Ký quỹ môi trường: Công cụ kinh tế quản lý môi trường

Ký quỹ môi trường là công cụ kinh tế áp dụng cho các ngành kinh tế dễ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp trước khi đầu tư phải đặt cọc một khoản tiền lớn hơn hoặc xấp xỉ với kinh phí cần để khắc phục môi trường nếu doanh nghiệp gây ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường.

Ký quỹ môi trường là công cụ kinh tế áp dụng cho các ngành kinh tế dễ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp trước khi đầu tư phải đặt cọc một khoản tiền lớn hơn hoặc xấp xỉ với kinh phí cần để khắc phục môi trường nếu doanh nghiệp gây ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường. Đây là công cụ quản lý đơn giản, hiệu quả. Tuy nhiên, giải pháp này chưa được các doanh nghiệp, các ngành chức năng và chính quyền địa phương giám sát thực hiện nghiêm túc.

 

Hoạt động khai thác ở mỏ đá của Công ty xi măng Ching phon Hải Phòng

Phớt lờ quy định luật pháp

 

Đến thăm Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Tâm Phúc Thịnh trên núi Ba Đồng (núi Đao), thuộc thôn Bạch Đằng, xã Lưu Kỳ (Thủy Nguyên), chúng tôi không khỏi giật mình vì những tiếng mìn nổ long trời. Đã đành khoan đá phải nổ mìn, song người dân thôn Bạch Đằng luôn nơm nớp nỗi lo sợ vì cách khu vực bắn mìn chỉ hơn 200m là hang quân sự chứa khí tài từ thời kháng chiến chống Mỹ. Nếu bom, mìn, thủy lôi… chứa trong hang phát nổ thì hậu quả thật khó lường. Được biết, công ty này được cấp phép hoạt động từ ngày 29-1-2008 khai thác đá mỏ núi Đao, trữ lượng 571,131 m3 trong thời hạn 5 năm, công suất 49.000m3/năm. Mới đi vào hoạt động 2 năm nhưng xã đã phải giải quyết hàng chục đơn kiến nghị về việc công ty khai thác đá làm ảnh hưởng tới nhà cửa, ruộng lúa, hoa màu…của các hộ dân chung quanh. Đó là chưa kể lượng khói bụi ô nhiễm, tiếng ồn gây bức xúc cho cả thôn.

 

Những doanh nghiệp như Tâm Phúc Thịnh không hiếm. Tại cuộc làm việc của HĐND thành phố với Sở Tài nguyên-Môi trường về quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, ngày 24-9, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Phạm Văn Thao phản ánh: tình trạng doanh nghiệp khai thác nhưng không đăng ký phục hồi môi trường, hạ tầng giao thông diễn ra rất phổ biến. Tại những nơi có dự án khai thác mỏ, môi trường sống ô nhiễm, đường giao thông bị xuống cấp. Tình trạng diễn ra từ nhiều năm nay, gây nhiều bức xúc cho người dân và chính quyền địa phương. Điều đáng bàn quy định về việc doanh nghiệp ký quỹ phục hồi môi trường và hạ tầng giao thông được quy định rõ, nhưng không thực hiện.

 

Ngày 29-5-2008, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 71 về ký quỹ phục hồi, cải tạo môi trường đối với khai thác khoáng sản. Trong cấp phép khai thác khoáng sản quy định chặt chẽ việc doanh nghiệp khai thác phải đăng ký phục hồi môi trường, hạ tầng giao thông. Nhưng trong thực tế, các doanh nghiệp không thực hiện quy định này. Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Bùi Quang Sản cho biết, việc kiểm tra giám sát thực hiện quy định này từ các ngành chức năng đến chính quyền địa phương đều rất lỏng lẻo. Trong khi đó, thành phố chưa xây dựng được quỹ bảo vệ môi trường để triển khai quy định trên.

 

Yêu cầu bảo vệ môi trường

 

Bên cạnh việc quản lý, kiểm soát ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất bằng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), bản cam kết bảo vệ môi trường, thạc sĩ Lê Sơn, Hội Bảo vệ môi trường thành phố, đề xuất nên áp dụng phương pháp ký quỹ cam kết xử lý ô nhiễm môi trường đối với các dự án đầu tư. Việc áp dụng này không quá phức tạp, hiệu quả cao.

 

Theo đó các chủ đầu tư khi trình duyệt dự án, hoặc xin cấp đất xây dựng phải có giấy chứng nhận đã ký quỹ cam kết xử lý ô nhiễm môi trường tại Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương. Đối với các dự án phát triển công nghiệp, cơ quan quản lý môi trường cấp giấy chứng nhận ký quỹ cam kết xử lý ô nhiễm môi trường sau khi chủ đầu tư đã ký một lượng tiền vào quỹ bảo vệ môi trường địa phương. Giá trị buộc ký quỹ là tỷ lệ % của tổng giá trị xây lắp hệ thống xử lý giảm thiểu ô nhiễm (về nước thải, khí thải, xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn... cho dự án). Tỷ lệ này vừa đủ lớn để gây áp lực buộc chủ đầu tư phải thực hiện việc xử lý giảm thiểu do mình gây ra. Chủ đầu tư sẽ được hoàn trả sau khi được cơ quan quản lý chứng nhận là hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép về môi trường. Cần có văn bản hướng dẫn cách tính toán về ký quỹ, về quy trình, thủ tục thẩm định thiết kế (có thể nhiều cơ quan tham gia thẩm định về kỹ thuật), quy trình nghiệm thu, vận hành, quan trắc dòng thải... và các chế tài xử lý vi phạm. Nên có quy định riêng về tỷ lệ cho từng loại hình công nghiệp. Các hệ số có thể áp dụng đối với trình độ công nghệ sản xuất, áp dụng công nghệ sạch, thân môi trường, tái sử dụng chất thải, đầu tư vào khu CN tập trung. Đối với các dự án khai thác khoáng sản: Giá trị buộc chủ khai thác phải ký quỹ là tỷ lệ % của tổng giá trị xây lắp hệ thống xử lý giảm thiểu ô nhiễm (về nước thải, khí thải, xử lý chất thải rắn cho dự án) và giá trị ký quỹ phục hồi môi trường theo quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ phục hồi, cải tạo môi trường đối với khai thác khoáng sản.

 

Như vậy, khi thực hiện việc ký quỹ, chủ đầu tư buộc phải tự thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án để thiết kế hệ thống xử lý giảm thiểu cho phù hợp. Việc giữ tiền trong quỹ bảo vệ môi trường cũng buộc chủ đầu tư phải thực hiện việc xây lắp, vận hành hệ thống và xử lý phải đạt tiêu chuẩn cho phép về môi trường. Ký quỹ môi trường, thành phố không phải đầu tư kinh phí khắc phục môi trường từ ngân sách, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp hoạt động bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ thành phố khẩn trương xây dựng quỹ môi trường; đây là cơ sở để hiện thực hóa chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên - môi trường.

 

Bài và ảnh Nguyên Mai

Đọc thêm