“Xin” đối thoại với cơ quan dưới quyền Bộ Tài chính

(PLO) - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam bức xúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho phép tổ chức một cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi  với lãnh đạo các cơ quan chức năng dưới quyền ông Bộ trưởng, gồm Cục Thuế, Cục Kiểm tra sau thông quan của Tổng cục Hải quan.
Cuộc đối thoại nhằm làm minh bạch vấn đề thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế nhập khẩu trong thức ăn chăn nuôi.
“Gần hai năm nay, nhiều doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước “ăn không ngon, ngủ không yên” do ngành thuế của Tổng cục Hải quan gây nhiều khó khăn” – ông Lịch phản ánh với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
Trước đó, Hiệp hội này đã có nhiều công văn gửi đến Tổng cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Thuế xuất nhập khẩu Hải quan nhưng đều nhận được điều mà ông Lịch mô tả là “sự im lặng đáng sợ”. 
“Gần hai năm nay, nhiều doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước “ăn không ngon, ngủ không yên”. Ảnh minh họa
“Gần hai năm nay, nhiều doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn
nuôi trong nước “ăn không ngon, ngủ không yên”. Ảnh minh họa 
Theo vị này, các cơ quan vừa được nêu tên đã hướng dẫn Hải quan cơ sở “cố tình bỏ qua” các khái niệm thức ăn chăn nuôi trong Nghị định số 15/CP của Chính phủ ngày 19/3/1996 cũng như Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 5/2/2010 của Chính phủ, chưa nói đến những khái niệm về thức ăn chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, “cố tình bỏ qua” khái niệm, định nghĩa về thức ăn chăn nuôi theo những định nghĩa có tính quốc tế… nhằm mục đích “ép doanh nghiệp về vấn đề thuế nhập khẩu, thuế GTGT”.
Tường trình từ phía các doanh nghiệp cho thấy, ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thức ăn thủy sản nội địa đang rất khổ sở. Nguyên liệu sản xuất phần lớn phải nhập khẩu. Tài chính hạn hẹp, 70-90% vốn kinh doanh là vay ngân hàng thương mại với lãi suất 11-14%/năm. Trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi chính (lợn, gà…) nhiều tháng xuống dưới giá thành sản xuất. Nhiều trang trại chăn nuôi nông hộ đóng cửa, bỏ trống chuồng, lượng tiêu thụ thức găn giảm nên giá thức ăn không tăng…
Trong khi đó, chính vì các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính cố ý hoặc vô ý hiểu khác khái niệm, định nghĩa về thức ăn chăn nuôi nên việc áp mã HS cũng như áp dụng khung thuế VAT không đúng gây tổn hại cho các doanh nghiệp. 
Mới nhất có thể kể đến trường hợp của Cty CP Nông sản Quốc tế. Ngày 09/10, doanh nghiệp này nhận được quyết định ấn định thuế của Chi cục Hải quan quản lý hàng Đầu tư – Gia công Hải Phòng đối với mặt hàng “phụ gia, chế phẩm, chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi, thuộc mã HS nhóm 2309”. Theo đó, thuế suất thuế GTGT mặt hàng này tăng gấp đôi, từ  mức 5% lên mức 10%, đối với các tờ khai hải quan từ ngày 08/08/2013 đến nay. Căn cứ truy thu được cho là thực hiện theo Công văn số 4582/TCHQ-TXNK ngày 08/08/2013 của Tổng cục Hải quan.
“Công ty chúng tôi thấy quyết định ấn định thuế của Chi cục Hải quan quản lý hàng Đầu tư – Gia công Hải Phòng chưa đủ cơ sở pháp lý” – ông Đam Đức Vinh, Giám đốc doanh nghiệp cho hay.
Ông Vinh viện dẫn Thông tư số 131/2008/TT-BTC của  Bộ Tài chính. Theo đó thuế suất thuế GTGT mặt hàng phụ gia, chế phẩm, chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi mã HS nhóm 2309 là 5%. Nghị định số 08/2010 của Chính phủ quy định mặt hàng phụ gia thức ăn chăn nuôi, chế phẩm, chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi là thức ăn chăn nuôi, vì vậy theo Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của chính Bộ Tài chính cũng hướng dẫn nhóm hàng này chịu thuế suất thuế GTGT 5%.
“Công ty chúng tôi cũng nhập mặt hàng phụ gia, chế phẩm, chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi mã HS nhóm 2309 tại các Chi cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh nhưng tới nay chúng tôi cũng không nhận được bất kỳ hướng dẫn nào về thay đổi thuế suất thuế GTGT nhóm mặt hàng này” – “khổ chủ” trình bày.
Chưa biết Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ quyết đáp như thế nào với đề xuất từ phía Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi. Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến và thông tin tới bạn đọc.

Đọc thêm