Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc gặp khó

(PLO) - Việc Tổng cục Chất lượng Trung Quốc dựng hàng rào kỹ thuật, tiến hành khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam khiến gạo Việt gặp khó khăn khi muốn thâm nhập thị trường này. 
Các nhà xuất khẩu gạo gặp khó khăn do hàng rào kỹ thuật mới được Trung Quốc dựng lên. Ảnh minh họa
Các nhà xuất khẩu gạo gặp khó khăn do hàng rào kỹ thuật mới được Trung Quốc dựng lên. Ảnh minh họa

Không còn dễ dàng cho gạo Việt Nam

Trung Quốc, lâu nay luôn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc bắt đầu có xu hướng sụt giảm trong những năm gần đây. Năm 2016, XK gạo sang thị trường này đạt mức thấp chỉ hơn 1,5 triệu tấn, giảm trên 35% về khối lượng so với năm trước đó.

Theo nhiều doanh nghiệp (DN), một trong những lý do khiến XK sụt giảm là do thời gian gần đây Trung Quốc đã lập hàng rào kỹ thuật về việc nhập gạo từ Việt Nam bằng cách Tổng cục Chất lượng Trung Quốc (AQSIQ) tiến hành khảo sát và tuyển chọn các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam được phép XK sang thị trường Trung Quốc. 

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cũng xác nhận, ngày 23/12/2016, Cục này đã nhận được văn bản của AQSIQ công bố kết quả kiểm tra các DN đăng ký sản xuất và chế biến gạo xuất sang Trung Quốc.

Theo kết quả kiểm tra của AQSIQ, sau khi đi đánh giá thực tế 31 DN sản xuất chế biến gạo Việt Nam, cơ quan này chỉ công nhận đối với 22 DN. Các DN được AQSIQ “duyệt” được cho có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với Nghị định thư về kiểm dịch đối với gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc và các yêu cầu khác về quản lý chất lượng đối với gạo NK. 

Theo đó, từ ngày 1/1/2017, chỉ các DN có tên trong danh sách 22 DN nói trên được phép XK gạo vào thị trường Trung Quốc, mốc thời gian được tính từ ngày hàng rời cảng Việt Nam. Các DN không có tên trong danh sách này đương nhiên không được phép XK gạo sang thị trường này.    

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp Hội lương thực Việt Nam, ngoài việc lập hàng rào kỹ thuật về việc nhập gạo từ Việt Nam bằng cách Tổng cục Chất lượng Trung Quốc tiến hành khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc còn đặt vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cho mặt hàng gạo.

Thậm chí, lâu nay phía Trung Quốc không hạn chế nhập khẩu nếp từ Việt Nam nhưng sắp tới, họ sẽ áp dụng quota đối với mặt hàng này. Điều này được dự báo gây khó khăn cho các DN xuất khẩu gạo trong thời gian qua cũng như sắp tới.

Đề nghị mở rộng danh sách

Nhằm thúc đẩy XK gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, đồng thời tạo điều kiện cho các DN có nhu cầu XK gạo sang Trung Quốc nhưng chưa được kiểm tra trong năm 2016, ngày 5/1/2017, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục BVTV có văn bản gửi AQSIQ đề nghị phía bạn cử đoàn kiểm tra đánh giá các DN tham gia XK gạo theo quy định. 

Theo Cục BVTV, để chuẩn bị tốt cho đợt kiểm tra lần thứ 2 này, Cục đã yêu cầu 9 DN chưa đạt yêu cầu trong đợt kiểm tra lần trước cần sớm thực hiện các biện pháp khắc phục theo phản hồi từ phía Trung Quốc. Đối với các DN có nhu cầu XK gạo sang Trung Quốc nhưng chưa được AQSIQ kiểm tra và chấp thuận đề nghị gửi đăng ký danh sách về Cục này để rà soát, tổng hợp trình Bộ NN&PTNT.  

Trong chuyến khảo sát hoạt động sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo tại ĐBSCL mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá tình hình tiêu thụ lúa, gạo trong nước đang có dấu hiệu khởi sắc, do thị trường xuất khẩu tăng trở lại. Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó do không được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Nam cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Tổng cục kiểm dịch Trung Quốc tiếp tục tổ chức kiểm tra đợt 2 để xem xét, bổ sung các doanh nghiệp gạo Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường này.

Xuất khẩu gạo năm 2017 dự báo chỉ đạt mức 5 triệu tấn

Trước tình hình nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn chưa rõ nét, trong khi sản lượng và tồn kho gạo thế giới tăng ở mức kỷ lục trong năm qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2017 chỉ đạt mức trên 5 triệu tấn, tương đương hoặc tăng nhẹ so với sản lượng xuất khẩu năm 2016. 

Theo VFA, hiện sản lượng tồn kho của các doanh nghiệp từ năm 2016 chuyển sang là 443.000 tấn, chưa kể vụ Đông Xuân sắp sửa vào đợt thu hoạch. Với nhu cầu yếu, sản lượng lại dồi dào, nhiều khả năng giá lúa gạo sẽ sụt giảm và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. VFA đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình thực tế và kiến nghị Chính phủ quyết định mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2016-2017, để ổn định giá thị trường theo định hướng, bảo đảm mức lãi tối thiểu cho nông dân. 

Đọc thêm