Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam: Không chỉ là cái logo

(PLO) - Trong khi hai “đối thủ” Thái Lan và Ấn Độ đã xây dựng thành công thương hiệu quốc gia và mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn cho hạt gạo thì Việt Nam vẫn loay hoay: Đâu là những bước đi quan trọng để xây dựng thương hiệu quốc gia cho mặt hàng nông sản này?  
Thiếu thương hiệu thị trường, xuất khẩu của gạo Việt Nam chỉ khiêm tốn dừng ở phân khúc trung bình và thấp
Thiếu thương hiệu thị trường, xuất khẩu của gạo Việt Nam chỉ khiêm tốn dừng ở phân khúc trung bình và thấp
Gạo đi tiên phong
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT), Việt Nam mặc dù có  4,1 triệu héc ta đất trồng lúa, năm 2014 tổng sản lượng lúa đạt 45 triệu tấn, xuất khẩu  hơn 6,3 triệu tấn gạo, đạt 2,93 tỷ USD, xếp thứ 3 thế giới nhưng ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức cả về cách thức tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh quốc tế.
Thống kê cho thấy, hiện ở Việt Nam 85% số hộ sản xuất lúa quy mô dưới 0,5ha, trong khi hoạt động về tổ chức sản xuất khác như hợp tác xã, tổ nhóm, sản xuất theo hợp đồng còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả kinh tế. 
Ngoài ra, việc thiếu các giống lúa chủ lực, có chất lượng cao để hình thành các sản phẩm mũi nhọn khiến chất lượng gạo xuất khẩu chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu yếu khiến thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam khiêm tốn dừng ở phân khúc trung bình và thấp, giá trị gia tăng thấp. 
Đáng chú ý, Việt Nam hiện có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế. 
Trong bối cảnh trên thị trường mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, ngoài các đối thủ truyền thống, Việt Nam còn phải đối mặt với các đối thủ mới nổi như: Campuchia, Myanmar và Mỹ. Bởi vậy, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam sẽ là hàng loạt vấn đề cấp bách móc xích nhau: giá, chất lượng, thương hiệu và lòng tin của thị trường đối với gạo Việt.  
Vì thế, ngày 21/5/2015 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được đánh giá là một quyết định rất quan trọng. “Đây là đề án mang tầm quốc gia đầu tiên của Việt Nam đối với xây dựng thương hiệu nông sản, là tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực khác như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản… 
Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là một cách tiếp cận mới, phát huy những giá trị của ngành hàng để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm”- ông Nguyễn Trọng Thửa, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản nói.    
Xây dựng thương hiệu: Xây dựng tầm nhìn
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cho đến giờ Việt Nam mới tính đến chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo là việc làm quá chậm khi mà 2 “đối thủ” Thái Lan và Ấn Độ đã xây dựng rất thành công thương hiệu gạo “Rice Jasmine Thai Lan” và gạo “Basmati”  nổi tiếng thế giới. 
Có lẽ vì thế mà Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thành mặc dù đánh giá việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo là một chính sách quan trọng và phù hợp nhưng cũng không ngại ngần cho rằng: “Chúng ta trao đổi về một vấn đề không mới đối với nhiều nước trên thế giới, đó là thương hiệu quốc gia”. 
Theo ông Thành, quá trình hội nhập không chỉ là sự cạnh tranh về chất lượng, giá thành của hàng hóa mà còn cạnh tranh trên nhiều khía cạnh, trong đó có sở hữu trí tuệ. “Rất nhiều cam kết, hiệp định thương mại mà Việt Nam đang là thành viên hoặc chuẩn bị ký kết như: FTA Việt Nam - EU, TPP… vấn đề sở hữu trí tuệ luôn là một nội dung quan trọng, khó khăn trong quá trình đàm phán. Điều đó thể hiện sự quan trọng và cần thiết không chỉ đối với Việt Nam mà là của rất nhiều nước trên thế giới”- ông Thành nhấn mạnh. 
Để triển khai đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, hiện vẫn đang gặp rất nhiều trở ngại như: Tổ chức như thế nào để phát huy tốt nhất giá trị, hiệu quả của thương hiệu? Chủ thể trong xây dựng thương hiệu là ai? Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp gì để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào quá trình xây dựng thương hiệu? Lựa chọn sản phẩm nào, mô hình tổ chức như thế nào, nguồn lực ở đâu? 
Nói về xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, TS. Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, với kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan, Ấn Độ cho thấy họ đang xây dựng mô hình sản xuất mới. Đằng sau nhãn hiệu hàng hóa ẩn chứa giá trị thương mại đó là cả một quy trình sản xuất, cả một quy trình về chất lượng sản phẩm, cả một quy trình về trách nhiệm quản trị. 
“Đừng có nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu là chỉ xây dựng cái lô - gô. Chúng ta cần phải tránh cách thức xây dựng thương hiệu mà chỉ quan tâm tới mấy cái xúc tiến thương mại, mấy cách thức quảng bá sản phẩm, mấy cái hội chợ. Chúng ta muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt phải xây dựng một mô hình tăng trưởng mới cho ngành này từ quy hoạch, cơ chế quản trị, cách thức xúc tiến thương mại, chính sách nhà nước... Và thương hiệu phải chính là cái định vị, là công cụ điều phối ra những điều đó chứ không phải là xây dựng cái lô -  gô” – ông Bình nói.

Đọc thêm