Xuất khẩu gỗ: Tăng trưởng bứt phá sau đại dịch Covid-19

(PLVN) - Trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế khác đang khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì bắt đầu từ tháng 6, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã có sự bứt phá ngoạn mục, chứng kiến sự tăng trưởng trở lại 2 con số…
Xuất khẩu tủ bếp, tủ nhà tắm đạt gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tủ bếp, tủ nhà tắm đạt gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ.

9 tháng đạt kim ngạch xuất khẩu gần 9 tỷ USD

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN- Bộ NN&PTNT) cho biết, giá trị XK gỗ và lâm sản 15 ngày đầu tháng 9 đạt 565,6 triệu USD, ước tháng 9 đạt 1.131 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 9 tháng, giá trị XK gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019.

Trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỷ USD, tăng 11,2 so với cùng kỳ. Đáng chú ý, 5 thị trường XK chính trong 8 tháng đạt 7,01 tỷ USD, chiếm 89,4% giá trị XK lâm sản của Việt Nam; Trong đó, thị trường Hoa Kỳ đạt 4,19 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng TCLN, trong 9 tháng năm 2020, ngành chế biến, XK gỗ và lâm sản đã có nhiều biến động. Từ tháng 4 đến tháng 6/2020, giá trị XK giảm, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, do các quốc gia này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên Chính phủ các nước đều ban hành quy định giãn cách xã hội, ngừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh, đóng cửa các siêu thị, cửa hàng nên đã ảnh hưởng đến giá trị XK.

Trong giai đoạn này, tình hình sản xuất trong nước cũng gặp nhiều khó khăn; các nhà máy sản xuất, chế biến hoạt động cầm chừng, nhiều nhà máy tạm đóng cửa do thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu phụ trợ, vốn đầu tư sản xuất…

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2020 khi dịch bệnh đã dần được khống chế, các quốc gia đã bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh mở cửa, nên nhu cầu nhập khẩu gỗ và lâm sản đã tăng lên đáng kể với nhiều đơn hàng đã được ký kết. Giá trị XK gỗ và lâm sản đã tăng trở lại và trong tháng 8 và tháng 9 giá trị XK đã tăng ở mức 2 con số; đặc biệt, lần đầu tiên, giá trị XK gỗ và lâm sản tháng 8 đã đạt trên 1 tỷ USD.

Đột phá từ sản phẩm chiến lược

Tại Hội nghị giao ban ngành gỗ tổ chức tại Bình Định tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã đánh giá, trong bối cảnh nhiều sóng gió như vậy nhưng XK gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm 2020 đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo, đồng hành chia sẻ của toàn ngành cũng như các DN ngành gỗ. Đó là sự sáng tạo trong bán hàng giúp DN cải tiến quản trị, hay đàm phán tìm kiếm khách hàng…

Nhắc lại mục tiêu 7,5 tỷ USD XK gỗ đến năm 2020 đã đặt ra trước đây,Thứ trưởng cho rằng ngành gỗ đã vượt xa. Đây là cơ hội để ngành này đánh giá, xây dựng chiến lược cũng như thực hiện mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đưa ra đến năm 2025 XK gỗ và lâm sản đạt con số 20 tỷ USD. “Nếu chúng ta không cố gắng để đạt được kim ngạch XK từ 12,5- 13 tỷ USD trong năm 2020, thì toàn ngành nông nghiệp cả nước khó đạt được mục tiêu XK đề ra”,- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), ông Đỗ Xuân Lập, thực ra từ tháng 6, ngành gỗ đã chứng kiến sự tăng trưởng trở lại 2 con số. “Rõ ràng thị trường đầy rẫy những biến động và nhiều biến động nằm ngoài sự kiểm soát của ngành, nhưng nhìn từ góc độ DN, điều này không có nghĩa rằng các DN chỉ ngồi chờ đợi để thị trường tự tìm đến mình. Giai đoạn đại dịch là giai đoạn chúng ta chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi của DN. 

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, chúng ta cũng chứng kiến những chuỗi cung ứng hoàn toàn không bị đứt gãy, thậm chí còn phát triển hơn trước giai đoạn đại dịch, điển hình như các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, ván trang trí. Điều này có nghĩa là sản phẩm chiến lược tạo cho DN Việt có bước bức phá…”- Chủ tịch Viforest phát biểu.

Để đạt mục tiêu XK gỗ trong năm nay và các năm tiếp theo, theo Chủ tịch Viforest, cần phải xác định rõ sản phẩm chiến lược và thị trường chiến lược để làm bệ đỡ cho sự phát triển bức phá của ngành gỗ

“Sản phẩm chiến lược rõ ràng là tủ bếp, tủ nhà tắm (chưa kể ván trang trí). Qua số liệu thống kê, 9 tháng XK đạt trên gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ. Chuỗi cung ứng của mặt hàng này không bị đứt gãy ở đỉnh điểm của đại dịch. Theo tổ chức ITC, quy mô giá trị thương mại của mặt hàng này đạt gần 7 tỷ USD, Mỹ là thị trường khổng lồ của Việt Nam về mặt hàng này, XK sang Mỹ chiếm 90%, và chúng ta đang coi thị trường này là thị trường chiến lược…”- Ông Lập phân tích.

`Chủ tịch Viforest cũng cho biết, để nhanh chóng biến lợi thế thành thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam  ngay trong tháng 11, Viforest sẽ tiến hành thành lập Chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. “Việc thành lập chi hội sẽ tạo ra chuỗi liên kết dọc, chuỗi liên kết ngang để đạt mục tiêu tạo ra mạng lưới rộng lớn các DN tham gia vào sản xuất mặt hàng chiến lược, cung ứng cho thị trường chiến lược để hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu…”- Ông Lập khẳng định. 

Đọc thêm