Kỳ án 300 tấn tiêu biến mất dù được bảo vệ 24/24

(PLO) - Thẩm định cho vay, chứng từ và kiểm tra của nhân viên ngân hàng, tài sản thế chấp có 498 tấn tiêu. Nhưng khi thu hồi nợ, khối lượng tiêu chỉ còn gần 200 tấn, 300 tấn tiêu biến mất kỳ lạ dù được niêm phong, có bảo vệ canh giữ 24/24. Cho rằng bị lừa, ngân hàng tố nữ giám đốc đến cơ quan công an. Đến nay vụ án kéo dài 4 năm, đã 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 3 trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 3 trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Hàng trăm tấn tiêu “bốc hơi”

Ngày 23/10, TAND tỉnh Bình Dương quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ 3 vụ bị cáo Lê Thị Hạnh (SN 1963, ngụ huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ án còn có hai bị cáo khác là Trần Việt Dũng (SN 1978) và Thái Hữu Duẫn (SN 1985) cùng là nhân viên Techcombank chi nhánh Sóng Thần bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH TM Đức Hạnh (Cty Đức Hạnh) do bà Hạnh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc với ngành nghề kinh doanh mua bán, chế biến nông sản xuất khẩu và các loại phân bón. Trụ sở ở ấp Xà Mách, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Từ năm 2007 – 2010, Cty Đức Hạnh cầm cố hàng hóa thế chấp vay vốn cho Techcombank Bình Dương, Cty Đức Hạnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và được xóa thế chấp.

Ngày 28/4/2011, Cty Đức Hạnh và ngân hàng trên ký hợp đồng tín dụng với số tiền 40 tỷ đồng. Tháng 12/2011, bà Hạnh làm thủ tục thế chấp 498 tấn tiêu và 6 bất động sản để được giải ngân 40 tỷ đồng bằng 6 khế ước. Theo yêu cầu của ngân hàng, tiêu hoặc hàng nông sản muốn thế chấp phải có kiểm định của Công ty TNHH Giám định Vinacontrol. Bà Hạnh thuê Vinacontrol thực hiện giám định và cấp 6 chứng thư cho 498 tấn tiêu. Vinacontrol giám định về chất lượng theo hình thức lấy mẫu ngẫu nhiên. Còn về khối lượng do bà Hạnh tự khai báo dựa vào sổ sách, chứng từ mua hàng.

Do không còn khả năng chi trả, tháng 9/2012, bà Hạnh bàn giao toàn bộ số tiêu cho ngân hàng để bán thu hồi nợ. Lúc này, ngân hàng mới phát hiện số lượng tiêu chỉ có gần 200 tấn chứ không phải 498 tấn. Về chất lượng không phải tiêu loại 1 như trong chứng thư giám định mà chỉ là tiêu bụi, tiêu trứng… Cho rằng bà Hạnh gian dối trong việc thế chấp vay vốn, ngân hàng có đơn tố cáo.

Còn đối với Dũng và Duẫn là nhân viên ngân hàng, cáo trạng cho rằng bà Hạnh dùng hàng hóa không đúng thực tế, có gian dối về số lượng và chất lượng so với hồ sơ nhưng cả hai không phát hiện vì không thực hiện đúng các quy trình thẩm định, kiểm tra thực tế hàng hóa và luân chuyển hàng hóa theo quy định của Tổng Giám đốc Techcombank.

Phía bà Hạnh cho rằng bà không có hành vi gian dối với ngân hàng. “Vinacontrol 6 lần đến kho để kiểm định số lượng tiêu nói trên. Có kiểm đếm từng cây hàng. Bị cáo cung cấp toàn bộ hồ sơ mua bán chứng minh số lượng, chất lượng tiêu. Sau đó, ngân hàng tiến hành kiểm đếm lại và cho bấm chì niêm phong. Ngân hàng có buộc bị cáo ký hợp đồng với công ty bảo vệ là công ty con của ngân hàng để thuê bảo vệ 24/24. Mỗi năm, bị cáo phải chi trả 700 triệu đồng cho công ty bảo vệ”, bà Hạnh nói.

Ngoài ra, bà Hạnh khai rằng số tiêu dùng để cầm cố vay vốn là số tiêu nhiều năm trước. Số tiền 40 tỷ, thực chất là dư nợ từ 2007 – 2010 mà bà không có khả năng trả. Năm 2011 thực hiện việc vay chỉ là hình thức đáo nợ, tăng thời gian trả nợ chứ bà không nhận được đồng nào trong số 40 tỷ đồng bị cáo buộc chiếm đoạt. Thủ tục vay tiền, theo bà Hạnh chỉ là hợp thức hóa trên giấy tờ. Từ việc đi vay, giải chấp, nhận tiền đều nhằm kéo dài hạn nợ 40 tỷ đồng trước đó. Vì thế, khi ngân hàng yêu cầu gì, bà đều thực hiện.

