KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP (25/8/1911 - 25/8/2021): Vị Đại tướng một đời vì đất nước

(PLVN) -Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời tận tụy hy sinh, một lòng phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cộng sản.
Poster kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Poster kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những cống hiến to lớn

Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tại lời điếu trong Lễ quốc tang của Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại. Ông đã có công lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dân tộc; trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự thời đại… và nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo nhân dân thế giới.

Những kiến thức và tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều do tự học từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới; tự rèn luyện, tự đúc rút kinh nghiệm qua thực tế chiến đấu của Quân đội ta mà nên. Chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, khiến thế giới khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại... là một trong số ít những người có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử.

Không chỉ là một thiên tài quân sự, trực tiếp tổ chức, kiến tạo những trận đánh lớn, đánh bại những danh tướng hàng đầu của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao đóng góp to lớn trong việc hình thành, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn. Học thuyết kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của cha ông chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân hết sức độc đáo, sáng tạo, sinh động và đầy hiệu quả. Đồng chí hết sức coi trọng việc xây dựng tổ chức đảng “trong sạch, vững mạnh” trong các lực lượng vũ trang, đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu, chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến; giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng kết hợp rất chặt chẽ, khéo léo đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa; quốc phòng với kinh tế, an ninh… để đạt được kết quả toàn diện trên cả hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn là vị “Đại tướng của nhân dân”. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội mến phục, suy tôn là “Người anh Cả” duy nhất của Quân đội ta, xứng đáng là “Chính ủy của các Chính ủy, Tư lệnh của các Tư lệnh, Tướng của các Tướng”, “Tổng Tư lệnh biết quý từng giọt máu mỗi chiến binh”. Thế giới cũng rất nể phục nhân cách, đức độ của Đại tướng, tôn vinh Đại tướng là Anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Nhà văn hóa lớn

Không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Đại tướng đã dành nhiều tâm sức cho việc viết hồi ký và lịch sử. Những tác phẩm của Đại tướng như: “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, “Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”... đã giúp người đọc cả trong và ngoài nước càng hiểu sâu hơn về bản sắc, truyền thống văn hóa, nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, càng thêm yêu mến, khâm phục đất nước và con người Việt Nam.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (áo đen).

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (áo đen).

Đồng chí Võ Nguyên Giáp không chỉ là một Đại tướng lừng lẫy của Quân đội nhân dân Việt Nam mà trong các lĩnh vực khác, như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử… Đồng chí đều có nhiều đóng góp quan trọng, thực sự là con người tài - đức vẹn tròn, văn - võ song toàn.

Trên lĩnh vực ngoại giao, đồng chí có những đóng góp rất quan trọng. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) non trẻ đứng trước những khó khăn bộn bề, vận mệnh dân tộc được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng chí Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (bao gồm Nội chính và Công an) được Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc này là Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) giao cho nhiều nhiệm vụ đối ngoại đặc biệt, như: tiếp xúc với Phái bộ Mỹ mới sang Việt Nam cùng những người Pháp trong máy bay, hay cuộc “chạm trán” với J. Xanh-tơ-ny tại phòng lớn của Phủ Toàn quyền, chuẩn bị tiến tới Hiệp định ngày 6/3/1946, cũng như gặp gỡ tướng Lơ-cléc sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, hay cuộc đấu trí và đấu lý ở Hội nghị Đà Lạt… những cuộc gặp gỡ đó, đồng chí đã không bỏ bất kỳ cơ hội đàm phán nào để đi đến hòa bình nhằm thực hiện mục tiêu cao cả: độc lập và thống nhất đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những đóng góp rất quan trọng trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh. Điều này đã được các nhân vật, lực lượng chính trị và xã hội ở nhiều nước các châu lục thừa nhận.

Với công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học. Bài thơ “Vị tướng già” của nhà thơ Anh Ngọc, viết năm 1994 khắc họa nét chân dung ông sau này trở thành “công thức”, phổ biến là nét bình dị xen lẫn huyền thoại.

Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với “cõi người hiền”, năm 2013, một nhóm các nhà thơ đã tuyển chọn 103 bài (tượng trưng cho số tuổi của Đại tướng) xuất bản tập thơ “Tiễn Người vào bất tử”.

Cùng với đó là sự ra đời hai trường ca: Trường ca đầu tiên “Người Anh cả của toàn quân” của nhà thơ Hoàng Bình Trọng, xuất bản năm 2009. Trường ca thứ hai viết về Đại tướng là “Đường tới Điện Biên Phủ” xuất bản năm 2018 của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. Cùng với đó là 2 cuốn tiểu thuyết lấy Đại tướng làm nhân vật trung tâm là “Không phải huyền thoại” xuất bản năm 2007 của nhà văn Hữu Mai và “Đường về Thăng Long” xuất bản năm 2019 của Nguyễn Thế Quang.

Tuy nhiên, bài thơ đầu tiên và nổi tiếng nhất viết về Đại tướng là bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” ra đời năm 1954 của nhà thơ Tố Hữu. Hình tượng Đại tướng xuất hiện trong bài thơ gắn liền với chiến công huyền thoại “ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.

Tuổi trẻ Sư đoàn 363 thi trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tuổi trẻ Sư đoàn 363 thi trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tỉnh đoàn Quảng Bình đã phát động cuộc thi tương tác trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân. Cuộc thi gồm nhiều buổi thi, mỗi buổi một chủ đề đã thu hút nhiều tổ chức đoàn trong Quân đội tham gia. Trong đó, 100% các tổ chức đoàn trong Sư đoàn 363 Quân chủng Phòng không - Không quân đã triển khai cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia với nhiều lượt chia sẻ, like (thích) và nhiều câu trả lời chính xác bằng hình thức thi tương tác trực tuyến trên Fanpage của Ban Tuyên giáo Trung ương. Sau 3 buổi thi, Sư đoàn 363 đã có hơn 400 lượt cán bộ, đoàn viên tham gia, trả lời gần 350 lượt câu hỏi chính xác.

Cuộc thi góp phần giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khích lệ việc học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho tuổi trẻ Quân đội...

Đọc thêm