Xã hội hóa đầu tư: Không lo chuyện độc quyền

(PLO) - Hôm qua 25/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị giới thiệu Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
"Nóng" nhất hạ tầng hàng không
Thời gian gần đây, nhiều đơn vị tư nhân đã đề nghị được tham gia nhượng quyền quản lý khai thác các cơ sở hạ tầng giao thông là nhà ga, sân bay theo chủ trương xã hội hóa hạ tầng hàng không của Bộ Giao thông Vận tải.
Xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng hàng không đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế
Xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng hàng không đang thu hút sự chú ý
của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế 
Vietnam Airlines cũng đề xuất nhượng hoặc mua lại quyền khai thác nhà ga T1-Nội Bài, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất mua Cảng hàng không Phú Quốc, Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines xin tham gia nhượng quyền khai thác nhà ga cũ tại sân bay Đà Nẵng trong 20-50 năm để phục vụ hàng không giá rẻ theo chủ trương xã hội hóa hạ tầng hàng không của Bộ GTVT.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan quản lý nhà nước sẽ điều hành hợp lý để tránh việc độc quyền, gây khó cho các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên đến nay, việc nhượng bán như thế nào và quản lý ra sao vẫn đang được cơ quan hữu trách ngành giao thông tính toán.
Không lo chuyện độc quyền
Trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, GTVT là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhất, và cũng đang là lĩnh vực xúc tiến mạnh mẽ nhất xã hội hóa đầu tư bằng các hình thức PPP. Tuy nhiên, đứng trước việc các cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường thủy... lần lượt “rơi” vào tay các nhà đầu tư, không ít người lo ngại liệu “độc quyền” có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các DN khác. 
Hôm qua 25/3, tại hội nghị giới thiệu Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP, ông Hoàng Mạnh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, việc Nhà nước nhượng quyền khai thác, quản lý công trình, dịch vụ công cho nhà đầu tư tư nhân sẽ phải dựa trên cơ sở những điều kiện kiểm soát hết sức chặt chẽ. Mọi dịch vụ cung cấp của nhà đầu tư phải dựa trên quy định của Nhà nước, do vậy không cần lo lắng độc quyền Nhà nước chuyển sang độc quyền tư nhân.
Theo ông Phương, nếu trước đây đầu tư theo hình thức PPP chỉ có các dạng hợp đồng cơ bản như BOT, BTO và BT thì Nghị định mới có thêm các loại hợp đồng khác như BOO, O&M, BLT, BTL… Ngoài ra, nhà đầu tư có thể đề xuất các loại hợp đồng khác dựa trên các điều kiện của Nghị định.
Đặc biệt, theo ông Phương, một điểm mới trong quy định về lĩnh vực đầu tư của Nghị định mới này chính là thu hút đầu tư tư nhân vào các công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo Nghị định số 15/2015/NĐ - CP, các lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP khá đa dạng. Ngoài các công trình kết cấu hạ tầng GTVT và các dịch vụ có liên quan mà việc xã hội hóa đầu tư đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và các nhà đầu tư, PPP còn nhắm đến các lĩnh vực khác như hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nghĩa trang, nhà máy điện, đường dây tải điện, công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa thể thao và các dịch vụ liên quan, trụ sở của cơ quan nhà nước, công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khoa học công nghệ, khí tượng thủy văn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin tập trung...

Đọc thêm