Xuất khẩu thủy sản 'băng băng' về đích

(PLO) - Xuất khẩu nông sản đã có những bứt phá mạnh mẽ trong những tháng cuối năm, nhất là nhóm hàng thủy sản khiến “tư lệnh” ngành Nông nghiệp tin tưởng sẽ đạt được các chỉ tiêu mà Chính phủ đã giao cho ngành trong năm nay.
Với đà tăng trưởng ấn tượng, ngành Nông nghiệp tin tưởng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ đặt ra. (Ảnh minh họa)
Với đà tăng trưởng ấn tượng, ngành Nông nghiệp tin tưởng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ đặt ra. (Ảnh minh họa)

Thủy sản sẽ đạt 8 tỷ USD

Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 8 tháng ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong các lĩnh vực sản xuất, thủy sản đang có những tín hiệu tăng trưởng và xuất khẩu rất khả quan. Giá trị xuất khẩu ngành hàng này ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 18,1%, dự báo sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2016.

Tuy thủy sản có những bứt phá nhưng theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia trong những tháng cuối năm 2017, tăng trưởng của ngành này sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. 

Thống kê cho thấy, trong tháng 8/2017, giá trứng gia cầm tiếp tục tăng, giá thịt lợn giữ ở mức thấp, nên người dân vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn; hiện tại hầu như chỉ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn bắt đầu tái đàn, nhưng số lượng hạn chế. Ước tính hết tháng  8, đàn lợn cả nước giảm 4%, đàn trâu giảm 0,5%, đàn bò tăng 2,8%, đàn gia cầm tăng khoảng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. 

Cục Chăn nuôi nhận định, với nỗ lực tái đàn chăn nuôi lợn phục vụ nhu cầu Tết và sự tăng mạnh trong sản xuất trứng, đạt mức 11 tỷ quả (tăng gần 2 tỷ quả so với năm trước), dự báo năm nay lĩnh vực chăn nuôi vẫn sẽ đảm bảo mức tăng trưởng đề ra. 

Trong khi đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, do những tháng đầu năm thời tiết diễn biến phức tạp nên sản lượng vụ Đông Xuân giảm 300.000 tấn lúa. Tuy bù lại vụ Hè Thu ở các tỉnh phía Nam đã thu hoạch 1.085 nghìn ha (chiếm 56,2%) cho năng suất tăng hơn nên tính ra vụ này sản lượng vẫn tăng khoảng 400.000 tấn lúa. Tính chung, sản lượng lúa cả năm ước đạt 44,1 triệu tấn. 

Tuy nhiên, mối lo lớn nhất hiện nay là tình hình dịch bệnh trên lúa (như bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, bạc lá, khô vằn...) và nguy cơ ảnh hưởng của mưa bão ở phía Bắc và lũ ở ĐBSCL. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật nắm chắc tình hình và có biện pháp ứng phó với mưa bão, lũ và dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa.

Rất sáng sủa

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay: Nếu những tháng cuối năm nay không có những đột xuất đặc biệt về thời tiết thì những mục tiêu của ngành Nông nghiệp đặt ra từ đầu năm sẽ về đích thành công. 

Theo Thứ trưởng Tuấn, mặc dù đã điều chỉnh xuống trên 150 ngàn ha diện tích trồng lúa sang làm cây khác có giá trị kinh tế hơn nhưng tin mục tiêu tăng trưởng của ngành trồng trọt 2% vẫn sẽ đạt được. Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tuy chăn nuôi bị ảnh hưởng do chăn nuôi lợn giảm sâu, 8 tháng đầu năm đã giảm mất 4% tổng đàn nhưng nhờ chăn nuôi bò, gia cầm tăng trưởng cao nên khả năng ngành Chăn nuôi vẫn đạt được mức tăng trưởng 3%. 

“Về thủy sản, chúng tôi tin tưởng sẽ đạt trên mức 5%  bởi chúng ta đã giải quyết đầu ra cho ngành hàng này tương đối ổn định. Đến bây giờ chúng tôi rà soát lại thì có thể khẳng định mức tăng trưởng tối thiểu 3,03% của nông nghiệp năm nay cho đến bây giờ là tương đối sáng sủa. Còn kim ngạch xuất khẩu với mục tiêu 33 tỷ USD thì đến giữa tháng 7 đã đạt 23,7 tỷ USD, tăng 13,5 % so với năm trước. Với đà tăng trưởng như thế này, với đơn hàng và thị trường đang có hoàn toàn có thể vượt qua chỉ tiêu đặt ra.”-Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh. 

Với những kết quả khả quan trong năm 2017, ngành Nông nghiệp thống nhất đặt mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành NN&PTNT trong năm 2018 là 3% và kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 35 tỷ USD.

Xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp

Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 9 năm 2017 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, cơ quan này cũng tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp theo thông lệ quốc tế.

Về thông tin tàu cá Trung Quốc tràn xuống biển Đông, ông Oai cho hay: Tất cả những tàu cá không chỉ của Trung Quốc mà kể cả của các nước khác nếu vi phạm vùng biển đặc quyền của chúng ta (tức từ bờ ra 200 hải lý) thì đều vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và đều bị các cơ quan chấp pháp của chúng ta như Hải quân, Cảnh sát Biển, Biên phòng, Kiểm ngư xem xét vi phạm của họ để có hành động đối xử cho phù hợp.

Tuy nhiên, tàu cá của nước khác khai thác trong biển Đông mà ngoài phạm vi đặc quyền thì đó không phải việc của chúng ta. Hiện nay tàu cá các nước cũng đan xen khai thác trong biển Đông ngoài đặc quyền của chúng ta chỉ có một số ít tàu cá vi phạm vùng đặc quyền nên thường xuyên phải cảnh báo họ rời khỏi vùng đặc quyền của Việt Nam. 

Đọc thêm