Lạ lùng hội... thôi đánh vợ

Vài năm gần đây, vấn nạn đánh vợ ở Liên Sơn, Gia Viễn, Ninh Bình bỗng dưng giảm hẳn, bởi các đấng lang quân đã tham gia một hội lạ lùng: Hội... thôi đánh vợ.

Vài năm gần đây, vấn nạn đánh vợ ở Liên Sơn, Gia Viễn, Ninh Bình bỗng dưng giảm hẳn, bởi các đấng lang quân đã tham gia một hội lạ lùng: Hội... thôi đánh vợ.

"Săn" hội viên

Chị Trần Thị Luyến - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liên Sơn là một người nhanh nhẹn, hết lòng vì chị em. Thấy vấn nạn... đánh vợ có chiều hướng ngày một tăng, chị… đau khổ lắm! Hội sinh ra để bảo vệ quyền lợi của chị em, đương nhiên phải giúp chị em thoát khỏi "địa ngục trần gian” ấy.

Mà người làm chị em khổ chính là những ông chồng, vì vậy phải lôi các ông ấy vào cuộc. Chị Luyến bảo, ý tưởng này đến với chị em làm công tác phụ nữ ở xã từ lâu lắm rồi, nhưng cứ dùng dằng mãi đến tận cuối năm 2001 thì hội "thôi đánh vợ" mới chính thức ra đời.
   Người dân trong xã xem tivi ở nhà ông  Trần Quốc Huynh.
Người dân trong xã xem tivi ở nhà ông Trần Quốc Huynh.

Chị Luyến kể, hội viên đầu tiên mà các chị "nhắm tới" là ông Lưu Bá Thông (*) - chồng bà Đinh Thị Mận ở xóm ngoài, bởi ông này được xếp vào loại những ông chồng hung hãn bậc nhất ở xã lúc bấy giờ.

Ông hay rượu. Lúc nào cũng lướt khướt. Người dân trong xóm kể, hễ khi nào thấy ông Thông chân thấp chân cao ngất ngưởng về nhà thì y rằng, chỉ ít phút sau, ngôi nhà tuềnh toàng của ông lại phát ra những tiếng kêu thất thanh, những lời nỉ non thống thiết.

Lần ấy, sau một trận đòn bò lê kéo càng, bà Mận quyết định "khởi nghĩa". Bà bỏ về nhà mẹ đẻ và quyết tâm đoạn tuyệt với địa ngục trần gian, nơi bà đã cắn răng chịu đựng cả chục năm trời. Bà đòi ly dị.

Chị Luyến kể, là người phụ nữ, khi ấy, chị đồng thuận với việc bà Mận tự giải thoát cho mình. Thế nhưng, nghĩ đến 3 đứa trẻ chị lại thấy thương. Nếu bà Mận quyết tâm bỏ chồng, tương lai của những đứa trẻ ấy sẽ ra sao khi sống cạnh một ông bố lúc say nhiều hơn lúc tỉnh. Nghĩ thế nên các chị đã khẩn trương vào cuộc.

"Không khó nào bằng đi vận động những ông chồng say!" - chị Luyến đúc rút "kinh nghiệm xương máu". Chị kể, dù đã cài cắm “đội quân tình báo” dày đặc quanh nhà ông Thông nhưng suốt mấy tuần trời các chị không thể tiếp cận. Từ ngày vợ bỏ về nhà ngoại, "mật độ say" của ông Thông dày đặc hơn.

Lẽ phải điều hay khi say cũng thành dở, nên các chị phải chờ lúc tỉnh. Thế rồi cơ hội ngàn vàng ấy cũng tới. Đặc tình bắn tin về là vừa thấy ông Thông lúi húi trong bếp nấu cơm. Nấu được cơm nghĩa là còn… minh mẫn, gác việc nhà, các chị hò nhau kéo tới.

Ông Thông đang ở trần, hì hục đánh vật với nồi cơm trong bếp. Hỏi thăm chuyện trên trời dưới biển, ông đáp qua loa. Nói chuyện gia đình thì như đỉa phải vôi, ông nổi đoá: "Việc nhà tôi, tôi đánh vợ tôi, các người không có quyền can thiệp!". Nói xong, ông đóng sầm cửa, chui tọt vào nhà.

Không đầu hàng, hễ có cơ hội là các chị lại tới. Chị Luyến kể, phải đến lần thứ 5, ông Thông mới "nhìn thẳng vào vấn đề". Ông bảo: "Cũng tại tôi say quá. Cũng tại nhà cửa túng bấn, quẫn chí thành ra rượu chè. Tôi biết vì tôi mà vợ con tôi khổ!".

Biết tư tưởng của ông chồng sắt đá này đã thông, các chị liền vận động ông vào hội. Theo đó, khi vào hội, ông Thông sẽ được học những kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong sinh hoạt vợ chồng. Thêm nữa, vào hội, ông sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình. Những lời ấy khiến ông Thông bùi tai và đồng ý.

