Làm rõ nhiều tình tiết vụ“phạm tội vì phòng vệ chính đáng”

Những người là họ hàng, anh em ruột thịt với chính ông Sòe cho biết rằng trước khi xảy ra vụ việc, ông Sòe đã có tiền sử về mắt và từng có ý định đi mổ mắt vì đục thuỷ tinh thể. Vì thế, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật xác định thương tích của anh Đỏ gây cho ông Sòe là 23% cũng cần được xem xét lại (?)

Báo PLVN trong tháng 6/2011 có bài “Phạm tội vì phòng vệ chính đáng” phản ánh  vụ án gây tranh cãi tại Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội giữa anh Trương Trọng Đỏ và ông Trương Văn Sòe. Mặc dù có căn cứ để xác định hành vi của Đỏ là phòng vệ chính đáng, nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Thanh Trì lại không xem xét mà vẫn tuyên phạt 10 tháng tù.

fjnf

Theo nhiều người dân địa phương thì Đỏ là một thanh niên ngoan.

Sau khi phản ánh vụ việc, PLVN tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của  người dân địa phương thể hiện sự bức xúc trước phán quyết của cấp tòa sơ thẩm. Trong một bức thư gửi tới báo, ông Trương Văn Quý (em họ, hàng xóm của ông Soè) viết:“Tôi rất buồn với hồ sơ vụ án cũng như bản án, cháu Đỏ là một thanh niên hiền lành, được ăn học tử tế. Hành động của cháu chỉ mang tính chất tự vệ. Còn anh Soè là anh họ tôi lại bịa đặt chuyện thương tích để đẩy cháu vào vòng lao lý. Chúng tôi vô cùng bức xúc, mong toà phúc thẩm sớm xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho cháu Đỏ”.

Trong một lá đơn của 10 người dân ở Cụm 2, thôn Quỳnh Đô, Vĩnh Quỳnh gửi tới nhiều cơ quan chức năng gần đây cũng thể hiện thái độ tương tự: “Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến gia đình ông Sòe gây gỗ và đánh ông Chính. Ông Sòe cũng đã từng bị công an xã xử phạt hành chính về hành vi gây rối của mình.

Thế nhưng, ngày 18/3/2011, TAND huyện Thanh Trì lại tuyên phạt cháu Đỏ 10 tháng tù giam trong khi ông Sòe lại được tòa nương tay? Người dân chứng kiến vụ việc cảm thấy rất phẫn nộ về phán quyết này bởi nó vừa không đúng người, đúng tội vừa gây mâu thuẫn thêm cho quan hệ gia đình, họ mạc và văn hóa ứng xử ở cụm dân cư”

Như PLVN đã thông tin, vụ án xuất phát từ tranh chấp đất đai giữa hai gia đình ông Sòe và gia đình bà Dương Thị Hảo (mẹ anh Đỏ). Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Thanh Trì, khi xảy ra xô xát, ông Sòe cầm nửa viên gạch đập trúng đầu anh Đỏ, khi ông Sòe tiếp tục đập nửa viên gạch vào đầu anh Đỏ thì anh Đỏ giơ tay lên gạt vào tay và đấm ông Sòe một cái vào mắt trái. Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích cho thấy ông Sòe sức khỏe bị giảm do thương tích là 23%.

Từ sự việc nói trên cơ quan tư pháp huyện Thanh Trì xử lý anh Đỏ về tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, theo quy định hành vi của Đỏ là phòng vệ chính đáng để bảo vệ mình. Nửa viên gạch mà ông Sòe dùng để tấn công anh Đỏ là hung khí nguy hiểm, vị trí ông Sòe tấn công anh Đỏ là vùng đầu, đây là vị trí có thể gây nguy hiểm ngay tức khắc đến sự sống của anh Đỏ. 

Luật sư Dương Mạnh Hùng – Văn phòng Luật sư Đức Minh phân tích thêm:  Nếu khi chống trả lại mà gây thương tích cho ông Sòe từ 31% trở lên mới có thể quy kết anh Đỏ về hành vi gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Ở đây, thương tích của ông Sòe mới chỉ là 23%. “Trong lúc đó, hành vi của Trương Văn Sòe được Tòa áp dụng điểm a, khoản 1,2 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Ở điểm này Trương Văn Sòe có dùng hung khí nguy hiểm lại được Tòa tuyên 10 tháng cải tạo không giam giữ, khi bị cáo này từng có tiền sự về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” là chưa công bằng, còn bỏ lọt người lọt tội”- Luật sư Hùng khẳng định .

Cũng trong quá trình tìm hiểu vụ việc, những người là họ hàng, anh em ruột thịt với chính ông Sòe cho biết rằng trước khi xảy ra vụ việc, ông Sòe đã có tiền sử về mắt và từng có ý định đi mổ mắt vì đục thuỷ tinh thể. Vì thế, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật xác định thương tích của anh Đỏ gây cho ông Sòe là 23% cũng cần được xem xét lại (?)

Gia Khánh 

Đọc thêm