Làm sao để cử tri trân trọng lá phiếu của mình?

(PLO) - Với ý nghĩa chính trị đặc biệt trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này, trong bối cảnh Việt Nam trên đường hội nhập sâu với quốc tế, hiến kế và giám sát những vấn đề quốc kế, dân sinh hệ trọng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định nội trị, ngoại giao,... cần đến những đại biểu có tâm, có tầm, có trách nhiệm với cương vị của mình trong tư cách người đại biểu nhân dân.

Dân chủ trong bầu cử theo những nguyên tắc hiến định đã được mở rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, một trong những thể hiện rõ nhất là những người tự ứng cử hiện tại rất nhiều so với những kỳ bầu cử Quốc hội trước đây.

Đó là một điều đáng mừng vì có nhiều người quan tâm và lo lắng đến vận mệnh quốc gia, muốn đóng góp công sức và trí tuệ của mình trong công cuộc xây dựng đất nước, mặt khác, càng có nhiều người tự ứng cử thì càng đông đảo nhân dân được tham gia vào sự kiện trọng đại này từ thời điểm lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú, công tác.

Tuy nhiên, để thực sự dân chủ thì ngay từ vòng một này cũng phải hết sức tránh bệnh hình thức, hoặc là lấy ý kiến cho có, hoặc là tổ chức với thành phần là những người “theo ý mình”.

Việc lấy ý kiến cần rộng rãi, đủ các thành phần tham gia và hoàn toàn loại bỏ các định kiến với người tự ứng cử. Không ai có thể thay thế cử tri trong việc lựa chọn và bầu ra những người mà họ tin tưởng.

Một trong những yêu cầu đối với các ứng viên đại biểu Quốc hội lần này là việc công khai bản kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản với các đối tượng phải kê khai từ trước đến nay vẫn chỉ dừng ở mức độ hình thức, kê khai xong cho vào thùng giấy để trong kho.

Nay, không nên để tình trạng đó xuất hiện trong đợt bầu cử này. Người kê khai tài sản phải trung thực, chính xác và cần công khai bản kê khai đó cho mọi người biết. Quan trọng hơn, nếu cử tri phát hiện sự kê khai đó không trung thực thì phải xác minh, làm rõ ngay, nếu sự phát hiện đó là đúng thì ứng cử viên đó phải loại ra khỏi danh sách bầu cử.

Bản kê khai tài sản đó sẽ theo suốt nhiệm kỳ nếu ứng viên đó trúng cử, một căn cứ để cử tri giám sát. Chỉ có như thế thì việc kê khai tài sản đối với ứng cử viên không phải chỉ là hình thức, “kê khai để cho có” theo quy định mà thôi!

Làm sao để cử tri trân trọng lá phiếu của mình, thực sự vui mừng với kết quả bầu cử, tin tưởng vào người mình đã bầu ra. Đó chính là mục đích của bầu cử dân chủ mà chúng ta hướng tới!

Đọc thêm