Lãi suất sau Tết sẽ giảm?

Lãi suất sau Tết có thể sẽ hạ nhiệt, một phần do nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm xuống.

Lãi suất sau Tết sẽ giảm? ảnh 1
 

Lãi suất sau Tết có thể sẽ hạ nhiệt, một phần do nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm xuống.

Với mức lãi suất huy động 14%/năm, cùng áp lực lạm phát trong thời điểm cận Tết Nguyên đán, lãi suất cho vay thỏa thuận hiện khó có thể giảm mạnh. Có lẽ phải đợi hết quý I/2011, lãi suất mới hạ nhiệt, một phần do nhu cầu vốn sau Tết giảm.

Biến động lãi suất

Kể từ tháng 9.2010, lãi suất huy động liên tục tạo sóng. Lãi suất huy động theo sự đồng thuận ban đầu giữa các ngân hàng thương mại với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) là 11%/năm. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân được áp dụng ở mức 13-14%/năm.

Bước sang tháng 10.2010, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là hạ lãi suất tiền gửi xuống khoảng 10,5-11%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng lại áp dụng mức lãi suất cao hơn, vì đây là giai đoạn họ phải chuẩn bị nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp vào cuối năm. Vì thế, chỉ sau đó khoảng 1 tháng, mặt bằng lãi suất huy động đã được thiết lập ở mức cao hơn (12%/năm).

Đến đầu tháng 12.2010, lãi suất đã được đẩy lên tới 17-18%/năm. Cụ thể, ngày 8.12, Techcombank đã tăng lãi suất lên 17%/năm trong 3 ngày huy động từ 8-10.12 với khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên, kỳ hạn 1 tháng. Trong cùng ngày, SeABank tung ra mức lãi suất cao hơn, lên đến 18%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chính sách lãi suất đã cho thấy sự méo mó khi lãi suất ngắn hạn còn cao hơn lãi suất dài hạn. Ngoài lãi suất ghi trên hợp đồng còn có phụ phí và trên thực tế, thị trường tồn tại song song 2 cơ chế lãi suất.

Để thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9%. Trong khi đó, cuối năm là thời điểm tốt nhất để tăng trưởng tín dụng. Song, nguồn tiền tiết kiệm mới trong dân cạn dần, nên các ngân hàng chỉ giành giật vốn lẫn nhau bằng việc đẩy lãi suất huy động lên 17-18%/năm. Trước sự náo loạn của lãi suất, chiều ngày 14.12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm xuống 14%/năm bắt đầu từ ngày 15.12.

Theo đại diện của một ngân hàng cổ phần (không muốn nêu tên), một nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng nhanh thời gian qua là việc Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất cơ bản. Điều này khiến người dân càng có tâm lý kỳ vọng lãi suất sẽ còn tăng. Vì vậy, khách hàng gửi tiết kiệm thường mặc cả lãi suất cao với ngân hàng.

Các ngân hàng cũng chấp nhận trả lãi suất tiền gửi cao để đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 19/2010/TT-NHNN, ngân hàng chỉ được sử dụng 80% vốn huy động để cho vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước còn hạn chế việc các ngân hàng sử dụng vốn trên thị trường liên ngân hàng để cấp tín dụng. Vì thế, cạnh tranh về huy động vốn giữa các ngân hàng càng thêm gay gắt.

Hiện tại, các ngân hàng đang áp dụng mức trần lãi suất huy động 14%/năm. Do đó, lãi suất cho vay thỏa thuận vẫn ở mức khá cao. Đối với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay dao động từ 17-19%/năm ở các ngân hàng lớn và 18-20%/năm ở các ngân hàng nhỏ. Đối với doanh nghiệp, lãi suất cho vay thường được áp dụng ở mức 17-18%/năm.

Sẽ giảm sau Tết?

Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc DongA Bank, cho biết, áp lực lãi suất cao là điều khó tránh. Các ngân hàng cũng không còn cách nào khác, bởi để hạ lãi suất cho vay thỏa thuận, trước hết phải giảm được chi phí đầu vào.

Tuy nhiên, theo ông Bình, có khả năng lãi suất sẽ ổn định ở mức trên hoặc giảm sau Tết Nguyên đán khi lạm phát được kiểm soát và nhu cầu vốn của khách hàng sau quý I/2011 giảm.

Ông Nghĩa, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cũng cho biết: “Chúng tôi đã trình Chính phủ chương trình tổng quát để giảm lãi suất sau quý I/2011. Nếu không, trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế sẽ sụt giảm, vì doanh nghiệp không thể vay mãi với lãi suất như hiện tại”.

Ông Nghĩa dự đoán, mức lãi suất hiện nay sẽ được duy trì cho đến quý I/2011 và sau đó sẽ giảm. Tuy nhiên, điều quan trọng là yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ và tăng lãi suất cho vay ngoại tệ. Như vậy, người dân sẽ ít quan tâm hơn đến ngoại tệ mà chuyển sang VND.

Sở dĩ lãi suất huy động VND tăng cao trong thời gian qua một phần là do tác động tiêu cực từ việc tỉ giá tăng và các ngân hàng áp dụng lãi suất ngoại tệ trên 5%/năm.

Theo đánh giá của một chuyên gia ngành ngân hàng (không muốn nêu tên), lãi suất trong năm tới tăng hay giảm sẽ do các ngân hàng thương mại quyết định.

Ngân hàng nào có vốn khả dụng dồi dào sẽ không mặn mà với việc đua lãi suất ở mức cao, vì sau Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn của khách hàng sẽ giảm.

Bên cạnh đó, cũng có một số ngân hàng có vốn điều lệ thấp, quy mô nhỏ và khả năng cạnh tranh yếu. Những ngân hàng đó sẽ khó giảm mạnh lãi suất huy động, vì như vậy sẽ không hút được vốn.

Theo Thanh Nguyên
Nhịp cầu đầu tư

Đọc thêm