Lắng nghe, trách nhiệm giải trình cao và công khai sẽ góp phần hoàn thiện pháp luật

(PLVN) -Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng, cơ quan lập pháp, cơ quan xây dựng pháp luật hãy lắng nghe và với trách nhiệm giải trình cao và công khai, sẽ góp phần hoàn thiện được pháp luật tốt hơn.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu trong một phiên thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV

Chia sẻ về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết, đây là kỳ họp có khối lượng nội dung lập pháp lớn, với 31 dự án luật, dự thảo Nghị quyết được Quốc hội thảo luận.

Tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật được Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho những người, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết, đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất”

Liên quan đến đánh giá “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Thịnh tâm niệm, thể chế của một quốc gia rõ ràng rất quan trọng, trong hầu hết các trường hợp, nó quyết định sự thành công của một quốc gia. Giải Nobel về Kinh tế năm 2024 cũng đã đề cập đến vấn đề này.

Theo Đại biểu Thịnh, thể chế pháp luật của chúng ta đang được hoàn thiện và ngày càng tiến bộ. Tuy nhiên, có thể thấy, so với yêu cầu của phát triển, thể chế của chúng ta vẫn còn tình trạng: Quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, thay thế; Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thu hút nguồn lực đầu tư trong Nhân dân, nguồn vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời tạo dựng nhanh những yếu tố thúc đẩy xã hội tự tiến bộ.

Giải pháp cho vấn đề này, theo Đại biểu Thịnh, trước hết, cần bám sát chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện pháp luật theo hướng phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất và các nguồn lực cho phát triển bền vững.

Đồng thời, phát huy vai trò phản biện của Nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đại biểu dân cử trong xây dựng luật pháp. Cơ quan lập pháp, cơ quan xây dựng pháp luật hãy lắng nghe và với trách nhiệm giải trình cao và công khai, sẽ góp phần hoàn thiện được luật pháp tốt hơn. Tăng cường phân cấp cho địa phương, chuyển mạnh quy định tiền kiểm sang hậu kiểm, thậm chí khuyến khích mở rộng không gian cho các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế tự đối chiếu các quy định và được tự làm, tự chịu trách nhiệm, hạn chế Nhà nước cấp phép.

Ngoài ra, mọi bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn hoặc pháp luật không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau cần giải thích thì cần được sửa đổi, bổ sung và giải thích luật kịp thời. Cuối cùng, cần kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong xây dựng pháp luật, đưa ra những nguyên tắc về khuyến khích phân cấp, về đơn giản thủ tục hành chính và về chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm để có căn cứ xử lý các tổ chức, cá nhân người đứng đầu không tuân thủ, có biểu hiện “lợi ích nhóm” khi xây dựng pháp luật.

Đối với đề nghị của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiếp tục đổi mới công tác lập pháp, dứt khoát phải từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, Đại biểu Thịnh nhấn mạnh: Thể chế mà tư duy theo hướng không quản được thì cấm chắc chắn sẽ hạn chế không gian sáng tạo của xã hội. Luật pháp cần tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm chân lý; chúng ta không nên vì những hoạt động đó đang diễn ra trong đời sống xã hội nhưng do không quản được hay do hoạt động đó có thể có cả mặt tiêu cực, mặt tích cực nên quy định cấm.

Vị Đại biểu Đoàn Bắc Giang khẳng định, tư duy này cũng đặt ra một yêu cầu nữa là khi cấm bất kỳ hoạt động gì trong đời sống xã hội đều cần được cân nhắc rất kỹ, phải đảm bảo hạn chế thấp nhất việc hạn chế quyền công dân được quy định tại Hiến pháp. Tinh thần như vậy, mới có thể tạo ra một thể chế thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và giải phóng được tối đa các nguồn lực trong xã hội, là cơ sở nền tảng để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đọc thêm