Giã từ… nắm đấm

Có hội viên thứ nhất thì đương nhiên phải có hội viên thứ hai, thứ ba. Chị Luyến cho biết, đến giữa năm 2002, hội lạ lùng này đã có sự tham gia của hàng chục hội viên. Đó là những người nổi tiếng trong xã bởi "khả năng"… đánh vợ.
Khi vào hội, đương nhiên, họ phải "giơ tay xin thề" rằng từ giờ trở đi không bao giờ dùng vũ lực với vợ con mình nữa. Và, cũng từ giờ phút ấy, đoạn tuyệt với những cơn say bất tận, tu chí làm ăn, chăm lo đời sống gia đình. Chị Luyến bảo, hội tẩy chay rượu bia nhưng đôi khi, trong quá trình vận động, vẫn phải dùng đến rượu bia để… thuyết khách. Và, người khiến hội tốn nhiều rượu bia nhất là hội viên Nguyễn Hữu Cầu ở xóm giữa. Ông Cầu mặt mày dữ tợn. Tuy tuổi đã xấp xỉ ngũ tuần nhưng như con tắc kè, suốt ngày ngập trong rượu. Cũng giống nhiều "đấng mày râu" khác trong xã, cứ khi say, vợ lớ xớ là "tát quay như đĩa hát". Vợ ông là người đàn bà cam chịu. Chồng đánh thế nào cũng cắn răng, chẳng nói với ai bao giờ. Tuy nhiên, sau một trận đòn nhừ tử, không thể chịu đựng được hơn nữa, bà đã "vạch áo cho người xem lưng". Khi ấy, biết chuyện, các chị đã tìm đến. Thế nhưng, dù có vận động gẫy lưỡi mỏi mồm, ông Cầu vẫn bỏ ngoài tai. Thậm chí, có lần khi các chị về, bà vợ tội nghiệp lại thành bị bông để đức ông chồng trút giận. Biết không thể vận động kiểu lời nói gió bay với nhân vật này, các chị đã "thay đổi chiến thuật". Các hội viên nam xắn tay vào cuộc. Họ thay nhau mang rượu đến cùng ông Cầu nâng chén tiêu sầu. Và, khi có tí hơi men, họ mới tâm sự "chuyện của chúng mình". Với các hội viên nam thì ai cũng thừa kinh nghiệm… say xỉn, đánh đập vợ con nên nói chuyện với ông Cầu chẳng có gì là khó. "Ông ạ, trước tôi cũng như ông ấy! Say suốt ngày đêm, chẳng làm ăn được gì, nhà cửa túng bấn lắm. Rượu uống chừng mực thôi, không thì nó hại mình lắm!". Những câu chuyện tỉ tê ấy khiến ông Cầu dần dà tỉnh ngộ. Chị Luyến bảo, hiện giờ ông Cầu đã là một thành viên tích cực của hội. Là người có khiếu hài hước nên mọi phong trào của hội, ông luôn là người tiên phong. Từ ngày tham gia hội, chẳng ai thấy ông đi “xoắn quẩy” ngoài đường nữa. Vợ ông thì mặt mày rạng rỡ hẳn. Nhắc tới chuyện xưa, ông Cầu gãi đầu: "Chuyện đó nói làm gì, tôi giã từ nắm đấm lâu rồi!".Thoát nghèo Theo chân chị Luyến, chúng tôi đến thăm gia đình ông hội trưởng Trần Quốc Huynh. Trên đường đi, chị Luyến nói vui: "Ông Huynh cũng là người hay rượu, hay bạo hành vợ con nhưng giờ khác xưa rồi. À mà các em ghi rõ là hội trưởng không phải là người có thành tích đánh vợ nhiều nhất đâu đấy nhé!". Ông Huynh bảo, từ ngày vào hội, lại được bầu làm hội trưởng nên phải gương mẫu nội quy, quy định mà hội đã đề ra. "Bỏ rượu cái đầu nó sáng hẳn ra đấy các anh ạ. Ngày trước nhà tôi khó khăn lắm, làm ăn thì luẩn quẩn, nghèo vẫn hoàn nghèo!". Theo ông Huynh, từ khi vào hội, học hỏi kinh nghiệm làm ăn của anh em, ông đã đầu tư công sức đấu thầu đầm nuôi cá, kết hợp chăn nuôi. Sau vài năm vất vả, bây giờ ông đã có nguồn thu gần trăm triệu đồng mỗi năm. Nhắc lại chuyện xưa, vợ ông xen vào: "Bây giờ chỉ có tôi bắt nạt ông ấy thôi, chứ ông ấy có gan cóc tía cũng chẳng dám. Gớm, ngày trước không có rượu thì đuổi đánh vợ con, bắt mua cho bằng được, bây giờ rượu bưng đến tận miệng cũng chẳng dám uống! Ông này chỉ được cái… tốt!".* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.
Theo Dân Việt

Đọc thêm