Cố nội là người “khai sáng” nghề thuốc, nhưng qua thời gian chiến tranh loạn lạc những phương thuốc đã thất truyền đi nhiều. Ông Võ Văn Qúy (SN 1962, ngụ tổ 4B, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng) đã khôi phục trở lại bài thuốc quý của gia tộc chữa bệnh phong thấp với 15 loại cây rừng, mang lại niềm vui cho nhiều người bị phong thấp.
Ông Qúy với bài thuốc sắc... |
Kỳ công bài thuốc phong thấp
Bệnh phong thấp là chứng bệnh làm đau nhức, sưng đỏ các khớp xương, bắp thịt và một số cơ quan khác trong cơ thể. Nguyên nhân của bệnh phong thấp, theo lương y Võ Văn Qúy là phong và thấp kết hợp, có hai dạng là thấp hàn (sưng đau) và thấp nhiệt (nóng, đỏ, đau).
Ngoài ra yếu tố trong thức ăn có nhiều chất độc hại, môi trường sống độc hại cũng là một trong những tác nhân gây phong thấp. Nhiều người cho rằng bệnh phong thấp là “bệnh của người già”, nhưng điều đó không đúng bởi có nhiều trẻ em cũng bị. Bệnh nhân thường kêu đau nhức ở các khớp chân tay, đặc biệt buổi sáng thức dậy thường bị tê cứng chân tay, sau một hồi mới vận động được.
Được hỏi về bài thuốc gia truyền này, lương y Qúy không hề giấu diếm mà muốn chia sẻ cho nhiều người cùng biết. Bài thuốc chữa bệnh phong thấp bao gồm 15 loại thảo mộc: Thổ phục linh (30g), cỏ xước (20g), vương tôn (20g), rễ bưởi bung (20g), cành, lá cây cối xay (20g), cây độc lực (20g), rễ rau lá lốt (8g), cà gai leo (cà quánh) (20g), cây kê huyết đằng (15g), mật nhân (5g), cây thuốc mọi (10g), găng voi (30g), cộ cộ đằng (10g), cây móc ó (10g) và khoang cân đèn (30g). Bài thuốc trên có công dụng giúp gân cốt khỏe mạnh, đau nhức xương, viêm đa khớp.
Thông thường bài thuốc được dùng dưới hai dạng: Dạng thuốc sắc và dạng cao. Với dạng thuốc sắc thì được phân chia thang ra để người bệnh có thể chia nhỏ ra uống ngày 3 lần. Với mỗi thang thuốc, được chia thành hai lần đun, lần đầu tiên cho thuốc vào nồi rồi đổ 5 bát nước đầy, đun cho đến khi chỉ còn một bát. Lần thứ hai chỉ cho khoảng bốn bát, đun còn lại một bát. Số thuốc của hai lần đun này, người bệnh đổ chung vào một bình nước để uống 3 lần/ngày.
Ngoài ra dựa vào bài thuốc trên, ông Qúy còn điều chế thuốc theo dạng cao. Cũng với thành phần 15 loại thuốc nhưng với số lượng lá cây tươi gấp nhiều lần mới điều chế ra được một lạng cao. Mỗi lần nấu cao, bài thuốc của ông thường có số lượng lớn bởi để nấu thành cao loại thuốc này rất kì công. Khi mang thuốc từ rừng về phải rửa sạch, rồi đem nấu khoảng 10kg lá thuốc tươi mới được một lạng cao. Ban đầu chuẩn bị hai nồi cỡ lớn, nồi đầu tiên thì cho thuốc vào đổ 10 lít nước, nấu cô còn lại 0,5 lít nước thuốc thì chắt ra.
Lần thứ hai cũng đổ 10 lít nước nấu cô thành 0,5 lít nước thuốc lại chắt ra. Lần thứ 3 tiếp tục nấu còn lại 0,5 lít nước thuốc. Ba lần thuốc này được lọc qua một lớp vải cho sạch, rồi chắt ra nồi khác đem đun sôi từ từ để bốc hơi cạn dần, cho đến khi được thứ thuốc sền sệt. Tiếp tục công đoạn hai với nấu cách thủy, lúc này cần có hai nồi lớn: Nồi trong để thuốc, còn nồi bên ngoài chỉ là nước trắng để đun. Bên trong, thuốc sẽ nóng lên rồi chín, với số lượng thuốc lớn như vậy sẽ phải đun trong 3 ngày liên tục sẽ được thuốc dạng đặc sệt (cao).
Ông Quý lưu ý, nếu nghỉ đun thuốc sẽ bị hỏng, bởi vậy phải thay nhau canh phiên đun liên tục trong bốn ngày. Lúc này mới mang cao đổ vào khuôn, để bốn tiếng đồng hồ bên ngoài cho cao nguội rồi bọc lại cẩn thận. Theo ông Qúy thuốc cao nấu cách thủy thuốc không bị cháy xém, lại giữ được “chất”, thuốc dạng cao để được lâu thì cách bảo quản cẩn thận là tránh nơi ẩm ướt và ánh nắng trực tiếp.
