Xúc tiến thương mại: Doanh nghiệp phải tự “bơi”

(PLO) - Công tác xúc tiến thương mại (XTTM) là công tác đặc biệt quan trọng, đóng góp lớn vào việc tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, mức đầu tư cho công tác XTTM từ Chính phủ đang rất thấp - khoảng 120  tỷ đồng/năm. Điều này khiến các tổ chức XTTM, các doanh nghiệp phải tự “bơi” và trong lúc “bơi”, đôi khi gặp nhiều rủi ro. 
XTTM nếu làm tốt được ví như như một “con gà đẻ trứng vàng”
XTTM nếu làm tốt được ví như như một “con gà đẻ trứng vàng”

Xung quanh vấn đề này, PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Lương Ngọc Nhàn, Trưởng ban Kinh tế - XTTM (Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - DNNVV). 

1,6 tỷ đồng/năm để đi... Mỹ, Đức, Thụy Sĩ

Thưa ông, trong điều kiện kinh phí dành cho XTTM chỉ vào khoảng 120 tỷ đồng/năm, các đơn vị như Hiệp hội DNNVV và các doanh nghiệp sẽ đối mặt với  những khó khăn gì?

- Hiệp hội DNNVV chỉ là một đầu mối tham gia vào chương trình XTTM quốc gia. Hàng năm mức kinh phí chúng tôi nhận được khoảng 1,6 tỷ đồng để đưa các doanh nghiệp (DN) đi XTTM ở Mỹ, Đức, Thụy Sĩ. Đây là mức kinh phí quá ít vì Hiệp hội bao phủ toàn quốc, số lượng DN thành viên nhiều. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn tổ chức nhiều hoạt động XTTM bằng cách kêu gọi xã hội hóa bởi ngoài công tác giúp DN tìm hiểu thị trường, Hiệp hội còn  tổ chức các chương trình đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh hoặc tập huấn cho họ trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Thậm chí, Hiệp hội cũng tổ chức nhiều chương trình XTTM cho các DN thành viên với kiểu “thân ai người nấy lo”, DN tự chi trả cho các hoạt động của mình, Hiệp hội cũng sẽ tự chi trả chi phí cho mình. 

Bởi xét cho cùng, nếu không có tổ chức nào đứng ra giúp đỡ, các DN sẽ rất ít thông tin, sẽ vất vả và loay hoay trong việc tìm kiếm thị trường cho mình, nhất là thị trường nước ngoài và những thị trường tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra còn chưa kể họ sẽ mất nhiều thời gian, mất nhiều chi phí và có thể gặp nhiều rủi ro khi tự ra thị trường nước ngoài bằng con đường riêng. Về chuyện rủi ro này, tôi cũng đã biết không ít DN gặp phải. 

Trước những khó khăn này, Hiệp hội đã làm gì để hỗ trợ các DN?

- Chúng tôi, cụ thể là Ban Kinh tế - XTTM đã gửi và đóng góp rất nhiều ý kiến để Bộ Công Thương chỉ đạo các tham tán thương mại ở nước ngoài tham gia vào công tác khảo sát thị trường để đưa ra những ý kiến sát thực hơn đối với các DN. Cụ thể là những thị trường cần những sản phẩm gì, chất lượng ra sao, số lượng tiêu thụ thế nào. Đặc biệt, trong các cuộc họp với các tham tán thương mại hàng năm, chúng tôi cũng tổng hợp các ý kiến, đề xuất, kiến nghị từ các DN gửi đến Bộ và các tham tán thương mại.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng hợp tác với nhiều tổ chức hội, các tham tán thương mại ở nước ngoài để cung cấp thông tin thị trường 2 chiều cho doanh nghiệp, để giúp các DN Việt giao thương với DN nước ngoài trực tiếp hoặc thông qua các hội thảo, triển lãm. Cũng rất nhiều cuộc “hôn nhân” được “mai mối” bởi Hiệp hội và các tham tán thương mại thành công. 

XTTM chưa tỷ lệ thuận với kim ngạch XNK

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác XTTM hiện nay?

- XTTM đã có được những kết quả rất tốt như nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng năm. Cụ thể, năm 2015, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu ước đạt 327,74 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014; năm 2016 tổng kim ngạch XNK cả nước đạt hơn 350,74 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2015. Và chỉ tính hết tháng 7, kim ngạch XNK năm 2017 đã đạt 233,5 tỷ USD. 

120 tỷ là quá ít!

“Kim ngạch XNK đều tăng lên hàng năm và đó là hiệu quả của công tác XTTM. Đương nhiên, công tác XTTM hiện nay không chỉ gói gọn trong Cục XTTM của Bộ Công Thương mà còn có sự tham gia đóng góp của các tổ chức phi chính phủ, các DN cũng tự tham gia tìm kiếm, triển khai các thị trường cho mình. Thế nhưng, kinh phí dành cho công tác XTTM chỉ nhận được khoảng 120 tỷ đồng từ Chính phủ, quá ít so với tiềm năng hiệu quả của công tác này”, ông Lương Ngọc Nhàn. 

