Làm thế nào để ngành trà phát triển bền vững?

(LĐ online) - Ông Phạm Văn Án-Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sản phẩm chè Lâm Đồng khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường bị đánh giá thấp là chất lượng chè nguyên liệu không ổn định, trên 70% nguyên liệu không thể kiểm soát được.
[links()](LĐ online) - Số liệu của Cục Trồng trọt năm 2009 về chè của cả nước như sau: diện tích khoảng hơn 128 nghìn ha, trong đó chè kinh doanh 111,6 nghìn ha; năng suất bình quân 70,6 tạ búp tươi/ha; sản lượng chè búp tươi xấp xỉ 789 nghìn tấn. Nhưng làm thế nào để ngành trà phát triển bền vững và hội nhập thành công là câu hỏi được đưa ra bàn luận tại hội thảo khoa học “Biện pháp và điều kiện để ngành trà Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập thành công” diễn ra ngày 26/12 tại Bảo Lộc.  Những hạn chế
Thu hái chè ở nông trường trà Tâm Châu. Cty Tâm Châu là một trong số ít công ty đầu tư khép kín với quy trình hiện đại từ khâu trồng đến khâu sản xuất hiện nay ở  Bảo Lộc. Ảnh Ngọc Minh.
Hạn chế trong sản xuất chè ở miền Bắc hiện nay theo Cục Trồng trọt (Bộ &PTNT) là: chất lượng sản phẩm còn thấp và chưa đồng đều; ở các hộ dân chưa chú trọng về kỹ thuật canh tác, mức đầu tư phân bón thấp; hệ thống cơ sở chế biến thiếu cân đối với nguồn nguyên liệu… Theo ông Đoàn Anh Tuân-Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, ngành chè Việt Nam chưa phát triển bền vững thể hiện ở chỗ: quá nhiều cơ sở chế biến nhỏ, không có vùng nguyên liệu và không đảm bảo điều kiện sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, sản phẩm chè VietGAP còn bất cập về uy tín đánh giá, thiếu chiến lược quảng bá; mối liên kết bằng lợi ích kinh tế giữa người sản xuất nguyên liệu và cơ sở chế biến, tiêu thụ chè còn thiếu chặt chẽ. Tỉnh Lâm Đồng là địa phương có diện tích chè lớn thứ 2 cả nước (chiếm trên 20%) cũng không nằm ngoài những hạn chế chung của ngành. Báo cáo của ông Phạm Văn Án-Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh cho biết: diện tích trồng chè có chứng nhận mới chiếm khoảng 10% tổng diện tích, đạt hơn 30% về sản lượng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sản phẩm chè khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường bị đánh giá thấp là chất lượng chè nguyên liệu thường không ổn định. Trên 70% nguyên liệu không thể kiểm soát được là con số rất đáng suy nghĩ. Doanh nghiệp tư nhân Phương Nam nêu những băn khoăn và khó khăn như không kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng trà không ổn định, an toàn vệ sinh thực phẩm…Nông dân Hoàng Minh Châu, Trần Văn Đức, Phùng Minh Tích…đều hào hứng với giống chè chất lượng cao nhưng lại băn khoăn đến vấn đề đầu tư, đặc biệt là chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch…Đâu là giải pháp? Tại Hội thảo, tiến sỹ Phạm S - Phó Chủ tịch Hội khoa học Công nghệ chè Việt Nam, Giám đốc sở KH&CN Lâm Đồng đã nêu nhiều giải pháp về khoa học công nghệ đối với cây chè Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng: cần rà soát quy hoạch đến năm 2020 để ổn định diện tích, theo đó phát triển chè áp dụng công nghệ cao, tránh để nông dân chuyển đổi cây trồng tự phát; Tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ và sửa chữa lớn các công trình cần thiết, định hướng sâu hơn mối quan hệ khép kín giữa giống-công nghệ chế biến-thị trường tiêu thụ, bảo đảm tính đồng bộ trong sản xuất… Bên cạnh đó, ông cũng nhắc đến việc cần thiết phải đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến với công suất vừa và nhỏ tại vùng nguyên liệu; chú trọng công nghệ tưới chè; mở rộng cơ giới hóa trong thu hoạch; thành lập Trung tâm chiếu xạ nông sản… Đại diện Cục Trồng trọt cũng đưa ra những giải pháp mang tính vĩ mô như: quy hoạch các vùng chè an toàn trong cả nước; tăng cường công tác quản lý giống chè;  áp dụng các biện pháp kỹ thuật; đẩy mạnh sản xuất chè an toàn; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; quản lý các cơ sở chế biến chè; phát triển hạ tầng và chính sách. Ông Đoàn Anh Tuân cho biết, thời gian tới Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, bổ sung và ban hành các văn bản quản lý về sản xuất, chế biến chè an toàn, tổ chức kiểm tra tại các tỉnh thí điểm như Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Sơn La. Đồng thời sẽ kiểm tra và xử lý các cơ sở chế biến chè không đủ điều kiện của 3 tỉnh: Thái Nguyên, Lâm Đồng và Hà Giang. Đưa ra những giải pháp cụ thể hơn, theo ông Phạm Văn Án, ngành chè phải đồng bộ ở tất cả các khâu: từ quy hoạch, sản xuất đến chế biến, thị trường, nhân lực và các chính sách hợp lý theo cùng.
Minh Đạo

Đọc thêm