Ký ức trường làng

Nếu như làng quê được coi là nơi sinh ra, nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ mỗi chúng ta thì trường làng chính là nơi cho ta những kiến thức, những hiểu biết và chắp cánh ước mơ khát vọng mỗi con người. Chúng ta, trong tim ai cũng đều có một ngôi trường làng quen thuộc với những kỷ niệm thần tiên của tuổi thơ đẹp đẽ. Nơi đó chứng kiến những bỡ ngỡ buổi đầu tiên đến trường, nơi bàn tay thơ bé của mình nắn nót từng nét chữ ô, a tỏ mờ trên trang vở ô ly nhoè màu mực tím.

Nếu như làng quê được coi là nơi sinh ra, nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ mỗi chúng ta thì trường làng chính là nơi cho ta những kiến thức, những hiểu biết và chắp cánh ước mơ khát vọng mỗi con người. Chúng ta, trong tim ai cũng đều có một ngôi trường làng quen thuộc với những kỷ niệm thần tiên của tuổi thơ đẹp đẽ. Nơi đó chứng kiến những bỡ ngỡ buổi đầu tiên đến trường, nơi bàn tay thơ bé của mình nắn nót từng nét chữ ô, a tỏ mờ trên trang vở ô ly nhoè màu mực tím. Nơi mà sâu thẳm trong tâm hồn mình, tôi luôn nhớ về, luôn mong mỏi được một lần ngồi lại cái bàn gỗ xoan cạnh cửa sổ, nhìn ra thấy cây bàng già, xa xa là cánh đồng lúa và luỹ tre xanh…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trường làng tôi nằm ở cuối làng. Hồi mới đi học, bọn trẻ chúng tôi hay men theo hàng xà cừ và vòng một đoạn bờ mương để đến trường. Ấn tượng đầu tiên khi mẹ dắt tay đi học là cảm giác lo sợ, vì có lần tôi nghe lỏm mấy anh trong xóm bảo trường có ma. Trường làng tôi trước kia là nhà kho của hợp tác xã, sau được chia làm 6 phòng cho trẻ con trong làng từ lớp 1 đến lớp 4 học cả sáng lẫn chiều. Ngày đó, bọn trẻ chúng tôi học thì ít mà chơi thì nhiều, lại toàn những trò nghịch dại không đâu. Bốn bức vách của ngôi trường đã bị mưa gió bào mòn, tróc lở những mảng vôi vữa, lộ ra cả những viên gạch hồng nung thiếu lửa. Bọn trẻ cứ nhè chỗ lở đó mà cạo lấy thứ bột mìn mịn đo đỏ để chơi mỗi khi hết tiết học. Đó là những kỷ niệm khó quên nhất trong suốt tháng ngày tuổi thơ dưới mái trường làng yêu dấu.

Còn nhớ, ngay giữa sân trường cũng là một cây bàng già xù xì to tướng, lá lúc nào cũng xum xuê bất kể đông hè. Dưới tán bàng ấy, cả thế giới tuổi thơ với vô vàn những trò chơi của chúng tôi, từ ô ăn quan cho đến ú tim tìm vết hay bắn bi, bắn vòng…

Hình như trường làng không có cái gì mới. Tất cả đều cũ xỉn, từ bốn bức tường gạch vôi cũ kỹ, những viên ngói màu rêu cho đến bàn ghế học trò ngồi cũng mòn vẹt cùng thời gian mưa nắng. Đáng chú ý nhất phải kể đến chiếc bảng đen, nó bị thủng lỗ chỗ mấy miếng to như lá bàng non, lộ ra màu xam xám. Vì vậy, giờ tập tô, tập đọc, cứ viết đến đó là thầy giáo lại chấm xuống dòng…

Hồi mới học lớp 1, tôi được thầy giáo xếp ngồi ngay cạnh thằng Tèo con thím Năm bán bún ở cổng chợ Đình. Ngày nào nó cũng sơ-vin quần xanh, áo trắng, quàng khăn đỏ ở cổ, ngồi khoanh tay chăm chú nhìn lên bảng. Tuy nhiên, tôi ngờ nó đang giả vờ vì tôi biết nó nghịch như quỷ sứ; đi chăn bò hôm nào nó cũng bắt nạt chị em cái Thơm, sao đi học nó tỏ ra hiền lành ngoan ngoãn thế? Còn tôi, khác với nó. Ở nhà tôi được tiếng là đứa hiền lành củ mì nhưng đi học lại hay nghịch ngầm. Hồi đó chưa học được chữ nào cho ra hồn nhưng tôi đã biết giật tóc bạn Thơm ngồi bàn trên. Mấy bận nó đau phát khóc, thưa thầy giáo và tôi phải đứng nghiêm gần hết buổi.

Hồi đó, tôi học cũng nhì nhằng như mấy đứa khác trong lớp vì tôi ham chơi lắm. Tuy vậy, học xong lớp 4, tôi thi đỗ vào trường huyện nên ba mẹ cho tôi đi ở trọ học dưới huyện luôn. Rồi cứ thế, tôi tiếp tục học nữa… Và dần xa mái trường làng thân thuộc…

Cũng đến hơn chục năm rồi, hôm nay về quê, vô tình đi qua trường làng ngày trước. Không còn những viên ngói màu nâu xám cũ kỹ hay gốc bàng già xù xì thuở ấy. Thay vào đó là ngôi nhà ba tầng màu vàng khang trang như mấy toa tàu hoả xếp chồng lên nhau. Tường bao quanh cũng màu vàng, bất chợt vang lên tiếng trống trường báo ra chơi, rồi những đứa trẻ túa ra từ những lớp học nô đùa vang cả khoảng sân rộng. Nhìn chúng, tôi bâng khuâng tự hỏi, liệu trong đám con trẻ ấy, có cậu học trò tinh nghịch nào phải đứng nghiêm như tôi ngày xưa và có cô bạn gái nào tết bím tóc như Thơm ngày ấy… Chúng cũng sẽ như tôi, từ trường làng ra đi, trở thành những công dân góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước./.

Đoàn Đại Trí

Đọc thêm