Tổng giám đốc bộ phận kiến trúc thuộc Tập đoàn Daewon, đang giới thiệu với khách hàng dự án khu đô thị Đa Phước trên vùng đất lấn ra biển Đà Nẵng - Ảnh: Yến Dung. |
Trong điều kiện đất chật, người đông, giá đất ở các khu đô thị cao ngất ngưởng, nhiều địa phương ven biển ở Việt Nam đang chọn giải pháp xây dựng các khu đô thị lấn ra biển để mở rộng quỹ đất.
Tiến sĩ Bùi Quốc Nghĩa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Phát triển Duyên Hải, cho biết chỉ riêng doanh nghiệp của ông, thời gian qua đã đảm nhận việc tư vấn cho hơn 10 dự án khu đô thị lấn biển dọc theo bờ biển từ Vũng Tàu tới các tỉnh miền Trung. Ông nói: “Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động của biến đổi khí hậu nặng nề nhất. Vấn đề chúng ta phải đối phó là biển đang gặm nhấm đất liền, do nước biển dâng và xói lở. Theo tôi, lấn biển là một giải pháp chống biến đổi khí hậu chủ động. Việc xây đô thị lấn biển không chỉ làm tăng quỹ đất, mà còn có thể chủ động bảo vệ phần bãi biển hiện hữu. Cách làm này tốt hơn nhiều so với chỉ thụ động ứng phó”.
Nhìn chung, các nhà khoa học về môi trường đều ủng hộ giải pháp lấn biển và coi đó là việc cần làm để phục vụ cho các mục tiêu kinh tế và chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chạy theo các mục tiêu kinh tế mà xem nhẹ vấn đề tác động của môi trường, nhất là ở khu vực miền Trung, nơi thường xuyên gánh chịu những trận bão lớn và địa hình có độ dốc lớn.
Tiến sĩ Phạm Bình Quyền, Giám đốc chi nhánh Bắc Trung bộ Viện Môi trường và Phát triển bền vững, nói với phóng viên TBKTSG từ cuộc họp bàn về bảo vệ rừng ngập mặn ven biển: “Lấn biển nhất thiết phải thực hiện trong một quy hoạch tổng thể của cả nước và chỉ được làm ở những địa điểm được xác định là phù hợp. Thời gian qua, việc lấn biển diễn ra khá tràn lan, không ít rừng ngập mặn ven biển, những cánh rừng phòng hộ quan trọng, đã bị tàn phá vì các mục tiêu kinh tế khác nhau”. Ông cũng lưu ý về khía cạnh an toàn, nhất là ở vùng miền Trung. “Sức tàn phá ghê gớm của những trận bão vào nửa cuối năm ngoái ở miền Trung làm cho đô thị lấn biển trở nên thiếu an toàn, nếu không tính toán, cân nhắc kỹ về các giải pháp thích ứng”, ông nhấn mạnh. Cũng với quan điểm thận trọng, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, khoa Môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội, tán thành việc phải có quy hoạch tổng thể cho vấn đề lấn biển. Ông nhấn mạnh: “Những khu vực nhạy cảm với môi trường, như khu bảo tồn thiên nhiên, vùng danh lam thắng cảnh tự nhiên... nhất định không được tác động vào. Những nơi không thuộc diện bảo vệ, thì có thể lấn, nhưng phải có đánh giá tác động môi trường thật kỹ và khâu thẩm định cũng phải thật chất lượng”.
Tán thành quan điểm trên, ông Bùi Quốc Nghĩa cho rằng, can thiệp vào biển chỉ mang lại hiệu quả tích cực nếu làm đúng và điều này chỉ có thể thực hiện trong một chương trình tổng thể. Ông tiết lộ, thực tế tư vấn cho nhiều dự án lấn biển trong thời gian qua cho thấy, không ít dự án sai ngay từ đầu. May mà chủ đầu tư đã cẩn trọng mời tư vấn, nên sớm phát hiện vấn đề để sửa sai. Ông Nghĩa cho rằng, những khu vực bờ biển có nhiều ao xoáy, bị xói lở, thì lấn biển là giải pháp bảo vệ bờ biển chủ động và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không phải những điểm bị xói lở nào cũng có sức hút với nhà đầu tư về mặt kinh tế và ngược lại, không hiếm nơi nhạy cảm với môi trường nhưng lại rất hấp dẫn nhà đầu tư. “Mỗi dự án đều phải được xét trong tổng thể, vì nó liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Chúng ta phải tùy thuộc vào lĩnh vực ưu tiên để xem xét tác động của nó và quyết định”.
Với một dự án lấn biển, có rất nhiều yếu tố cần phải xem xét kỹ lưỡng, chẳng hạn như tác động của sóng biển, thủy triều, bão lũ; vấn đề dòng chảy và xói lở; vấn đề môi trường sống, sinh sản của sinh vật biển; giải quyết chất thải đô thị… Thông thường, dự án lấn biển nào cũng phải xây dựng đê chắn sóng, nhằm bảo vệ và chống xói lở cho vùng đất lấn. Ông Nguyễn Đình Hòe cho biết, đắp đê để chống xói lở cho chỗ này, có thể sẽ gây xói lở cho chỗ khác. Chính vì vậy, việc đánh giá tác động môi trường phải được xem xét trong một tổng thể chung của cả khu vực, không thể chỉ làm bó hẹp trong phạm vi mỗi dự án. Đây cũng là vấn đề ông Nguyễn Bình Quyền lo ngại nhất. Ông nói: “Trên danh nghĩa, báo cáo đánh giá tác động môi trường phải qua nhiều cấp thẩm định, từ địa phương tới trung ương. Nhưng không ít trường hợp chỉ được xem xét một cách riêng lẻ, nên không có sự đánh giá tổng thể. Đó là chưa nói đến việc nghiên cứu và thẩm định thực sự có chất lượng hay không, hay là chỉ mang tính thủ tục”.
Theo TBKTSG