“Xé lẻ” công trình để “tránh né” việc đấu thầu

(PLO) - Liên quan đến các dự án trên địa bàn huyện, các phòng, ban chuyên môn đã nhanh tay tham mưu cho lãnh đạo huyện thông qua việc chỉ định nhà thầu cho nhiều công trình. Đối với những dự án hơn một tỷ đồng thì được “xé” ra từng hạng mục nhỏ để chỉ định thầu hoặc chia nhỏ gói thầu, mỗi gói từ 300 – 400 triệu đồng… Đó là một trong nhiều sai phạm xảy ra tại huyện Phong Điền (Cần Thơ).

Theo đó, Nghị quyết số 11 của HĐND huyện Phong Điền phê duyệt chỉ tiêu chi ngân sách 2016 cho UBND huyện; trong đó chi mua sắm, sửa chữa trường học là 11 tỷ đồng. Việc quản lý và sử dụng nguồn ngân sách này đã có nhiều dấu hiệu nghi vấn không minh bạch.

Hơn 11 tỷ đồng được rút ra từ ngân sách huyện được đưa vào sự nghiệp giáo dục

Hơn 11 tỷ đồng được rút ra từ ngân sách huyện được đưa vào sự nghiệp giáo dục

Mang hơn chục tỷ đồng đi “họp kín”

Ngân sách của UBND huyện được duyệt trong dự toán chi ngân sách “sự nghiệp giáo dục” như mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị phục vụ công nhận và tái công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; trang bị phòng tin học, phòng lab ngoại ngữ và phục vụ cho năm học 2015-2016, 2016-2017 (Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND huyện).

Theo kết luận của thường trực Huyện ủy ngày 17/11/2015, tại Thông báo số 29/TB-VP ngày 15/12/2015 của Huyện ủy Phong Điền, tập thể thường trực Huyện ủy đã thảo luận và thống nhất giao Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chỉ đạo và thực hiện nghiêm theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Theo đó, các dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND huyện quản lý giao về đầu mối Ban Quản lý dự án (QLDA) và Đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, vị Chủ tịch huyện lại làm ngược lại. Cụ thể, ông N.V.S - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã không công khai đối với công tác quản lý tài chính và thu, chi ngân sách theo quy định. Nhất là việc thay đổi “mục đích sử dụng” của các khoản, mục chi ngân sách của huyện.

Còn ông Trương Nhật Quang - Trưởng ban QLDA huyện Phong Điền cho biết: “Chúng tôi không hề biết đến số tiền 11 tỷ trên. Tôi cũng không nghe nhắc đến những khoản tiền đó được chi vào những dự án nào vì Chủ tịch không giao cho chúng tôi làm chủ đầu tư”. Trong khi đó, Nghị định 59 Điều 4 Chương I nêu rõ: “Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đầu tư, chủ đầu tư là Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực được thành lập theo quy định Điều 63 Luật Xây dựng năm 2014 hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình”. Như vậy, thay vì phải giao lại các dự án của huyện cho Ban QLDA làm chủ đầu tư đúng theo tinh thần Nghị định 59 thì vị Chủ tịch huyện lại giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) làm chủ đầu tư.

Sau khi được chỉ định giao chủ đầu tư là Phòng GD-ĐT thì mọi chuyện như lọt vào vòng bí mật. Riêng chỉ có ông Chủ tịch, Phòng Tài chính, Phòng GD-ĐT là biết số tiền 11 tỷ được chi tiêu như thế nào và đi về đâu(?). Còn các đơn vị liên quan như Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Ban QLDA… thì thông tin mờ mịt. Theo cách làm trên của ông Chủ tịch thì chức năng và nhiệm vụ của Ban QLDA xem như bị “vô hiệu hóa”. Vậy, dư luận sẽ nghĩ gì trước chỉ đạo của vị Chủ tịch UBND huyện?!

