Làng quê ngơ ngác vì“quốc lủi” bị gọi là “rượu lậu”?

Rượu là một thứ đồ uống khá thông dụng ở Việt Nam, và rượu quê - còn gọi là “quốc lủi”-  thậm chí đã trở thành một phần của văn hóa Việt. Quản lý rượu quê như thế nào để khả thi đang là vấn đề mà nhiều người Việt Nam quan tâm và cũng là lộ trình mà cơ quan quản lý Nhà nước phải tính toán…

Rượu là một thứ đồ uống khá thông dụng ở Việt Nam, và rượu quê - còn gọi là “quốc lủi”-  thậm chí đã trở thành một phần của văn hóa Việt. Quản lý rượu quê như thế nào để khả thi đang là vấn đề mà nhiều người Việt Nam quan tâm và cũng là lộ trình mà cơ quan quản lý Nhà nước phải tính toán…

d
Theo quy định mới, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải có dán nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ…

Nấu rượu, phải đăng ký…

“Rượu quê”, còn được gọi dân dã là “quốc lủi” đa phần là sản phẩm thủ công từ các hộ gia đình, để “phục vụ nhu cầu gia đình và hàng xóm”, mua bằng niềm tin và tiếp thị truyền miệng, vì thế cũng không có nhãn mác, lại càng không biết đến đăng ký, không kiểm định hàm lượng, nồng độ và cũng không công bố chất lượng.

Tuy nhiên, bên cạnh những chai rượu quê “chất”, thì cũng có những người pha chế cồn công nghiệp với nước lã cùng một số phụ gia và hương liệu để tạo mùi rượu nếp quê, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tính mạng của người uống rượu.

Ngày 1/1/2013, Nghị định (NĐ) số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành. Nghị định này quy định: các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải có dán nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ….

Cơ sở sản xuất rượu thủ công khi bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất. Khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.

Theo quy định đó, từ nay, các hộ sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có “giấy phép”, và đương nhiên phải đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm.

Rượu đem ra bán phải có nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật. Mang rượu ra ngoài đi bán phải có hợp đồng mua bán rượu với cơ sở có Giấy phép kinh doanh phân phối, bán buôn sản phẩm rượu hợp pháp. Sau 05 năm phải có văn bản đề nghị cấp lại giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh…

Những quy định mới nói trên, nếu được thực hiện nghiêm, sẽ chấm dứt được việc sản xuất và kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng. Đây là hành động cần thiết, nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội.

Băn khoăn về tính khả thi…

Tuy nhiên, với thực tế việc nấu rượu tự phát như đồ ăn thức uống hàng ngày Việt Nam hiện nay, có thể nói, thủ tục đăng ký đó là thủ tục hành chính “làm phiền”, ít tính khả thi bởi không có hộ gia đình nào đang nấu rượu nhỏ lẻ nào muốn thực hiện.

Ông Lê Phan Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến (Hoằng Hoá, Thanh Hóa) cũng thừa nhận: "Hiện nay chúng tôi đã nắm được quy định cấm nấu rượu quốc lủi. Thế nhưng cấm là một chuyện, còn ai đi thực hiện lệnh cấm, ai sẽ đứng ra xử lý, xử phạt khi có sai phạm… thì đến nay vẫn chưa thấy có văn bản, nghị định nào hướng dẫn thực hiện. Vì thế xã vẫn đang nghe ngóng thôi chứ chưa làm gì".

Nghị định ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đưa ra quy định hộ nấu rượu “có tính kinh doanh” phải đăng ký ở UBND xã. Nhưng ở nhiều xã có làng nghề nấu rượu truyền thống, chính quyền địa phương đang “không biết phải ứng xử thế nào” đối với quy định này, ngoài việc trước mắt tuyên truyền cho bà con biết có quy định pháp luật như vậy.

