Theo báo cáo, đối với việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng (số liệu từ 01/10/2016 đến 31/5/2017): Tổng số việc thụ lý 158 việc chiếm tỷ lệ 1,43 % so với tổng số việc phải tổ chức thi hành án trong toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 55,32 % so với tổng số tiền phải tổ chức thi hành án trong toàn tỉnh. Trong 8 tháng đã thu được 105 tỷ 636 triệu 076 ngàn đồng (trong đó thi hành xong hoàn toàn 10 việc tương ứng với số tiền 17 tỷ 654 triệu 313 ngàn đồng ); hoãn thi hành án 4 việc tương ứng số tiền 706 triệu 567 ngàn đồng.
Kết quả tổ chức thi hành án trong lĩnh vực này đã có sự chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; mặc dù việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng thì đa phần đều có tài sản để đảm bảo thi hành án. Cục và các ngành thường xuyên trao đổi các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của từng ngành để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Thông qua các giải pháp, công tác thi hành án dân sự đã đạt nhiều kết quả khả quan. Các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; trình tự, thủ tục và việc xác minh, phân loại án đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; việc tổ chức thi hành án đảm bảo căn cứ pháp lý, phù hợp nội dung bản án, quyết định của Tòa án; công tác giải quyết đơn thư tiếp tục được chú trọng giải quyết dứt điểm ngay từ khi phát sinh, không để xảy ra điểm nóng hoặc khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Trong thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm kết quả thi hành án dân sự bền vững. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp trong hoạt động thi hành án dân sự; chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thi hành án
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về thi hành án theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội.
Tăng cường cử cán bộ công chức theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nhất là cho đội ngũ Chấp hành viên; coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện kỹ năng, tác phong, lề lối làm việc cho công chức và người lao động. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, án trọng điểm và những vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước hoặc dư luận xã hội quan tâm.