Hàng loạt quyết định thông qua được Chủ tịch UBND huyện ký nhưng không có chủ trương

Hàng loạt quyết định thông qua được Chủ tịch UBND huyện ký nhưng không có chủ trương

Sai phạm tiếp nối sai phạm

Chưa hết, được sự tham mưu của Phòng Tài chính và Phòng GD-ĐT, Chủ tịch huyện đã ban hành hàng loạt quyết định thông qua mà không cần kiểm chứng. Điều đáng nói là trong các quyết định của vị Chủ tịch này đều không có văn bản đề đạt hay đề nghị thay đổi về chủ trương của Thường vụ Huyện uỷ.

Cụ thể, liên quan đến các dự án, Phòng GD-ĐT đã tham mưu cho lãnh đạo huyện thông qua việc chỉ định nhà thầu cho nhiều công trình. Trong số đó, có những dự án hơn cả tỷ đồng nhưng được “xé” ra từng hạng mục nhỏ để chỉ định thầu. Việc làm này đã vi phạm Điều 89 về các hành vi bị cấm trong Luật Đấu thầu:“Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu”.

Đơn cử là dự án nâng cấp hệ thống thoát nước và 3 phòng trệt của Trường THCS Tân Thới với số tiền đầu tư hơn cả tỷ đồng, được chia nhỏ làm ba gói thầu, mỗi gói từ 300 – 400 triệu đồng. Trong khi, công việc của ba gói thầu đó giống nhau về nội dung nâng cấp, sửa chữa. Điều đáng nói nữa là thời gian ký kết hợp đồng kinh tế (HĐKT) giữa các gói thầu chỉ cách nhau khoảng một tuần.

Cụ thể, HĐKT số 17 ngày 29/2/2016 – lót gạch 8 phòng giá 404.318.000 đồng; HĐKT số 05 ngày 7/3/2016 – nâng cấp hệ thống thoát nước và 3 phòng trệt giá 305.921.00 đồng; HĐKT ngày 21/3/2016 – lắp đặt vách ngăn, cửa sắt xếp các phòng y tế, truyền thống… giá 312.499.000 đồng. Tất cả các HĐKT này đều được Chủ tịch UBND huyện ký thông qua. Một cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Phong Điền bộc bạch: “Trường nào thực hiện dự án có tổng giá trị hơn một tỷ đồng thì sẽ được chia ra làm nhiều gói thầu nhằm “xé lẻ” công trình để “tránh né” việc đấu thầu”.

Tiếp đó, Trưởng phòng GD-ĐT - Nguyễn Thanh Cường ủy quyền cho Hiệu trưởng trường làm chủ đầu tư, giám sát và nghiệm thu công trình. “Quy trình” làm việc này một lần nữa lại tiếp tục vi phạm Điều 21 Nghị định 59 của Chính phủ: “Chủ đầu tư trực tiếp thực hiện quản lý dự án; Cá nhân tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc đảm nhận”.

Một cán bộ của Phòng GD-ĐT bức xúc: “Ông Cường được Chủ tịch giao làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, ông Cường ký quyết định chỉ định thầu và quyết định ủy quyền cho Hiệu trưởng trường ký hợp đồng để “né tránh” trách nhiệm…

Như vậy, việc Phòng GD-ĐT ủy quyền cho Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thới làm các công tác trên thì có đúng với chuyên môn, trình độ nghiệp vụ hay không!?”. Cũng theo vị cán bộ này, mọi thủ tục về chọn thầu, thực hiện hợp đồng, quyết định chỉ định thầu, biên bản nghiệm thu, giấy chuyển tiền... đều do bà O. (Phó phòng Tài chính) và ông C. (kế toán Phòng GD-ĐT) làm sẵn.

Ông C. mang xuống trường cho Hiệu trưởng ký rồi mang về nộp cho kho bạc chuyển tiền; trường học chỉ cần làm bản đề nghị và sau đó chỉ biết ký tên vào giấy tờ, mọi thủ tục đều do ông C. làm hết. Hồ sơ lưu lại trường chỉ có chứng từ chuyển tiền để quyết toán, các hồ sơ kỹ thuật hầu như không được lưu giữ.

Đọc thêm