Làm sao để du lịch biển Trà Vinh “cất cánh”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bên cạnh những tài nguyên phong phú về du lịch biển mà Trà Vinh đang có, việc phát triển du lịch biển cùng với phát triển kinh tế biển là một bước đột phá mới của tỉnh. Và ngành du lịch biển sẽ trở thành ngành công nghiệp “không khói” theo kế hoạch định hướng phát triển du lịch biển giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn đến 2030 của tỉnh.

Trà Vinh là tỉnh ven biển, được "mẹ thiên nhiên" ưu ái về vị trí địa lý với chiều dài 65km bờ biển, thuận lợi về giao thông vận tải vận chuyển hàng hóa, thương mại dịch vụ, du lịch và giao lưu văn hóa – xã hội của trong nước và quốc tế.

Tiềm năng phát triển du lịch biển

Ngành du lịch Trà Vinh có nhiều điều kiện khai thác và phát triển, ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên rừng ngập mặn, nhiều cồn, cù lao nằm giữa Sông Tiền, Sông Hậu. Trà Vinh còn sở hữu những thắng cảnh nổi tiếng như: biển Ba Động, ao Bà Om, Thiền viện Trúc Lâm cùng nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa và những cảnh quan sông nước miệt vườn kết hợp với các dự án điện gió tạo nên các điểm tham quan lý tưởng cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng.

Biển Ba Động cũng là điểm thu hút khách du lịch mà thiên nhiên ban tặng với bờ cát dài đến 10km - Ảnh PLVN.

Biển Ba Động cũng là điểm thu hút khách du lịch mà thiên nhiên ban tặng với bờ cát dài đến 10km - Ảnh PLVN.

Trà Vinh còn là cửa ngõ giao thương của ĐBSCL, có lượng tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu là tuyến kết nối giao thương hàng hải với các tỉnh ĐBSCL. Với 01 cảng biển cho tàu có tải trọng từ 30.000 - 50.000 tấn cập bến, trong quý III/2021 thêm 01 bến cảng nữa đi vào hoạt động. Ngoài ra, các dự án trọng điểm của Trung ương, của tỉnh và các doanh nghiệp đã hoàn thành cũng như đang triển khai như: Luồng cho tàu lớn vào sông Hậu; Trung tâm Điện lực Duyên Hải với công suất 4.400MW.

Với lợi thế có 65km chiều dài bờ biển, thềm lục địa nông sâu khác nhau, đây là lợi thế và tiềm năng rất lớn cho việc phát triển năng năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió. Năm 2015 tỉnh, Trà Vinh được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, ước tổng công suất điện gió của Trà Vinh đạt khoảng 1.608MW. Hiện nay Trà Vinh thu hút 09 dự án điện gió, cấp chủ trương đầu tư cho 08 dự án với tổng công suất là 570MW, tổng vốn đầu tư khoảng 27.336 tỷ đồng, 01 dự án đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư, mức đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Năm 2021 có 05 dự án sẽ hòa lưới điện quốc gia, các dự án điện gió đi vào hoạt động là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan, du lịch.

Từ khi điện gió đi vào hoạt động tạo điểm nhấn thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, du lịch - Ảnh PLVN.

Từ khi điện gió đi vào hoạt động tạo điểm nhấn thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, du lịch - Ảnh PLVN.

Ngoài ra, Trà Vinh còn có các cù lao, cồn nổi nằm cách bờ biển từ 05 - 10km ra ngoài khơi, có diện tích từ 700 - 1.000ha chạy song song với chiều dài của bờ biển: Cồn Phụng, Cồn Bần, Cồn Nghêu, Cồn Vượt. Đặc biệt các dự án của hợp tác xã nuôi nghêu trên bãi bồi ven biển, tại các cồn nổi, là điều kiện lý tưởng để tỉnh phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản xứ. Biển Ba Động cũng là điểm thu hút khách du lịch mà thiên nhiên ban tặng với bờ cát dài đến 10km (từ ấp Nhà Mát tới ấp Cồn Trứng). Ba Động từ lâu đã nổi tiếng với bãi cát dài mang đậm vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí.

Ông Lê Văn Hải (Kinh doanh Nhà Nghỉ tại Khu du lịch Biển Ba động) chia sẻ, lúc chưa có điện gió thì khu vực này rất vắng, chỉ có người dân bản địa sống nhà cửa thưa thớt. Về du lịch cũng ít khách đến tham quan. Thế nhưng, từ khi Nhà nước đầu tư điện gió làm cho khu vực biển Ba động này sung túc lên nhiều lắm. Kinh doanh buôn bán đông đúc, khách du lịch các tỉnh đến tham quan nhiều hơn, đặc biệt vào ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ, công an giao thông phải phân luồng từng làn xe.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư

Phát triển du lịch biển trong thời gian tới là nhân tố quyết định đến sự phát triển của ngành du lịch tỉnh. Bên cạnh việc khắc phục những thiếu sót bất cập, ngành du lịch của tỉnh cần xây dựng đề án về phát triển du lịch biển, đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực khai thác các dự án về du lịch biển. Để góp phần thúc đẩy du lịch biển phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển ngành du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh - Ảnh PLVN.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển ngành du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh - Ảnh PLVN.

Theo Sở VHTT&DL hiện đang khẩn trương xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch biển Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Để xác định mục tiêu, nội dung, giải pháp cụ thể tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, đây là cơ sở để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định du lịch biển là một trong những nội dung trọng tâm của vùng phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch biển, kết hợp sử dụng ngân sách Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu tại các khu du lịch đã quy hoạch của tỉnh, xã hội hóa đầu tư xây dựng các khu du lịch trọng điểm như: Mỏ nước khoáng nóng Cồn Ông - Long Thạnh, rừng ngập mặn Nông trường 22/12, Khu Bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, khu đặc sản Hai My tại thị xã Duyên Hải. Làm việc với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào khai thác Khu tham quan du lịch nghỉ dưỡng Ba Động. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn, khu Resort từ 03 sao trở lên, các điểm vui chơi, dịch vụ giải trí, điểm du lịch cộng đồng (homestay).

Song song đó, đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển và hướng tới sản phẩm có giá trị cao, ưu tiên phát triển du lịch biển và nghỉ dưỡng biển chất lượng cao theo hướng hình thành các khu nghỉ dưỡng ven biển quy mô lớn. Và cần đầu tư xây dựng bãi tắm du lịch kiểu mẫu; nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, nhà hàng ven biển hiện có; hình thành các khu bán hàng lưu niệm, giải trí, khu ẩm thực vùng biển… phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, du lịch nghỉ tại nhà dân (hometay), nông trại nuôi trồng thủy hải sản (farmstay); gắn phát triển du lịch kết hợp với tham quan công trình điện gió, tham quan Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải.

Tuyên truyền đổi mới nhận thức đối với người dân về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển du lịch biển - Ảnh PLVN.

Tuyên truyền đổi mới nhận thức đối với người dân về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển du lịch biển - Ảnh PLVN.

Ngoài ra, tuyên truyền đổi mới nhận thức về du lịch biển, tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển du lịch biển của tỉnh, xem du lịch biển là ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trên các trang mạng xã hội. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng kế hoạch, tổ chức và triển khai quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, TP. Tổ chức các đoàn xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch trong và ngoài nước; Về nhân lực phải quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch của tỉnh gồm các ngành: dịch vụ du lịch và lữ hành, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý; tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các cơ sở, dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch.

Đọc thêm