Nghị định quy định chung chung, nên một số lãnh đạo xã phàn nàn không biết phải làm thế nào với hàng loạt vấn đề phát sinh: thực hiện ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm nhận đăng ký? Ràng buộc của việc nhận đăng ký thế nào? Chỉ nhận mang tính thông báo hay phải hậu kiểm đăng ký của hộ gia đình? Nếu hậu kiểm, thì liệu UBND xã có người đủ chuyên môn và phương tiện để hậu kiểm? Trong thời gian 5 năm đó, xã có lực lượng để kiểm tra được không, nhất là đối với các hộ nấu rượu và bán rượu không chuyên nghiệp, phụ thuộc mùa màng và nhu cầu tiêu dùng?

Làng quê “ngơ ngác”

Dù Nghị định 94/2012/NĐ-CP có tác động trực tiếp đến mỗi hộ gia đình chưng cất rượu, nhưng hầu như những hộ gia đình chúng tôi hỏi thăm đều chưa biết “mô tê” quy định này thế nào. Một hộ gia đình bán rượu khá nổi tiếng ở làng cổ Đường Lâm cho hay, rượu nhà ông bán bao năm nay, chất lượng nổi tiếng khách trong làng ngoài xã đều biết.

 “Người nấu rượu có đạo đức không bao giờ thiếu trách nhiệm với chất lượng rượu của mình, bởi uy tín là điều sống còn một khi chúng tôi còn muốn kinh doanh” – ông này nói – “Rượu cũng không thể gây hậu quả nếu người uống là người có trách nhiệm với sức khỏe và tính mạng của bản thân, cộng đồng. Vì thế, nếu thực hiện đăng ký với xã cho đủ thủ tục thì chúng tôi cũng thực hiện được thôi, nhưng đó chỉ là việc hình thức mà không phải là cốt lõi của việc đảm bảo chất lượng rượu”.

Theo ông này, việc ông bán rượu nhiều năm nay cả làng cả xã đều biết, chính vì thế không thể nói là chính quyền địa phương không nắm được.

Với cơ ngơi đơn giản gồm vài cái nồi to, bồn chứa nước, vài mét ống dẫn, vài cái chum sành được chôn nửa chìm dưới nền bếp, bà Nguyễn Thị Gái ở Long Biên (Hà Nội) là hộ gia đình “nổi tiếng nấu rượu ngon” ở địa phương.

Bà Gái chia sẻ, nếu đăng ký để chính quyền địa phương biết gia đình nấu rượu và có biện pháp quản lý phù hợp thì gia đình sẽ ra UBND phường thông báo, chứ nếu yêu cầu gia đình làm thêm nhiều thủ tục khác thì “chúng tôi bỏ nghề cũng được, vì giờ nấu rượu quê thực chất như gia đình chúng tôi lời lãi mấy đâu. Mỗi ngày nấu đôi - ba chục lít rượu để tiêu dùng trong gia đình, họ hàng, chòm xóm, chủ yếu lấy “bã hèm” nuôi lợn, nuôi cá thôi”.

Phải tính toán lộ trình phù hợp

Có thể thấy, các quy định tại NĐ 94/2012/NĐ-CP khó có thể đi vào thực tiễn cuộc sống ngày một ngày hai. Bởi, những quy trình để luật đi vào cuộc sống vẫn còn cho thấy nhiều bất cập, như tuyên truyền, chuẩn bị nhân sự, thủ tục hành chính… Đó là chưa kể, khi đi vào thực hiện, có những điều “khập khễnh” giữa chính sách và thực tiễn.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần phải tính toán lộ trình phù hợp cho việc nấu rượu quê như một sản phẩm hàng hóa, và có biện pháp phân định sản phẩm tự cung cho tiêu dùng với sản phẩm hàng hóa lưu thông, nhằm đạt mục đích quản lý được sản phẩm mà không gây phiền nhiễu và xáo trộn cuộc sống của người dân.

Tuấn Ngọc -Nguyễn Đức Hoàn

Đọc thêm