Ngày 22/10, theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 8, các vị ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tham gia thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011.
Các ý kiến thảo luận của các đại biểu cơ bản đồng tình với những kết quả đạt được về phát triển kinh tế-xã hội năm 2010. Theo đó, trong 21 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, tăng trưởng kinh tế cả năm khả năng đạt 6,7%, cao hơn kế hoạch (6,5%), thu ngân sách dự kiến vượt dự toán khoảng 58.600 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2009; Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm từ mức 11,3% (năm 2009) xuống 9,5%, tạo việc làm cho 1,6 triệu người...Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, đánh giá những mặt còn hạn chế, yếu kém và kiến nghị với Chính phủ để khắc phục trong những năm tiếp theo. Về công tác quản lý kinh tế-xã hội, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng có nhiều sơ hở, bất cập trong cơ chế về chính sách quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; một số quy định liên quan đến phòng ngừa tham nhũng cũng chậm được ban hành. Công tác giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp của các cơ quan chức năng, hoạt động quản lý vốn và tài sản nhà nước ở nhiều doanh nghiệp còn buông lỏng. Nhiều doanh nghiệp nhà nước còn đầu tư dàn trải ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, do công tác quản lý yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm nên để thất thoát vốn, tài sản của nhà nước. Tiếp đó, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị làm rõ việc một số tập đoàn, tổng công ty nhà đầu tư với số tiền lớn vào lĩnh vực tài chính trong khi đang thiếu nguồn vốn để đầu tư phát triển các dự án quan trọng của Nhà nước; Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ việc thực hiện các kiến nghị trong báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” của ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2009, trong đó có nội dung: “Chấn chỉnh hoạt động đầu tư tràn lan ở một số đơn vị, nhất là sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro khi không có bộ máy, nhân lực thích hợp, gây thất thoát vốn hoặc sử dụng vốn không hiệu quả của một số tập đoàn, tổng công ty; vốn nhà nước phải được ưu tiên tập trung đầu tư thực hiện nhiệm vụ chính được giao”. Đề nghị nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán; làm rõ cơ chế bất cập là cơ chế nào, trách nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức nào trong các báo cáo kết luận thanh tra, kiếm tra.
Đại biểu Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐBQH Đoàn Thanh Hóa thay mặt Chính phủ đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến các kiến nghị của các ĐBQH trong tổ thảo luận. Bộ trưởng cho rằng trong điều kiện hiện nay, chỉ số tăng trưởng từ đầu năm đến nay liên tục tăng là cả một nỗ lực lớn trong công tác điều hành của Chính phủ. Về chỉ số giá hiện nay, Chính phủ sẽ có các biện pháp quyết liệt để đảm bảo đạt được chỉ tiêu đề ra. Chính phủ không đặt vấn đề tăng trưởng với bất cứ giá nào, trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo phát triển bền vững, tạo tiền đề cho khả năng phát triển những năm tiếp theo thì vẫn phải đầu tư một cách hợp lý để đảm bảo tăng trưởng. Tuy nhiên, mục tiêu chính vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao chất lượng tăng trưởng, kiềm chế lạm phát; thứ ba mới đến mục tiêu tăng trưởng hợp lý, bên cạnh đó phải đảm bảo an sinh xã hội. Về xây dựng chỉ tiêu cho năm 2011, Chính phủ xác định rõ phải căn cứ tình hình thực tế để từ đó xây dựng hệ thống chỉ tiêu hợp lý, có tính khả thi cao. Về vấn đề đảm bảo đủ điện phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng cho biết Chính phủ sẽ sử dụng nhiều biện pháp để các nhà thầu thực hiện đúng cam kết, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy sản xuất điện.
Đình Hải tổng hợp