Lạc Dương: Giải tỏa bãi thiếc trái phép trong rừng phòng hộ

UBND huyện Lạc Dương đã thành lập Đoàn giải tỏa liên ngành tiến hành giải tỏa bãi thiếc tự phát với qui mô lớn tại khu vực TK144, thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim nằm trên địa bàn xã Đạ Sar.

Ngày 17/11, UBND huyện Lạc Dương đã thành lập Đoàn giải tỏa liên ngành gồm: công an, quân đội, UBND xã Đạ Sar và chủ rừng với khoảng trên 50 người do ông Phạm Triều, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, Trưởng Ban chỉ đạo giải tỏa khai thác khoáng sản trái phép của huyện làm trưởng đoàn tiến hành giải tỏa bãi thiếc tự phát với qui mô lớn tại khu vực TK144, thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim nằm trên địa bàn xã Đạ Sar.  
Một đoạn địa đạo của “bãi thiếc ngầm” tại xã Đạ Sar.
Một đoạn địa đạo
của “bãi thiếc ngầm” tại xã Đạ Sar.
Đây là bãi thiếc tự phát hoạt động trái phép đã nhiều năm qua, lúc cao điểm có đến cả trăm người tham gia. Theo một thành viên trong đoàn giải tỏa, cho biết: “Hầu hết các đối tượng đào đãi thiếc tại đây đều là dân “bờ bãi”, dân có “máu mặt” từ các địa phương khác đến nên rất khó quản lý. Chưa kể sau nhiều lần bị đẩy đuổi, các đối tượng kéo luôn điện vào bên trong “địa đạo” để khai thác và sống luôn trong đó nên mỗi lần giải tỏa đều gặp rất nhiều khó khăn”. Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện Lạc Dương, tham gia trong đoàn giải tỏa cho biết thêm: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần thành lập đoàn truy quét, đẩy đuổi, giải tỏa nhưng do bãi thiếc nằm ngầm bên dưới các quả đồi và nối thông bằng các “địa đạo” với nhiều ngõ ngách, nhiều tầng, nhiều bậc, hầm hố ăn sâu vào trong lòng đất… Đồng thời do nằm xa khu dân cư, địa hình cách trở, nên vẫn chưa thể dứt điểm”. Cũng theo vị cán bộ này, cách đây vài tháng, ngành chức năng địa phương cũng đã sử dụng đến cả thuốc nổ đánh sập hệ thống “địa đạo” của bãi thiếc trên, nhưng sau đó thiếc tặc lại đào hầm khác và khôi phục lại “địa đạo” để khai thác trở lại.
Sử dụng máy múc san lấp hệ thống địa đạo của bãi thiếc.
Sử dụng máy múc san lấp hệ thống địa đạo của bãi thiếc.
Theo ghi nhận hiện trường, khi Đoàn giải tỏa tiếp cận bãi thiếc nằm sâu bên dưới những quả đồi tại TK144, những đối tượng khai thác khoáng sản trái phép tại đây đều đã bỏ chạy vào rừng. Hiện trường bên ngoài “bãi thiếc ngầm” này có nhiều lán trại tạm bợ, bên trong được tập kết đầy đủ các loại nhu yếu phẩm phục vụ đời sống cùng một số vật dụng đào đãi khoáng sản trái phép. Theo ông Phạm Triều, cho biết: “Trong số những lán trại trên có cả lán trại sử dụng để canh giữ rừng của công ty Thanh Phong. Tuy nhiên, đã bị các đối tượng khai thác thiếc trái phép chiếm giữ rồi cơi nới thêm để phục vụ cho việc khai thác khoáng sản trái trái phép tại đây”. Ông Triều cũng cho biết thêm, bãi thiếc này có qui mô rất lớn - diện tích bị tác động lên tới gần 10ha, trong đó bao gồm cả đất rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, đất trồng cà phê của nhân dân và đất thuộc Dự án quản lý bảo vệ rừng của công ty Thanh Phong, nhưng điểm khai thác khoáng sản chính chỉ tập trung tại hai điểm nằm bên trong hai quả đồi với nhiều ngóc ngách nên rất khó xác định được. Còn các đối tượng đào đãi thiếc tại bãi thiếc này chủ yếu đều thông qua một số đầu nậu, phần lớn là dân vi phạm pháp luật ở các nơi dạt về đây và trở thành dân “bờ bãi”, rất phức tạp. Vì vậy: “Đợt này UBND huyện cương quyết giải tỏa, đẩy đuổi toàn bộ các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ra khỏi địa phương. Đối với số đầu nậu sẽ được điều tra làm rõ để xử lý. Sau khi giải tỏa xong sẽ tạm thời bàn giao lại hiện trường cho công an huyện quản lý, khi ổn định sẽ giao lại cho chủ rừng, và doanh nghiệp quản lý bảo vệ và trồng lại rừng”- ông Triều nói. Sau hơn 4 giờ tiến hành giải tỏa (đến 11 giờ 30 cùng ngày), lực lượng liên ngành của huyện Lạc Dương đã sử dụng xe cơ giới san lấp hàng chục hầm thiếc ăn thông với hệ thống “địa đạo”, rồi đánh sập hai đầu của “địa đạo” của “bãi thiếc ngầm” tự phát trên, đồng thời cũng đã giải tỏa, tháo dỡ toàn bộ các lán trại tạm bợ tại bãi thiếc này.
Thụy Trang

Đọc thêm