Bệnh nhân thấp khớp tùy thuộc vào độ tuổi lớn hay nhỏ mà có cách uống thuốc với liều lượng khác nhau. Người lớn thường uống khoảng từ 10 – 20 ngày/ lạng, người bệnh có thể tự viên thành những viên thuốc nhỏ 10g hoặc pha với nước, ngoài ra cũng có thể ngâm rượu. Trẻ nhỏ thì uống liều lượng ít hơn nửa, hoặc 1/3 tùy theo thể lực, dùng sau bữa ăn khoảng 15 phút. Ông Quý lưu ý, với trẻ em dưới 5 tuổi thì không được uống. Lời khuyên của ông dành cho bệnh nhân là trong thời gian uống thuốc phải kiêng ăn măng tươi, cá ngừ, thịt gà, thịt trâu, rau muống, đậu xanh còn vỏ…
Thuốc đã cô thành cao |
Lấy được vợ nhờ nghề thuốc
Sinh ra trong một gia đình nghèo, có tới 7 anh chị em, ông Qúy là con út trong gia đình chỉ quanh quẩn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chứ không được học hành nhiều. Trước đây, gia đình ông có cụ cố làm nghề bốc thuốc, nhưng trải qua thời gian chiến tranh nên nghề bị mai một dần không có ai theo đuổi.
Cuộc sống của ông cứ mãi gắn với con trâu, mảnh ruộng. Đến một ngày mẹ ông bị bệnh phong thấp nặng chạy chữa nhiều nơi, nhiều phương pháp không được. “Lúc đó tôi mới nghĩ rằng gia đình trước đây có nghề thuốc gia truyền mà không chữa được thì cảm thấy hổ thẹn, vì vậy tôi quyết tâm tìm lại bài thuốc của ông cha để chữa cho mẹ già, chữa cho những người xung quanh”, ông Qúy chia sẻ.
Cũng từ đó ông bắt đầu lại cuộc “chấn hưng” lại nghề thuốc do ông cố để lại. Trước đây bài thuốc gia truyền thường được truyền miệng lại, sau một thời gian dài, những người trong gia tộc ít người còn biết đến. May mắn thay có người chú họ (cháu ngoại của ông cố) trước đây thường được đi theo cố nội bốc thuốc nên có ghi chép lại một số bài thuốc. Tuy nhiên, khi tìm được lại cuốn sổ cũng đã bị rách nát hết, không còn nhận ra chữ nữa. Không nản lòng, ông Qúy đã nhờ người chú này đưa mình rong ruổi nhiều nơi để chỉ từng loại cây thuốc, phục hồi bài thuốc.
Cũng nhờ nghề bốc thuốc Nam này mà ông Qúy tìm được …vợ. Nhớ lại ngày tháng ấy ông không khỏi thẹn thùng: “Ngày đó tôi đến xem bệnh, bốc thuốc cho mẹ cô ấy. Bà bị suy nhược cơ thể, đau phong thấp, ban đầu không đi lại được, uống thuốc được vài thang thì bà khỏi bệnh. Lúc đó, cô ấy cũng hay ốm yếu nên tôi cũng “tranh thủ” chữa bệnh cho luôn”. Vì vậy mà sau thời gian tình yêu nảy nở giữa hai người, chẳng bao lâu họ kết duyên vợ chồng. “Ban đầu tôi cũng quý mến tính ông ấy hiền lành, chất phát, chữa bệnh cho người nghèo mà không lấy tiền, nên tôi chấp nhận làm vợ ông thầy lang”, vợ ông vui vẻ kể lại.
Nguyên liệu của những bài thuốc gia truyền trên, ông Qúy thường phải lên vùng núi cao mới kiếm được, mỗi chuyến đi rừng kéo dài khoảng vài ngày trời. Những ngày nắng ráo thì không sao, còn những ngày mưa đường đi trơn trượt, không về được, lại bị muỗi, vắt cắn đỏ chân, lương thực mang đi không đủ đành nhịn đói cả ngày trời. Hiện sức khỏe đã yếu, không thể kéo dài những ngày đi rừng, ông bắt đầu với dự định mang thuốc về vườn trồng. Điều này gặp không ít khó khăn bởi có một số cây chỉ thích hợp với trồng trên núi cao.
Bài thuốc của ông Qúy là bài thuốc gia truyền, nên việc chia sẻ bí quyết chữa bệnh của ông khiến cho nhiều bệnh nhân khâm phục. Hỏi có tiếc không, ông cười “quan niệm giúp người vẫn quan trọng hơn”, đó là điều đáng quý mà không phải ai cũng làm được.
Trịnh Ninh