Từ năm 2007 đến năm 2011, dù chưa trả tiền gốc nhưng mỗi tháng Cty Đức Hạnh đều đóng lãi đầy đủ cho ngân hàng. Theo tính toán của bà Hạnh, số tiền lãi đã đóng lên đến hơn 30 tỷ đồng. Nhất là các năm 2010 và 2011, lãi ngân hàng hơn 20%/năm. Bà Hạnh khẳng định, nếu có ý thức chiếm đoạt, bà đã không trả lãi lớn như vậy. Khi bàn giao tài sản cho ngân hàng, bà Hạnh cam kết nếu tiền bán tài sản thế chấp không đủ, bà sẽ tiếp tục trả thêm.

Tòa án lại trả hồ sơ điều tra bổ sung

Trong phần thẩm vấn tại tòa, Dũng và Duẫn thừa nhận hành vi của hai người là trái quy định ngân hàng. Còn theo bà Hạnh số tiêu dùng để thế chấp không phải là tiêu mới. Số tiêu này bà đã dùng để thế chấp từ năm 2007. Mỗi lần tăng hạn mức được vay, bà Hạnh bổ sung thêm tiêu vào. Đối với những chứng thư năm 2011 chỉ là làm mới theo yêu cầu của ngân hàng nhằm hợp thức hóa hồ sơ vay vốn.

Vật chứng vụ án là 200 tấn tiêu và 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2016, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương tiến hành bán đấu giá 200 tấn tiêu được 1,9 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được chuyển vào tài khoản của Techcombank. Ngân hàng tiếp tục bán đấu giá 2 thửa đất trong 6 tài sản bảo đảm được gần 600 triệu đồng. Hai thửa đất này đứng tên con bà Hạnh là Nguyễn Thị Diệu Nhơn. Theo bà Nhơn, 2 bất động sản này khi bán đấu giá bà cũng không được biết và chỉ khi bán xong, ngân hàng mới đến yêu cầu nhận nợ thay bà Hạnh và cấn trừ để “khắc phục hậu quả”. Việc bán đấu giá 2 thửa đất của ngân hàng, theo tòa là sai. Bởi lẽ, nếu việc vay vốn diễn ra bình thường, hai bên thỏa thuận được phương án thanh toán hoặc không xảy ra vụ án hình sự thì ngân hàng có quyền được ưu tiên bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, ngân hàng tố cáo, vụ án đã bị khởi tố thì không thể bán tài sản như ngân hàng đã thực hiện.

Theo tòa, việc bán đấu giá số tang vật 200 tấn tiêu và chuyển tiền vào tài khoản cho Techcombank của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương là trái quy định pháp luật, cần phải thu hồi. Theo luật, số tiền này là tang vật vụ án cần được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thi hành án mới đúng. Đại diện ngân hàng chấp nhận việc nộp lại số tiền này theo yêu cầu của tòa án. Ngoài ra, bà Hạnh đề nghị xác định lại số tiền thu được đối với việc bán đấu giá 200 tấn tiêu thu về 1,9 tỷ đồng. 

Khi được hỏi, 4 bất động sản còn lại, hiện giờ nếu bán đấu giá đủ số tiền bà Hạnh đã vay thì ngân hàng có rút đơn hay không? Đại diện ngân hàng cho biết tố cáo bà Hạnh vì có thiệt hại. Nếu thu hồi số tiền đã cho vay thì không còn thiệt hại và ngân hàng sẽ rút đơn.

Tại tòa, đại diện ngân hàng không nêu được con số thiệt hại do hành vi của bà Hạnh gây ra cho ngân hàng là bao nhiêu? “Khi viết đơn tố cáo nói bà Hạnh có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt 40 tỷ chỉ là con số dựa trên cảm tính. Lúc đó, ngân hàng chưa biết thiệt hại là bao nhiêu. Đến giờ, trừ tiền đã bán đấu giá 2 thửa đất và 200 tấn tiêu, ngân hàng còn thiệt hại khoảng 37 tỷ đồng”, đại diện ngân hàng trả lời.

Ngân hàng còn cáo buộc, bà Hạnh gian dối ở nhiều thủ tục khác để được vay tiền. Dù làm ăn thua lỗ, Cty Đức Hạnh vẫn báo cáo có lãi để hợp thức hóa hồ sơ. Theo quy trình, Cty Đức Hạnh muốn vay vốn phải có phương án kinh doanh, đơn đặt hàng, báo cáo tài chính. Sau đó, gửi đơn xin vay tiền cho ngân hàng thẩm định xét duyệt.

Sau phần thẩm vấn, tòa nghị án và ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo HĐXX, cần thu hồi số tiền 1,9 tỷ đồng bán đấu giá tiêu và 600 triệu đồng bán 2 thửa đất thế chấp từ ngân hàng và chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thi hành án. Cần định giá lại giá trị 200 tấn tiêu và 6 bất động sản để xác định thiệt hại của ngân hàng là bao nhiêu. 

Trước đó, ngày 9/5/2017, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lần đầu và tuyên trả hồ sơ do có nhiều tình tiết trong vụ án mâu thuẫn, bất nhất. Sau đó, ngày 1/3/2018, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2 nhưng cũng tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung do cáo trạng truy tố chưa làm rõ dư nợ giữa bà Hạnh và ngân hàng là bao nhiêu. Đồng thời cần làm rõ vì sao thất thoát 300 tấn tiêu.

Đọc thêm