Xây dựng luật khung cho hoạt động quy hoạch: Bước đột phá trong xây dựng thể chế

(PLO) - Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Quy hoạch (LQH) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5 tới… với kỳ vọng sẽ đổi mới sâu sắc, toàn diện về công tác quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vững…
LQH sẽ loại bỏ quy hoạch sản phẩm như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo… Ảnh minh họa
LQH sẽ loại bỏ quy hoạch sản phẩm như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo… Ảnh minh họa

Tích hợp quy hoạch để “loại” bớt giấy phép

Với 95 Luật, Pháp lệnh và 85 Nghị định điều chỉnh hoạt động quy hoạch hiện nay, việc ban hành LQH cũng được xem là bước đột phá về thể chế tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật bằng việc điều chỉnh tất cả các loại quy hoạch. Cùng với đó, LQH sẽ tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ T.Ư đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương… 

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ KH&ĐT), Tổ trưởng tổ soạn thảo cho biết, dự án Luật không chỉ nhằm hướng tới việc cải cách toàn diện về công tác quy hoạch mà với việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm (như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo; quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng; quy hoạch sản xuất rượu và làng nghề sản xuất rượu địa phương; quy hoạch sản xuất thuốc lá, mạng lưới buôn bán thuốc lá...) đang tồn tại hiện nay, LQH sẽ loại bỏ những giấy phép trái với quy luật của kinh tế thị trường, tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, LQH sẽ làm thay đổi cách thức tổ chức lập quy hoạch từ cách thức truyền thống sang cách thức hiện đại theo phương pháp quy hoạch chiến lược và nội dung quy hoạch tổng hợp, đa ngành. “Các ngành, lĩnh vực được tích hợp trong quy hoạch tổng thể các cấp, chỉ một số ngành hạ tầng thiết yếu, một số ngành sử dụng tài nguyên, thiên nhiên khan hiếm, hữu hạn không có khả năng tái tạo và được phân bổ không gian trên lãnh thổ cả nước mới tổ chức lập riêng quy hoạch ngành theo từng thời kỳ phát triển của đất nước”- ông Các cho biết.

Đã đến lúc phải thay đổi!

Là một trong những người tham gia soạn thảo Luật Đất đai, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cũng thừa nhận mô hình quản lý quy hoạch sử dụng đất hiện hành ở Việt Nam chưa phải là mô hình tốt nhất. Ông cho rằng Việt Nam cần hướng tới mô hình quy hoạch sử dụng đất được tích hợp trong quy hoạch tích hợp chung, trợ giúp ra quyết định phát triển thống nhất.

Vị chuyên gia này đề xuất cách làm là chồng tất cả các quy hoạch với nhau, “nếu khớp thì tốt, không khớp thì sửa”. Ông cho rằng, trước đây thì dùng giấy bóng kính để tìm điểm chưa khớp nhưng bây giờ công nghệ thông tin có thể giải quyết chính xác đến từng centimet.

Đánh giá về LQH, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng: “Không bao giờ có câu trả lời là ổn, nhưng đây là phương pháp tiếp cận mới. Tuy nhiên, nếu chậm lại thì gây ra hậu quả vô cùng lớn trong những bước tiếp theo, chính chúng ta làm chúng ta tụt hậu, tự chúng ta đưa mình vào bẫy trung bình, trong đó có nguyên nhân từ quy hoạch…”. Ông còn cho biết, lợi ích có thể thấy rõ khi Luật được ban hành. DN và người dân sẽ không phải “chạy quy hoạch”. Quy hoạch tổng thể sau khi rà soát sẽ được công bố công khai để người dân và DN được rõ…

Ông Lawrie Wilson - Chuyên gia quốc tế về quy hoạch, người có  hơn 20 năm là nhà tư vấn quy hoạch đô thị tại Việt Nam cũng cho rằng, điều Việt Nam cần ngay bây giờ chính là một con đường thể chế rõ ràng dẫn tới một hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển có hiệu quả và hữu hiệu cùng với cam kết liên tục duy trì quá trình cải cách tại tất cả các cấp quản lý quy hoạch. 

“Chúng ta phải thừa nhận dự thảo LQH chính là bước đi đầu tiên trên con đường thể chế này. Có thể nói, đây là sáng kiến quan trọng nhất trong công cuộc cải cách quy hoạch mà tôi từng biết, đặc biệt nếu như dự thảo Luật này được công nhận là nhân tố thúc đẩy cuộc cải cách không ngừng của toàn bộ hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển của Việt Nam…” - ông Lawrie Wilson khẳng định.

(Còn tiếp)

Đọc thêm