy bỏ, thay đổi hoặc phủ quyết đối với những nghị quyết, quyết định của HĐQT Cienco 5 trước khi cổ phần hóa (100% vốn nhà nước). Đến nay cũng không còn thời hiệu để đề nghị cơ quan tài phán (Tòa án hay Trọng tài) xem xét, tuyên bố vô hiệu đối với nghị quyết, quyết định đã được HĐQT Cienco 5 ban hành từ năm 2010. Luật sư cũng cho rằng, Cienco 5 chỉ là một cổ đông nắm vài % cổ phần, nên ra nghị quyết chấm dứt hoạt động các dự án BT của Cienco 5 Land là không có giá trị.

Đáng chú ý, Cienco 5 Land mới chính là doanh nghiệp được UBND tỉnh Hà Tây giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường trục phía nam. Các Quyết định số 3128, 3129 và 3130/QĐ-UBND ngày 30.7.2008 của UBND tỉnh Hà Tây ghi rõ, đơn vị được giao đất để thực hiện các dự án đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B và Mỹ Hưng để hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng đường trục phía nam là Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5.

Cùng với nghị quyết trái thẩm quyền nêu trên, HĐQT của Cienco 5 với sự chi phối của các cổ đông mới đã miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Hà Hùng - một trong ba người đại diện phần vốn của Nhà nước, Phó Bí thư Đảng ủy Tổng công ty; đồng thời bổ nhiệm, miễn nhiệm một số vị trí chủ chốt khác. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm này là bình thường và phục vụ lợi ích của các cổ đông nắm cổ phần chi phối. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy Cienco 5 và HĐQT với sự chi phối của các cổ đông mới, đã không tuân thủ các quy chế của Đảng bộ Tổng công ty.

Theo Quy chế làm việc (số 26-QĐ/ĐU) của Đảng bộ Cienco 5 nhiệm kỳ 2015-2020, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng Giám đốc phải báo cáo, xin phép Đảng bộ cấp trên trực tiếp. Tuy nhiên, họ đã miễn nhiệm ông Hà Hùng mà không báo cáo và xin ý kiến Thành ủy Đà Nẵng, dù Đảng bộ Cienco 5 hiện vẫn còn là Đảng bộ trực thuộc Thành ủy Đà Nẵng và ông Hà Hùng thuộc diện cán bộ do Thành ủy Đà Nẵng quản lý.

Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, đến cuối tháng 5.2016, Thành ủy Đà Nẵng chưa hề nhận được báo cáo của Đảng ủy Cienco 5 về việc thay đổi nhân sự này. Ngoài ông Hà Hùng, HĐQT mới của Cienco 5 cũng miễn nhiệm một số cán bộ chủ chốt khác mà không thông qua Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty theo quy chế hiện hành.

Bà Lương Nguyệt Thu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng cho biết, đó là những dấu hiệu vi phạm nguyên tắc Đảng, cần được kiểm tra, xử lý theo quy định...

Những sự việc nêu trên cho thấy, Bí thư Đảng ủy Cienco 5 và HĐQT Cienco 5 hiện nay đã phớt lờ Điều lệ Đảng cũng như điều lệ hoạt động của Cienco 5, vi phạm quy chế dân chủ tại công ty cổ phần, gây xáo trộn, mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng. Đại diện cổ đông Hải Phát đã có văn bản nêu nội dung không đúng sự thật về việc quản lý vốn nhà nước tại Cienco 5 trước khi cổ phần hóa, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bộ GTVT, uy tín của lãnh đạo Cienco 5 trước đây và hiện nay, đồng thời cũng gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính doanh nghiệp này.

Đọc thêm