Xử lý sở hữu chéo ngân hàng sao cho “đánh chuột không vỡ lọ”?

(PLO) - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tại Việt Nam, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro, gây cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý vấn đề này, nhưng đảm bảo không làm đổ vỡ hệ thống.
Đang tồn tại 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau. (Ảnh minh họa)
Đang tồn tại 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau. (Ảnh minh họa)
Lách luật để sở hữu chéo
Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất và một số hậu quả khác. Hiện tượng này có ở hầu hết các hệ thống tài chính trên thế giới với quy mô, mức độ phức tạp và biện pháp quản lý, kiểm soát khác nhau.
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, trả lời câu hỏi của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, tại Việt Nam, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, gây cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Dù Luật Các TCTD năm 2010 đã quy định các TCTD không được phép sở hữu cổ phần lẫn nhau; các công ty con, công ty liên kết của một TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của chính TCTD đó. Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, do yếu tố lịch sử, trên thực tế hiện vẫn còn một số TCTD góp vốn tại nhiều TCTD khác hoặc có sở hữu cổ phần lẫn nhau (là những trường hợp xảy ra từ trước khi Luật Các TCTD năm 2010 có hiệu lực). 
Hoặc có một số trường hợp TCTD thông qua các công ty con của mình sở hữu cổ phần của TCTD khác. “Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam là vấn đề có tính lịch sử và cần được xử lý từng bước, triệt để và bằng nhiều giải pháp đồng bộ” – ông Bình nói.
Thống đốc Bình cho biết, thực tế hiện nay đang tồn tại 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau; 34 TCTD có cổ đông một chiều là TCTD khác, trong đó một số ngân hàng TMCP có một số cổ đông là TCTD khác. Tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng, mặc dù mới chỉ ở mức qui mô nhỏ, song đã có những tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng này và toàn hệ thống ngân hàng.
7 giải pháp xử lý sở hữu chéo “có lộ trình”
Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD, NHNN đã xác định mục tiêu xử lý sở hữu chéo là góp phần bảo đảm cho hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh và minh bạch. 
Quan điểm xử lý sở hữu chéo của NHNN là thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng TCTD và hệ thống các TCTD với giải pháp xử lý phải toàn diện, bao gồm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế sở hữu chéo và quy định an toàn hoạt động ngân hàng, xử lý đồng bộ, toàn diện nhưng có tính đến đặc điểm của từng TCTD cụ thể.
“Quan điểm xử lý sở hữu chéo là thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng TCTD và hệ thống các TCTD; giải pháp xử lý phải toàn diện bao gồm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế sở hữu chéo và quy định an toàn hoạt động ngân hàng; xử lý đồng bộ, toàn diện nhưng có tính đến đặc điểm của từng TCTD cụ thể” - Thống đốc khẳng định.
Để giải quyết vấn đề này, hiện nay NHNN đã và đang triển khai đồng bộ 7 giải pháp. Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, rà soát, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm các quy định của Luật Các TCTD năm 2010 và các quy định có liên quan đến vấn đề sở hữu chéo của các TCTD. Xây dựng lộ trình giảm sở hữu vốn lẫn nhau giữa các TCTD; tạo điều kiện cho các TCTD thoái vốn ở các TCTD và các công ty con, công ty liên kết hoạt động không có hiệu quả.
Bên cạnh đó, xác định nguồn lực tài chính của các cổ đông của TCTD khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại TCTD, để đảm bảo nguồn vốn của các cổ đông là cá nhân, tổ chức đầu tư vào TCTD là hợp pháp và phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của họ. 
Đồng thời, giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của các đối tượng có sở hữu chéo, trong đó giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD có liên quan để một mặt đánh giá khả năng tài chính của cổ đông; mặt khác ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan.
Ngoài ra, NHNN phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán theo dõi, giám sát việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán. Trong các phương án tái cơ cấu của các TCTD, NHNN yêu cầu TCTD vi phạm các quy định về sở hữu chéo, đầu tư, giới hạn sở hữu vốn và cấp tín dụng cũng như các quy định an toàn khác phải có biện pháp xử lý.
Một giải pháp khác được NHNN thực hiện là yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty nhà nước xây dựng lộ trình thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hang; đồng thời xây dựng các quy trình nhằm xử lý, ngăn chặn, phòng ngừa việc sở hữu chéo, đầu tư chéo.
Trong thời gian tới, cùng với quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, tình trạng sở hữu cổ phần lẫn nhau của các TCTD sẽ được từng bước xử lý dứt điểm, phù hợp với quy định pháp luật”. 
Sở hữu chéo đã làm “lệch lạc” dòng chảy của đồng tiền trong nền kinh tế
Tại hội thảo “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính” do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ban kinh tế Trung ương Đảng tổ chức mới đây, mặc dù đánh giá cao những kết quả sau 2 năm thực hiện tái cấu trúc thị trường tài chính để ứng phó với khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để có hệ thống tài chính thật sự lành mạnh.
Cụ thể, các quy định mới để đảm bảo an toàn hệ thống vẫn còn khoảng cách với chuẩn mực của quốc tế. Gia tăng nợ xấu được kiểm soát nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn cao; tình trạng sở hữu chéo ở các khu vực ngân hàng, doanh nghiệp, chứng khoán đã làm “lệch lạc” dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế…

Đọc thêm