Làm rõ vướng mắc trong công tác cải cách tư pháp ở Lâm Đồng

Làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Lâm Đồng, hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Lâm Đồng tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ cải cách tư pháp đang đặt ra và có chính sách hỗ trợ kinh phí bằng nguồn thu của tỉnh cho hoạt động của ngành Tư pháp địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa đã tiếp thu và cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng đối với công tác cải cách tư pháp của địa phương.

Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Trưởng đoàn sáng qua làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Lâm Đồng. Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan tư pháp tại địa phương cùng tham dự buổi làm việc.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Đã nỗ lực triển khai

Ngày 6/4/2006 Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Lâm Đồng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của tỉnh, kịp thời kiện toàn, bổ sung nhân sự thành viên BCĐ; xây dựng quy chế hoạt động, chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2006-2010, giai đoạn 2011 -2016 và kế hoạch công tác cải cách tư pháp hàng năm theo chương trình trọng tâm cải cách tư pháp của BCĐ Trung ương; kịp thời triển khai thực hiện Kết luận 79 ngày 28/7/2010 về đổi mới hoạt động của Tòa án (TA), Viện kiểm sát (VKS), Cơ quan điều tra (CQĐT) theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và đã tổ chức nhiều cuộc sơ kết, tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác cải cách tư pháp.

Nhờ vậy, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử án hình sự và công tác thi hành án hình sự tại địa phương hiện nay đã có chuyển biến khá rõ nét. Cơ quan tư pháp các cấp tại địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, khám phá án, mở 42 đợt tấn công trấn áp tội phạm, hàng năm đã phát hiện, khởi tố điều tra, xử lý hình sự từ 700 đến 900 vụ án các loại.

Việc xây dựng, củng cố các cơ quan bổ trợ tư pháp cũng được địa phương chú trọng. Nếu như năm 2005 chỉ có 16 tổ chức hành nghề luật sư thì đến nay đã có 39 tổ chức với 69 Luật sư. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi để các Luật sư hoạt động theo quy định của pháp luật, nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân.

Hoạt động giám định tư pháp 8 năm qua cũng được củng cố, tăng cường. Hoạt động công chứng cũng được đẩy mạnh theo hướng “xã hội hóa” từ năm 2010, hiện tại đã thành lập được 13 Văn phòng công chứng, nâng tổng số các tổ chức hành nghề công chứng lên 17 tổ chức và được phân bổ đồng đều ở các địa phương trong tỉnh.

Qua 5 lần lựa chọn, các cơ quan tư pháp của tỉnh đã đề nghị Trung ương quyết định cho 12 TA cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử cả về hình sự và dân sự vào năm 2009.  Đến nay các cơ quan tư pháp tại địa phương đều được củng cố, kiện toàn, nhất là ngành KS, TA, thi hành án dân sự đều được tăng biên chế từ 15-20%.

Vẫn còn nhiều vướng mắc và hạn chế

Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, BCĐ cải cách tư pháp tỉnh Lâm Đồng cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong công tác cải cách tư pháp của địa phương. Đó là: Sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp có lúc chưa chặt chẽ, công tác tuyên truyền chưa có sự đồng bộ; công tác điều tra truy tố, xét xử và thi hành án có vụ việc còn kéo dài; việc bắt, giam giữ, khởi tố, truy tố và xét xử còn có sai sót; chất lượng công tác điều tra còn hạn chế nên phải trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; án phải cải sửa vẫn còn; việc quản lý nơi giam giữ còn sơ hở dẫn đến tình trạng phạm tội mới trong trại giam hoặc trốn khỏi nơi giam giữ còn xảy ra. Việc tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp chất lượng chưa cao, số lượng chưa nhiều.

Các khiếu kiện tư pháp có trường hợp giải quyết chưa kịp thời hoặc giải quyết chưa triệt để nên đương sự tiếp tục khiếu kiện. Một số lĩnh vực giám định chưa đáp ứng yêu cầu giám định của cơ quan tư pháp; chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp  một số lĩnh vực còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ công chức ở các cơ quan tư pháp còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; tinh thần trách nhiệm một bộ phận chưa cao…

Thay mặt Đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường hoan nghênh sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng trong việc triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Bộ trưởng cũng ghi nhận những kiến nghị của tỉnh và ý kiến của các đại biểu về những bất cập trong việc tổ chức TA khu vực và VKS khu vực; đồng thời; đề nghị Tỉnh ủy và BCĐ tiếp tục chỉ đạo sát sao việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị sao cho thiết thực và hiệu quả; cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc, giải pháp khắc phục; chú ý số liệu chứng minh cho  báo cáo bằng phụ lục.

Bộ trưởng cũng đề nghị Lâm Đồng tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ cải cách tư pháp đang đặt ra và có chính sách hỗ trợ kinh phí bằng nguồn thu của tỉnh cho hoạt động của ngành Tư pháp địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa đã tiếp thu và cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng đối với công tác cải cách tư pháp của địa phương.

Hôm nay (2/7), Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác tiếp tục khảo sát, kiểm tra đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và Kế hoạch tổng kết Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị tại tỉnh Đắk Nông

Phúc Ân

Đọc thêm