Tránh triệt để hiện tượng hàng giả, hàng nhái
Hàng hóa Việt Nam đa dạng, chất lượng tốt nhưng khi tìm kiếm trên thương mại điện tử (TMĐT) vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khi kênh này là một lựa chọn cực tốt cho các nhà sản xuất Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid hiện nay.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin - Cục TMĐT và Kinh tế số (IDEA - Bộ Công Thương) khẳng định, hàng hóa Việt Nam rất tốt nhưng độ che phủ trên các sàn TMĐT chưa cao, đó là vấn đề cần giải quyết.
Do đó, IDEA đã nảy sinh ý tưởng làm Gian hàng Việt trực tuyến (GHVTT) và hy vọng đây sẽ là siêu thị điện tử cho hàng Việt Nam, thông qua hệ thống chuyển phát TMĐT, không chỉ là logistics thông thường mà là logistics dành riêng cho TMĐT, để sản phẩm Việt Nam phân phối khắp nơi trên cả nước.
Ví dụ trà của Cao Bằng, Thái Nguyên có thể bán vào Sài Gòn với chi phí rất thấp. Đặc biệt, GHVTT sẽ là nơi tập hợp các sản phẩm, hàng hóa chất lượng, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương sẽ được phân phối trên các sàn TMĐT hiện đại.
Ông Hoàng cũng cho rằng, hiện nay, một số đơn vị nhỏ lẻ bán hàng trên trang mạng xã hội phần nào ảnh hưởng hình ảnh thương hiệu Việt nên GHVTT sẽ là nơi để tập hợp thương hiệu uy tín từ nhà sản xuất.
“Nếu thông qua đại lý, shop nhỏ lẻ của nhà phân phối thì câu chuyện hàng giả, hàng nhái có thể xảy ra, nhưng nếu mua bán hàng hóa trên GVHTT, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, phân phối, chắc chắn sẽ giải quyết được câu chuyện hàng giả, hàng nhái” - ông Hoàng khẳng định.
Đây cũng là vấn đề mà đại diện Công ty Trà Tiên Thảo nhắc đến khi cho rằng, lực lượng quản lý thị trường đã bắt giữ nhiều kho hàng lớn bán trên các mạng xã hội đều là hàng giả, hàng nhái, trong khi các trang này không có đơn vị nào quản lý, không ai chịu trách nhiệm.
Do đó, việc tập hợp các thương hiệu Việt trên một sàn TMĐT thông qua GHVTT do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm sẽ là một kênh phân phối đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng lưu ý, GHVTT không phải là “cây đũa thần” để tăng mức tiêu thụ cho hàng hóa Việt. Vấn đề là các nhà sản xuất phải đưa ra được các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đạt chất lượng và giá cả hợp lý.
Hiện nay, GHVTT đã xuất hiện trên sàn Vỏ sò (voso.vn của Vietel Post), dự kiến sẽ sớm ra mắt trên sàn Sen đỏ (sendo.vn) và Tiki (tiki.vn).
Vẫn phải đầu tư vào chất lượng, giá cả
Đại diện Công ty Cà phê Đắk Lắk bày tỏ sự kỳ vọng vào GHVTT vì hiện nay ai cũng nói đến chuyển đổi sổ nhưng để chuyển đổi được không đơn giản và nhiều DN cũng chưa quan tâm đến vấn đề này. Chỉ đến năm 2020, khi Covid-19 diễn ra, các kênh bán hàng truyền thống giảm sút trầm trọng, hàng không xuất khẩu được DN mới bắt đầu lo lắng và chuyển hướng sang TMĐT nhưng “vừa làm vừa mông lung”.
Do đó, “việc Bộ Công Thương đứng ra tổ chức kết nối, giúp DN đưa hàng hóa lên sàn TMĐT thông qua GHVTT là một tín hiệu thực sự vui đối với DN. Tuy nhiên, nếu các sàn TMĐT dành cho GHVTT một ưu tiên nữa, luôn để gian hàng này hiện diện ở vị trí dễ nhìn thấy nhất thì chắc chắn số lượng người truy cập, tìm kiếm gian hàng sẽ nhiều hơn và hàng hóa sẽ bán được tốt hơn” - vị này đề xuất.
Ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Giám đốc Công ty CP Sen đỏ cho biết, qua nghiên cứu thói quen truy cập của khách hàng, đa phần người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm sản phẩm theo chủng loại hoặc giá tiền chứ không click (bấm) ngay vào banner trước mắt, dù có ở vị trí trung tâm.
Thường thì người tiêu dùng sẽ tìm kiếm bằng từ khóa sản phẩm, ở đó sẽ hiện lên đủ các thương hiệu hàng hóa, từ hàng của Việt Nam đến hàng quốc tế. Lựa chọn mua sẽ còn phụ thuộc vào giá cả, thương hiệu. Do đó, thay vì tập trung vào việc đẩy lên vị trí bắt mắt, các DN nên đầu tư vào sản xuất ra một sản phẩm chất lượng và giá cả hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch TP.Hà Nội khẳng định, có nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền tốt, có bao bì nhãn mác đẹp, là sản phẩm xuất khẩu chứ không phải chỉ mộc nhĩ, miến, măng, nấm hương… Đây đều là sản phẩm được chế biến, bán tốt trong siêu thị, nhưng hầu như DN chưa biết tìm đến kênh nào để phân phối sản phẩm của mình hiệu quả nhất.
“Nên chăng có phương án chọn lọc, đưa lên thí điểm mang tính chất đưa ra 10-20 DN có thương hiệu trong từng lĩnh vực, đặc sản vùng miền để hỗ trợ. Vì các sàn TMĐT cũng là các nhà kinh doanh, họ buộc phải đặt ra yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý.