Làm thế nào không để tái diễn những thông tư "chết yểu"?

Thực tế, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), tuy không có thứ bậc hiệu lực pháp lý cao nhưng các thông tư, thông tư liên tịch (TTLT) đang ngày càng đóng vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tiến độ và chất lượng soạn thảo các văn bản này còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là chưa chú trọng đến tính hợp lý, tính khả thi của văn bản.

Thực tế, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), tuy không có thứ bậc hiệu lực pháp lý cao nhưng các thông tư, thông tư liên tịch (TTLT) đang ngày càng đóng vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tiến độ và chất lượng soạn thảo các văn bản này còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là chưa chú trọng đến tính hợp lý, tính khả thi của văn bản.

Những quy định “vượt rào”

Ngày 20/7/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 33/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm.

Đặc biệt, Thông tư 33 quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Trường hợp được bảo quản ở 0-5 độ C thì được bày bán trong vòng 72 giờ từ khi giết mổ. Đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở 0-5 độ C được bày bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ. Với quy định bất khả thi ấy và trước nhiều ý kiến phản đối, Bộ NNPTNT đã ra quyết định ngưng hiệu lực thi hành của Thông tư 33

Một văn bản hướng dẫn cũng “ồn ào” không kém là TTLT số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT có quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm phải đáp ứng khoảng trên 10 tiêu chí như có tác dụng giảm chấn thương vùng đầu; có cấu tạo 3 bộ phận; kiểu dáng; đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; được gắn dấu hợp quy CR và ghi nhãn hàng hóa theo quy định… đã khiến dư luận xã hội không đồng tình.

Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, quy định buộc người dân phải biết mũ thật, mũ giả và là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính nêu ra tại Thông tư số 06 là “thiếu thuyết phục”. Vì vậy, sau một cuộc họp do Bộ Tư pháp chủ trì, 4 Bộ tham gia ký TTLT 06 đã thống nhất dừng việc ban hành để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Trên đây chỉ 2 trong số hàng nghìn thông tư, TTLT được ban hành thời gian qua mà rất nhiều văn bản trong số đó chưa bảo đảm tính thống nhất, tính hợp lý, tính khả thi, thậm chí còn trái với các quy định của luật, pháp lệnh, nghị định.

Có thể kể đến tiếp theo là Thông tư 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng chưa thống nhất trong nguyên tắc xác định cách tính diện tích sàn nhà ở được quy định tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện thì thiếu khả thi của quy định đóng phí bảo trì đường bộ; việc ghi tên cha, mẹ vào Chứng minh nhân dân tại Thông tư số 27/2012/TT-BCA của Bộ Công an quy định Mẫu chứng minh nhân dân lại chưa bảo đảm tính hợp lý…

Sẽ thí điểm cơ chế kiểm soát tập trung

Các thông tư, TTLT chính là loại văn bản cụ thể hóa những quy định mang tính nguyên tắc, mục tiêu, định hướng trong các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn; có tính “cầm tay, chỉ việc”, phát sinh hiệu lực trực tiếp, được lựa chọn áp dụng trong hầu hết hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

Theo thống kê của Cơ sở dữ liệu luật Việt Nam, trong 4 năm từ ngày 1/1/2009 - 31/12/2012, loại văn bản này hiện đang chiếm khoảng 78% số lượng văn bản QPPL do cơ quan nhà nước Trung ương (68 luật, pháp lệnh, 472 Nghị định, 331 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2.875 Thông tư, 375 TTLT).

Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy nhưng tiến độ và chất lượng soạn thảo các văn bản này hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là chưa chú trọng đến tính hợp lý, tính khả thi của văn bản. Bởi thế, Bộ Tư pháp được giao xây dựng trình Chính phủ “Đề án thí điểm cơ chế kiểm soát tập trung việc ban hành thông tư, TTLT trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức”.

Chiều qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nghe tổ công tác báo cáo về xây dựng Đề án. Theo đó, quy trình xây dựng, ban hành thông tư, TTLT thí điểm dự kiến được thực hiện theo 6 bước, trên cơ sở kết hợp thống nhất giữa hai cơ chế tăng cường việc kiểm soát theo quy định của pháp luật hiện hành và bổ sung một số quy trình mới chặt chẽ hơn.

Cụ thể các bước như sau: ban hành Kế hoạch và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch xây dựng, ban hành văn bản; soạn thảo văn bản; lấy ý kiến dự thảo văn bản; thẩm định dự thảo văn bản; ký, ban hành và gửi văn bản; xử lý trước khi văn bản phát sinh hiệu lực.

Trong đó đáng chú ý là ở giai đoạn cuối, Dự thảo Đề án quy định trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được Hồ sơ, trường hợp phát hiện Thông tư, TTLT có nội dung không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ đối với Thông tư, TTLT; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ Thông tư, TTLT trước khi phát sinh hiệu lực.

Thục Quyên

Đọc thêm