Như vậy, kim ngạch XNK đều tăng lên hàng năm và đó là hiệu quả của công tác XTTM. Đương nhiên, công tác XTTM hiện nay không chỉ gói gọn trong Cục XTTM của Bộ Công Thương mà còn có sự tham gia đóng góp của các tổ chức phi chính phủ, các DN cũng tự tham gia tìm kiếm, triển khai thông các thị trường cho mình. Thế nhưng, kinh phí dành cho công tác XTTM chỉ nhận được khoảng 120 tỷ đồng từ Chính phủ, quá ít so với tiềm năng hiệu quả của công tác này. 

Theo thông tin mà tôi có được, các nước trong khu vực của châu Á đều căn cứ vào kim ngạch XNK để dành cho công tác XTTM, thường họ dành từ 1-3% kim ngạch XNK cho công tác này. Do vậy, nếu so với các nước trong khu vực, kinh phí mà chính phủ Việt Nam dành cho công tác XTTM là quá ít, thực sự không đáng kể. Trong khi đó, với kết quả tăng trưởng hàng năm thì đầu tư cho XTTM như một “con gà đẻ trứng vàng”. 

Do vậy, Bộ Công Thương cần có những kiến nghị để Chính phủ tăng ngân sách cho công tác XTTM. Bộ Công Thương cũng cần lưu ý về các đầu mối tham gia XTTM. Hiệp hội cũng chỉ là một đầu mối nhưng chúng tôi cũng mong muốn Bộ Công Thương đánh giá xem đầu mối nào mới là đầu mối cần tham gia vào nhiều đề án XTTM quốc gia. Trong khi các DNNVV dù không tiếp cận được nhiều ưu đãi như các DN lớn nhưng lại đóng góp đến 40% giá trị tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động mà Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng chỉ được duyệt  mỗi năm 1 đề án, hãn hữu lắm mới được 2 đề án. 

Doanh nghiệp phải tự “bơi”

Như vậy, có thể hiểu công tác XTTM chưa đáp ứng được sự phát triển của các DN?

- Đúng, công tác XTTM chưa đáp ứng được sự phát triển của DN hay nói đúng hơn, sự phát triển giao thương hàng hóa tăng lên hiện nay, hầu hết là do các DN tự chủ động. Họ tự khai thương, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, còn công tác XTTM hiện nay đa phần mới chỉ dừng lại ở việc đóng góp một phần hoặc cung cấp thông tin cho các DN. Còn công tác định hướng, khảo sát, phân khúc thị trường để các DN có thể rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường là chưa đáng kể. 

Khi các tổ chức XTTM từ Nhà nước đến các hiệp hội hoạt động tốt đồng nghĩa với việc giúp các DN rút ngắn thời gian, tìm hiểu thị trường tốt hơn. Và họ sẽ dành chi phí, nguồn lực vốn dành cho công tác XTTM vào các việc khác, như vậy sẽ tăng giá trị cho DN. Và công tác XTTM lúc ấy sẽ thực sự trở thành một điểm tựa để các DN yên tâm phát triển sản phẩm và các giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình. 

Cảm ơn ông!

Hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/đơn vị để thuê tư vấn

Thông tư 171/2014/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia quy định: chi tối đa 1,5 triệu đồng cho hoạt động hỗ trợ “Thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm theo ngành hàng”. Với hoạt động thuê chuyên gia trong và ngoài nước để tư vấn phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển xuất khẩu, thâm nhập thị trường nước ngoài, mức tối đa là 2 triệu đồng/đơn vị tham gia. 

Chi hỗ trợ “Tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài” với các mức cụ thể cho các thị trường như sau: đối với khu vực châu Á, mức hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/1 đơn vị;  60 triệu đồng/1 đơn vị tham gia giao dịch thương mại tại khu vực: Châu Âu, châu Phi, châu Úc, Bắc Mỹ, Tây Á; 100 triệu đồng/01 đơn vị tham gia giao dịch thương mại tại khu vực Trung Mỹ, Mỹ La tinh. 

Với các đơn vị tham gia các tổ chức, hội chợ triển lãm thương mại ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/1 đơn vị tham gia. Nếu các hoạt động tổ chức hội chợ triển lãm định hướng xuất khẩu tại Việt Nam thì mức hỗ trợ tối đa chỉ là 12 triệu đồng/1 đơn vị tham gia. Ngoài ra, các đơn vị cũng được hỗ trợ 70% kinh phí “Tuyên truyền xuất khẩu”. 

Đọc thêm