Theo chủ trương của Trung ương, ngày 28/1/2011, Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về nước sau 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài được tổ chức trọng thể tại Cao Bằng, điểm dừng chân đầu tiên khi Người về để lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc tới bến vinh quang. Mùa Thu tháng 8/1945 (sau 4 năm, 6 tháng, 21 ngày Người về Tổ quốc) bằng cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc giành thắng lợi, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Bác Hồ trở thành Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông chuyên chính đầu tiên ở Đông Nam Á.
|
Bác về tổ quốc 28/1/1941 |
Sau khi từ nhà tù của thực dân Anh ở Hồng Kông (TQ) được trả tự do, năm 1934 Nguyễn Ái Quốc trở lại Liên Xô học tập hoạt động. Tháng 9/1938 Người đã từ Viện Nghiên cứu các dân tộc và thuộc địa (Liên Xô) trở về Tổ quốc theo quyết định của Quốc tế Cộng sản. Do đi lại khó khăn, Đại chiến thứ 2 bùng nổ, cuối năm 1939 Người mới đến Côn Minh, tháng 6/1940 đến Quế Lâm, Liễu Châu rồi mới đến Tịnh Tây 4 tháng sau đó. Không lâu sau khi Người đến Quế Lâm thì viên Tư lệnh đệ tứ chiến khu của Quốc dân Đảng (TQ) đã cử Trương Bội Công dẫn đội công tác biên giới Trung Việt rời Liễu Châu về Tịnh Tây hoạt động. Cũng vào lúc ấy có một số thanh niên Việt Nam khởi nghĩa chống Pháp không thành công (ở Bắc Sơn) đã sang Trung Quốc tạm lánh sự truy đuổi của Pháp và nương tựa vào đội công tác của Trương Bội Công. Một nhân sĩ người Việt dưới quyền Trương Bội Công tên là Trương Trung Phụng đã viết thư về Quế Lâm đề nghị Đảng Cộng sản Đông Dương cử người đến Tịnh Tây để tranh thủ số thanh niên yêu nước người Việt ấy trong hàng ngũ của Trương Bội Công. Do đó, tháng 11 năm 1940, Hồ Chí Minh đã phái Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh, Võ Nguyên Giáp về Tịnh Tây. Nhóm Vũ Anh đã nhanh chóng liên lạc với số thanh niên người Việt, động viên Trương Bội Công đánh điện về Quế Lâm mời người của Văn phòng Việt Nam độc lập Đồng minh về Tịnh Tây để bàn công việc. Hạ tuần tháng 12, Hồ Chí Minh cùng một số người cộng sản Việt Nam hoạt động ở Quế Lâm đã rời Quế Lâm đi qua đường Liễu Châu, Nam Ninh, Điền Đông để về Tịnh Tây. Trong hồi ký của mình, Vũ Anh viết: “Sau khi nghe chúng tôi báo cáo, Bác Hồ liền rời Quế Lâm đi ô tô về Nam Ninh, từ Nam Ninh đi thuyền về Điền Đông. Khách đi trên thuyền rất đông, Bác Hồ phải ăn mặc như một nhà báo Trung Quốc, Người nói với các đồng chí Việt Nam bằng tiếng Pháp, đồng chí Phạm Văn Đồng dịch lại. Cùng ngồi trên chiếc thuyền đó có một đồng chí nữ khát nước quá định uống nước sông, Bác liền nói tiếng Pháp rằng uống nước lã có thể đau bụng và khuyên cô nên mua mía ăn, nhưng khi một đồng chí khác hút thuốc lá vô ý để tàn thuốc rơi vào quần áo, Bác vội vàng nói se sẽ bằng tiếng Việt: Cháy! cháy! Về sau mỗi lần nhắc lại, ai cũng thấy buồn cười”. Về đến Tịnh Tây, Bác lập tức cử đồng chí Vũ Anh về nước chọn một địa điểm ở tỉnh Cao Bằng gần biên giới Việt - Trung để đặt cơ quan chỉ huy bí mật của Đảng. Lúc này tổ chức Đảng ở trong nước cũng phái các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt sang Tịnh Tây gặp Hồ Chí Minh. Từ đó, Hồ Chí Minh và cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã từ vùng biên giới Việt - Trung lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Về Trương Bội Công, ông ta được sự ủng hộ của Quốc dân Đảng Trung Hoa, lại là người đang nắm Đội công tác biên giới Việt Trung. Đội công tác ấy được lập ra theo chỉ thị của nước các Đồng Minh nhằm chuẩn bị cho “Hoa quân nhập Việt”. Hồ Chí Minh quyết định tiếp tục giữ mối quan hệ với Trương Bội Công để lợi dụng mối quan hệ giữa ông ta với Quốc dân Đảng đặng dễ dàng hoạt động ở vùng biên giới Việt - Trung. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã cử Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp tiếp xúc với Trương Bội Công. Người quyết định chính thức thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam trên đất Tịnh Tây. Những người cộng sản Việt Nam đã nắm vị trí chủ chốt trong tổ chức này. Hồ Chí Minh với bí danh mới là Trần Quốc Tuấn, là Chủ tịch Ban Chấp hành của Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam. Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam vừa thành lập đã ra Bản tuyên ngôn do những người cộng sản Việt Nam khởi thảo. Bản tuyên ngôn ấy được đăng trên tờ “Cứu vong nhật báo” ở Quế Lâm ra ngày 28/12. Các thành viên của Ủy ban bao gồm cả Trương Bội Công do Quốc dân Đảng ủng hộ, nên lúc bấy giờ các tờ báo lớn ở Quế Lâm đều đăng Bản tuyên ngôn thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam. Bản tuyên ngôn viết: “Chúng tôi có quyền tuyên bố với toàn thể đồng bào trong nước và các nhân sĩ trên thế giới rằng dân tộc Việt Nam phải được độc lập và giải phóng. Lúc này chính là cơ hội để dân tộc Việt Nam giành tự do và giải phóng”... Sau ngày thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam một mặt lợi dụng mối quan hệ giữa Trương Bội Công với Quốc dân Đảng Trung Hoa để có cơ hội hoạt động cách mạng ở vùng biên giới Trung Việt; mặt khác lại ra sức phân hóa hàng ngũ của Trương Bội Công, để lôi cuốn số thanh niên yêu nước ở Việt Nam chạy sang Tịnh Tây trở về phía mình. Sau đó lại trở về Tịnh Tây mở lớp huấn luyện tại một vùng dân tộc Nùng mà trước đây đã chịu ảnh hưởng của Hồng Quân - đó là vùng Cát Ma (tiếng dân tộc gọi là Cột Mà). Cát Ma nằm ở vùng biên giới Việt – Trung, nhân dân ở đây đồng tình với cách mạng Việt Nam, cho nên từ lâu đã có cảm tình sâu sắc với những người cách mạng Việt Nam hoạt động ở vùng này. Trong thời gian Hồ Chí Minh mở lớp huấn luyện ở đây, bà con Trung Quốc đã ủng hộ và giúp đỡ về nhiều mặt. Lúc ấy “dân cư ở đây thưa thớt, đời sống rất khổ, lo ăn ở cho 50 người quả là không dễ dàng gì”. Nhưng nhân dân Trung Quốc ở vùng biên vẫn lo cấp đủ gạo cho lớp huấn luyện, bảo đảm cho lớp huấn luyện tiến hành thuận lợi. Hồ Chí Minh rất coi trọng lớp huấn luyện này, Người đích thân chỉ đạo cán bộ phụ trách “phải xây dựng kế hoạch huấn luyện, phân công riêng người viết tài liệu về các mặt tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh”. Sau khi có đề cương, hội ý trao đổi ý kiến, sau đó mới chấp bút viết thành tài liệu. Tài liệu viết xong lại trao đổi ý kiến, cùng nhau đọc để bổ sung sửa chữa. Bác làm việc rất cẩn thận, chu đáo, vừa chú ý đến nội dung chính trị của giáo trình, vừa đòi hỏi phải viết ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, lời lẽ phải dễ hiểu, phù hợp với khả năng tiếp thu của quần chúng. Dù làm gì hay viết gì, Bác cũng điều tra nghiên cứu nhiều lần rồi mới bắt tay vào làm. Người hết sức chú ý đến công tác thực tế, bởi vì Người cho rằng chỉ có qua nhiều công tác thực tế mới có được kết quả tốt đẹp. Dự huấn luyện xong học viên về địa phương làm những gì? Làm như thế nào? Bước một làm thế nào? Bước tiếp theo nên làm thế nào?... Nếu chưa rõ bước thứ hai nên làm thế nào thì phải thảo luận lại. Đầu năm 1941, Hồ Chí Minh kết thúc lớp huấn luyện cán bộ tổ chức trên đất Tịnh Tây. Các thanh niên Việt Nam dự lớp huấn luyện đều được phái về nước nhận công tác tại các tổ chức cơ sở cũ của mình. Tiếp đó ngày 28/1, Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Vũ Anh, Phùng Chí Kiên... từ Tịnh Tây đi qua cột mốc 108 để về Tổ quốc. Đó là lần đầu tiên Người về nước kể từ khi Người rời Tổ quốc năm 1911, năm ấy Người 21 tuổi. Hơn ba tháng sau khi về Tổ quốc, tháng 5/1941 Người chủ trì hội nghị VIII của Trung ương, tạm gác khẩu hiệu cách mạng thổ địa, thành lập Đội du kích Pắc Bó, gửi thư “Kính cáo đồng bào”, kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đuổi Pháp - Nhật và đã giành thắng lợi hoàn toàn 4 năm sau đó, đúng như lời thơ trong Nhật ký trong tù: “Sự vật vần xoay đà định sẵn Hết mưa là nắng hửng lên thôi”. Thực kỳ thực bất hủy kỳ khí, ấm kỳ thực giả bất chiếc kỳ chi (ăn cơm xong không đập bát, ngồi dưới bóng mát chớ bẻ cành cây), việc tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về nước với quy mô cấp quốc gia có ý nghĩa giáo dục thiết thực với nhân dân cả nước và chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI tại Thủ đô Hà Nội vào đầu năm Tân Mão đầu thế kỷ 21.ª
Thảo Vân