Làm được gì cho mở cửa, giao lưu?

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 4 đến 6-8-2010. Trước thềm Đại hội, ĐNCT xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Inrasara bàn về vấn đề báo, tạp chí Hội đã làm được gì cho mở cửa, giao lưu?

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 4 đến 6-8-2010. Trước thềm Đại hội, ĐNCT xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Inrasara bàn về vấn đề báo, tạp chí Hội đã làm được gì cho mở cửa, giao lưu?

Một cuộc tọa đàm về Bàn tròn Văn chương do Ban sáng tác trẻ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

1- Mở cửa, văn chương Việt Nam chưa thật sự có giao lưu. Giao lưu đúng nghĩa là đến với nhau qua tinh thần cởi mở toàn diện.

Tiếng Việt thôi, ta vẫn chưa giao lưu. Các tạp chí văn chương quan trọng ở nước ngoài như: tạp chí Thơ, Việt, Hợp Lưu, Văn học… giai đoạn qua không được bán ở trong nước. Các tác phẩm của các tác giả lớn cũng vậy. Chúng ta vẫn còn nghi ngại cái gì đó, vẫn giữ những “khoảng cách còn lại”, thậm chí – phần nào đó vẫn còn đối xử phân biệt.

Việt Nam là đất nước đa dân tộc, văn chương tiếng dân tộc của các dân tộc thiểu số cả cổ điển lẫn đương đại gần như bị coi là ngoại biên. Chúng ta vẫn chưa có sự giao lưu thích đáng như đòi hỏi phải thế. Ngoài đặc san Tagalau, Tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu của người Chăm ra được 10 kỳ, chủ yếu do nỗ lực của một số trí thức Chăm, đăng các sáng tác của người viết Chăm lẫn cây bút các dân tộc anh em; còn các dân tộc thiểu số khác chưa có tạp chí văn chương tiếng dân tộc. Tạp chí Văn hóa Dân tộc của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tháng ra một kỳ gồm nhiều bộ môn khác nhau, chứ không dành riêng cho văn học. Mà hầu hết được viết bằng tiếng Việt. Tạp chí Văn nghệ Dân tộc và Miền núi (sau đó đổi tên là Văn nghệ Dân tộc) là phụ trương của báo Văn nghệ, đã chết 3 năm qua hết cơ may sống lại. Thì lấy đâu cơ hội giao lưu để có thể gọi là hiểu biết lẫn nhau.

Trong lúc văn chương dân tộc thiểu số không phải không có cái để học, để bàn.

Nhìn rộng ra Đông Nam Á, dù trên bình diện kinh tế và chính trị chúng ta đã mở, riêng văn học của khối này vẫn đóng. Từ Bangkok trở về, tôi đã dịch và giới thiệu ba tác giả nhận Giải thưởng Văn học Đông Nam Á – 2005 năm đó, viết tiểu luận “Văn học Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa” in trên số chuyên đề về văn học Đông Nam Á; nhưng tìm một người để viết về văn học Đông Nam Á đương đại, thì – không ai cả! Các nhà văn nhận giải trở về nước, mất hết quan hệ cần thiết với các thành viên Giải thưởng. Thêm: Trong buổi giao lưu với Hội Nhà văn và sinh viên văn chương Thái Lan, tôi nói: Trong 9 anh chị em được coi là đại biểu xuất sắc nhất của văn chương đất nước mình năm nay, có ai biết đến nhau? – Không ai cả! Không biết tên tuổi hay sáng tác của nhau, thì làm gì có chuyện đọc nhau. Văn học các nước Đông Nam Á tự xem thường mình và xem thường lẫn nhau. Độc giả Đông Nam Á có thể đọc các tác giả Tây Âu hay Hoa Kỳ, biết nhiều về văn học Nga hay văn học Nhật Bản, thậm chí Hàn Quốc, nhưng văn học các nước trong khu vực thì – không! Văn học Đông Nam Á vẫn còn là vùng trũng của thế giới.

2- Chúng ta đã có nỗ lực san lấp vùng trũng kia chưa? – Câu trả lời nghiêm túc nhất là: chưa.

Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Vịệt Nam ra nước ngoài tổ chức đầu năm 2010 khởi động rềnh rang, nhưng ở đó biểu hiện sự lúng túng thấy rõ. Không có ai hiểu ai. Bởi chúng ta chưa chuẩn bị cho sự hiểu kia(1). Về nền văn học ta lẫn văn học các nước bạn.

Báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, tạp chí Nhà văn hay tạp chí Thơ là tiếng nói chính thống khả tính đầy trọng lượng của Hội Nhà văn Việt Nam chưa sẵn sàng ở tư thế chuẩn bị đó. Sự chuẩn bị đáng lẽ phải có, và có từ rất lâu. Các mục quan trọng không thể thiếu của báo chí là thông tin tổng hợp về “Đời sống văn học (trong nước và nước ngoài) trong tuần”, “Đời sống thơ trong tháng”,… ví dụ vậy. Nó cung cấp cho người đọc cái nhìn tương đối bao quát, chuẩn xác, các nhận định sắc sảo và công bằng với lối viết hấp dẫn về tác phẩm, tác giả, sự kiện, trào lưu… văn học mới và đáng giá nhất qua mỗi kỳ báo, tạp chí… Vậy mà báo, tạp chí các loại của Hội Nhà văn bỏ qua công việc căn bản ấy, thì lấy đâu sự quán xuyến đời sống văn học trong nước và quốc tế trong năm hay một thời đoạn? Sự thiếu khuyết này buộc người yêu văn chương, nhà báo, nhà văn và cả nhà phê bình tự bươn chải trong biển cả tối mò của thời sự văn học. Từ đó dẫn đến hiểu biết mơ hồ, bên cạnh các phát ngôn (nếu có) sai lạc, đầy may rủi và bất cập.

Hãy tượng tượng nếu báo Văn nghệ mỗi kỳ dành một trang cho Đời sống văn học trong nước và thêm trang nữa cho Thời sự văn học quốc tế! Và tưởng tượng thêm, mang tính chiều sâu và chuyên nghiệp hơn: Các trào lưu văn chương từ cổ điển, lãng mạn, tượng trưng… cho đến chủ nghĩa mới nhất của văn học đương đại như thơ tân hình thức, hậu hiện đại… được cơ quan cấp hai của Hội Nhà văn giới thiệu đến nơi đến chốn. Lý thuyết, phê bình, sáng tác cả trong nước lẫn nước ngoài. Mỗi trào lưu 5, 6 kỳ như vậy. Mỗi kỳ được dành 5, 6 trang như thế. Hỏi điều gì sẽ xảy ra?

Chưa nói chuyện văn học nước nhà khởi sắc, điều chắc chắn là các sinh viên ngành văn, độc giả yêu văn học, và cả người trong cuộc văn chương hôm nay sẽ không quay lưng với báo chí chuyên ngành như đã. Bởi ít ra như thế, họ còn có cái gì đó để đáng theo dõi, đáng học, đáng thưởng thức. Chứ không phải mấy bài điểm sách nhạt nhòa mà tác phẩm được chọn đầy cảm tính, cảm tình, vài ba tiểu luận có thể đặc sắc nhưng tản mác, còn thơ với truyện ngắn hay bút ký thì có thể tìm đọc bất kỳ đâu cũng được.

Chỉ thế thôi chúng ta mới có thể dám nhắc đến chữ hy vọng về sự chuyển động văn học!

Sài Gòn, 22-7-2010

Inrasara

(1) Ví dụ dễ thấy nhất, Hội nghị (để) quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, nhưng ở văn học trẻ, - hẹp hơn, về thơ trẻ - không có tham luận nào nêu được với đại biểu quốc tế thơ trẻ Việt Nam hôm nay có bao nhiêu dòng, mỗi dòng thể hiện được gì, và đâu là tác giả và tác phẩm tiêu biểu. Còn bên văn học cổ điển, đại đa số đại biểu biến nó thành hội thảo về văn học dịch, bắt bẻ lối dịch này, cách chuyển ngữ kia đạt với chưa đạt. Mà không “quảng bá” thêm tác giả hay tác phẩm nào sáng giá đáng được dịch mà độc giả nước ngoài chưa biết đến, ngoài vài tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Hồ Xuân Hương…

Đọc thêm