Có một làng nông dân yêu đời, bởi vì những ngày tháng tất bật và sôi động này, họ vừa vất vả mưu sinh, vừa cất lên tiếng hát, với những làn điệu chèo, điệu dân ca thiết tha nồng thắm. Đó là làng Trung Lập, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Làng của những nông dân yêu đời |
Nghề chèo đã có từ lâu.
Làng Trung Lập là ngôi làng thanh bình, nép mình bên những cánh đồng bát ngát. Những ngày xuân, khi công vịêc nhà nông đã tạm đỡ bận rộn, người nông dân của làng lại tụ tập nhau lại, học hát và cất lên những giai điệu ca ngợi cuộc sống ân nghĩ thuỷ chung, tình yêu quê hương đất nước, đả kích tham nhũng và những thói hư tật xấu trong xã hội.
Họ hát say sưa, nhiệt tình, những người đã lên chức ông chức bà, nhưng không khí trong một canh hát của họ giống như thủa mười tám đôi mươi. Ông Nguyễn Văn Quản, một nhạc công kỳ cựu, người có nhiều công đóng góp cho đoàn chèo của làng từ những năm 1960 nói: “Cha ông chúng tôi thành lập đoàn chèo của làng từ năm 1936. Ban đầu chỉ có hát cải lương, sau đó thêm môn hát tuồng, đến năm 1969 thì chuyển sang hát loại hình nghệ thuật chèo. Những cụ khơi dậy phong trào và thành lập đoàn là cụ Lê Đình Nguyên, Lê Trung Đàn, Nguyễn Văn Bất... con cháu các cụ sau đó đều là diễn viên và trở thành những thế hệ kế tiếp.”
Theo lời các ông, làng Trung Lập không phải là làng khoa bảng như một số ngôi làng xung quanh. Một làng thuần nông có nghề vác đất, đắp đất cho rất nhiều nơi để kiếm sống. Cái đói cái nghèo có thể vắt kiệt sức lực, nhưng không sao kiềm chế được tình yêu của họ đối với hát chèo. Khi chiến tranh xảy ra, người Trung Lập tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Nhiều người đã hy sinh anh dũng, ai còn sống sót, trở về sau khi hoà bình lập lại (1975) thì tiếp tục củng cố đoàn chèo làng. Ông Nguyễn Văn Quảng từng đi hát, phục vụ văn nghệ rất nhiều trong chiến trường, trong đó có tiểu đoàn cao xạ 14 đóng ở Thanh Hoá. Dù cuộc sống có vất vả, thì với sự nhiệt tình của người dân, chèo vẫn ngày một phát triển. Người góp tiền, người góp gạo, củi, muối...tất cả một lòng nhiệt huyết cho nghệ thụât, thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó, yêu đời.
Đoàn từ đó đi biểu diễn ở nhiều nơi, sau về biểu diễn ở xã, làng, liên hoan đạm bạc rồi ai về nhà nấy làm lụng, gắn với rau màu, đồng ruộng, nuôi giọng hát mỗi tối, để đến dịp lại đi. Tôi nghe các bà các ông nói rằng, chính họ ngày đó cũng không biết mình lấy đâu ra sự nhiệt tình đến như vậy, có đêm biểu diễn hai vở trường kịch liền.
Rất nhiều kỷ niệm vui
Rất nhiều kỷ niệm vui
Ca nương làng chèo |
Nếu nói người hát chèo làng được lợi gì, thì chắc chắn là không. Họ không được lợi gì cả, mà còn mất công mất vịêc, tiền của. Khi có chúng tôi về, các ông bà vui lắm. Họ say sưa nói về những kỷ niệm vui buồn của những năm đi diễn chèo. Chèo làng Trung Lập rất có tiếng trong làng chèo Hà Nội những năm tháng ở thời hoàng kim. Họ từng phải dùng xe bò cải tiến chở khung sân khấu, phục trang, đồ dùng đi khắp nơi biểu diễn đồng thời cũng giúp bà con ở những vùng khác thành lập đoàn chèo, nhằm đẩy phong trào văn nghệ quần chúng đi lên.
