Làm giàu từ quê hương

Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, nhiều thanh niên trong tỉnh đã năng động sáng tạo, phát huy sức trẻ  tìm nghề, mở hướng làm giàu để lập thân, lập nghiệp, và tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, nhiều thanh niên trong tỉnh đã năng động sáng tạo, phát huy sức trẻ  tìm nghề, mở hướng làm giàu để lập thân, lập nghiệp, và tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đoàn viên Trần Quang Bộ, thôn La Chợ, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đấu thầu 6000 m2 đất mở trang trại theo mô hình VAC tạo thu nhập mỗi năm hơn 50 triệu đồng. Ảnh: Thu Hà
Đoàn viên Trần Quang Bộ, thôn La Chợ, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đấu thầu 6000 m2 đất mở trang trại theo mô hình VAC tạo thu nhập mỗi năm hơn 50 triệu đồng.
Ảnh: Thu Hà
Anh Nguyễn Thế Quyền, xã Xuân Hoà (Xuân Trường) với ý chí làm giàu đã đi nhiều nơi tìm hiểu thị trường và nhận thấy nhu cầu về nước sạch đảm bảo sức khoẻ cho người dân ngày càng tăng, nhất là ở các nhà hàng. Anh đã tự học hỏi và nghiên cứu các tiêu chuẩn về nước sạch, tìm hiểu những quy trình công nghệ hiện đại trong sản xuất nước sạch ở trong nước và quốc tế. Sau khi nắm được những kiến thức cơ bản, anh đã huy động các nguồn vốn từ bạn bè, người thân được 4 tỷ đồng. Năm 2007, anh thành lập Cty TNHH thương mại Thanh Phương với diện tích mặt bằng 500m2, trong đó có 300m2 nhà xưởng, chuyên sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai mang thương hiệu Aquablue, công nghệ Hoa Kỳ. Tuy mới ra đời nhưng sản phẩm nước uống tinh khiết của Cty đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế, được nhiều người tin dùng. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng sản phẩm, anh tiếp tục đầu tư thêm các thiết bị máy lọc hiện đại và nâng cao trình độ tay nghề cho lao động Cty. Đến nay, Cty đã mở thêm 2 chi nhánh ở thành phố Hà Nội và huyện Hải Hậu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, thu nhập mỗi lao động từ 1,2-2,5 triệu đồng/tháng. Đến nay, sản phẩm nước uống tinh khiết của Cty Thanh Phương đã có mặt ở hầu hết các tỉnh phía Bắc, các khu du lịch và các trường học, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Doanh thu năm 2009 của Cty đạt gần 3 tỷ đồng. Năm 2008, Cty TNHH thương mại Thanh Phương được Nhà nước và Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ tặng Huy chương Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, Giải cúp Vàng sản phẩm Việt hợp chuẩn WTO, Huy chương Vàng Việt Nam Best Food thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khoẻ cộng đồng.

Còn chị Trịnh Thị Thu Hiền, Bí thư Đoàn thôn Nam Hưng, xã Nam Lợi (Nam Trực) với sở thích may vá từ nhỏ, chị đã đi tìm hiểu nghề thêu ở các huyện, xã bạn và quyết tâm lập nghiệp từ nghề thêu. Được sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, chị được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, huy động vốn từ người thân, thành lập tổ thêu ren xuất khẩu tại gia đình. Thời gian đầu mới thành lập, tổ thêu ren của chị chỉ có gần chục lao động, đến nay, đã có 17 lao động, chủ yếu là nữ thanh niên trong thôn, thu nhập khoảng 900 nghìn đồng/người/tháng. Chị Hiền còn là một bí thư chi Đoàn năng nổ, cùng với ĐVTN trong thôn tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào Đoàn; thành lập đội Thanh niên tình nguyện thu gom rác thải và dọn vệ sinh môi trường đường dong ngõ xóm, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách nhân Ngày TB-LS (27-7)... thu hút 100% ĐVTN trong thôn tham gia vào các hoạt động Đoàn.

Ở tuổi 25, anh Bùi Hồng Quân, xóm 5, xã Hải Tây (Hải Hậu) đã là chủ một Cty TNHH với tổng số vốn trên 2 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, anh Quân thành lập cơ sở thu mua cà chua của nông dân trong xã nhập cho các nhà máy xuất khẩu ở các địa phương. Để đảm bảo chất lượng nguồn hàng, anh tổ chức cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm, từ đó khuyến khích nông dân sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm. Do đó, sản phẩm của cơ sở ngày càng có uy tín và được khách hàng biết đến. Tháng 5-2008, anh thành lập doanh nghiệp tư nhân Hồng Quân chuyên chế biến cà chua xuất khẩu và mứt cà chua, tổng số vốn trên 2 tỷ đồng, trong đó, 1 tỷ đồng anh vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Anh tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà chua trên diện tích hơn 700m2, trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại. Thời điểm cà chua chín rộ, Cty tạo việc làm cho gần 200 lao động tại địa phương. Đến nay, anh đã thành lập Cty TNHH Thành Phát, đầu tư mở rộng diện tích nhà xưởng lên 2000m2 chuyên chế biến cà chua xuất khẩu, mứt cà chua và chế biến dưa chuột đóng lọ...

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng trăm thanh niên làm kinh tế giỏi trong tỉnh. Với sự năng động của tuổi trẻ, biết tận dụng nguồn lao động tại chỗ, họ đã gây dựng sự nghiệp và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, làm giàu cho bản thân và cho xã hội./.

Thu Trà

Đọc thêm