Các danh hiệu, huân, huy chương đạt được nhiều không kể siết. Đặc biệt các ông, bà: Đỗ Thị Hoa, Lê Thị Phái, Lê Danh Ứng, Quang Liễn, Lê Tuấn Khiết đã được Nhà nước tặng huy chương vì phong trào văn hoá nghệ thụât.
Tất cả những em bé, ông bà ngồi trong ngôi nhà ấm cúng của ông Đoàn đều khẳng định rằng tuy cuộc sống của họ còn nghèo, nhưng đời sống tinh thần, phong trào văn nghệ của họ cao. Có thời gian đi tập, thiếu trống, họ phải dùng xoong, bát, hòm xiểng để tập. Bà Lê Thị Mến kể rằng, ngày đó đoàn của bà có ngày diễn quan trọng, và theo lịch thì chỉ hai ngày sau là đẻ. Do có kế hoạch từ lâu, diễn viên không ai có thể thay thế được. Ban chủ nhiệm đã cố tình đưa bà đi, khi chưa diễn thì cứ để nghỉ ngơi, lúc nào diễn thì sẽ ôm cả bụng chửa mà lên.
Đó là một đêm diễn thành công của đời bà với tiết mục “Mâm cỗ ế”. Tôi hỏi: “Vậy đúng là sau đêm đó 2 ngày thì bà sinh chứ?”. “Vâng, đúng 2 ngày” - bà Mến trả lời. Có những thời gian diễn liên tục, các bà phải mang cả con đi lưu diễn, tập luyện. Hợp tác xã cử người đi trông nom con trẻ để các bà mẹ yên tâm luyện tập và diễn. Nhiều đợt đi đến 3 tháng trời mới trở về. Đoàn đi đến đâu thì lỉnh kỉnh đồ đạc người và xe, có cả vật nuôi như gà, vịt, chó. Sau mỗi đợt như vậy, đoàn đều có liên hoan nhẹ ở quê nhà, rất vui vẻ.
Vừa rồi, có một kỷ niệm vui, làng tổ chức diễn một đêm ở sân nhà văn hoá. Người dân từ những làng xung quanh đổ về đông khủng khiếp. Sân bãi không đủ sức chứa. Những mái nhà, mái bếp của nhiều gia đình xung quanh trở thành một chỗ ngồi rất “lý tưởng” cho nhiều khán giả. Ngồi trên đó có thể quan sát toàn bộ sân bãi thú vị vô cùng. Đã có những cái bếp bị sập mái. Chủ nhà chỉ cười mà rằng: “Không sao, vì chèo mà, mai làm lại là được!”. Như vậy thì đúng là người dân ở đây mê chèo, hy sinh vì chèo là số một!
Chèo làng sẽ không xuống dốc
Từ làng Chèo Trung Lập, nhiều thế hệ đã đi đây đi đó, quảng bá cho chèo truyền thống. Con em ở làng hiện nay có nhiều người đang công tác ở các đoàn chèo Hà Nội, Phú Thọ, Đài tiếng nói Việt Nam...Các vở diễn thành công phải kể đến: Khói lửa Cầu Giẽ; Sức mới vào xuân; Sóng vỗ chân cầu; Đất quê hương....
Đoàn chèo có nguyện vọng được phục vụ nhân dân, phục vụ hiếu hỷ hoặc đi giảng dạy. Họ đã làm được điều đó. Những ông già cả đời phục vụ cho đoàn, cho nghiệp hát giờ tóc đã bạc, răng đã lỏng, mắt kém, mà tình yêu đối với nghệ thuật thì không chịu giảm đi. Chỉ cần thích là họ tụ tập nhau lại và sinh hoạt. Có những người đầy nhiệt huyết cao tuổi như ông Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Văn Đoàn, bà Nhụê Phái... thì chẳng bao giờ phong trào của làng sẽ xuống dốc.
Hải Miên