Lạng Sơn nỗ lực tiêu thụ vựa na hơn 1.200 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vựa na Lạng Sơn ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng năm nay dự kiến đạt hơn 30.000 tấn, giá trị kinh tế ước đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Na đang vào chính vụ, việc tiêu thụ nông sản này thế nào giữa dịch bệnh COVID-19 phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước?
Na là nông sản Lạng Sơn có giá trị kinh tế cao.
Na là nông sản Lạng Sơn có giá trị kinh tế cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Lạng Sơn, na được trồng chủ yếu ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, tổng diện tích khoảng 3.500 ha. Năm 2021, sản lượng na hai huyện này khoảng hơn 32.000 tấn, đạt giá trị hơn 1.200 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Bình, chủ vườn na tại thị trấn Chi Lăng (huyện Chi Lăng) cho biết, năm nay na được mùa, sai nhiều, quả to; chất lượng tốt, rất bùi, ngọt. Theo chủ vườn này, đầu vụ na năm nay được giá tốt, 1kg bán được 50 đến 52 nghìn đồng. Tuy nhiên sau khi Hà Nội giãn cách xã hội thì giá na liền tụt xuống còn 20-25 nghìn đồng/kg. “Sau một thời gian Hà Nội giãn cách, hiện giờ na đã nhích dần lên và được từ 30 – 35 nghìn đồng/kg tuỳ loại to nhỏ”, chủ vườn này nói và cho biết, đang có rất nhiều lái buôn từ các tỉnh miền xuôi đánh xe lên mua na, thời gian tới giá na có thể tốt hơn.

Theo ông Lương Thành Chung – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, na huyện Chi Lăng năm nay đạt sản lượng khoảng hơn 20.000 tấn. Trung bình giá na từ đầu vụ đến nay đạt 40 nghìn đồng/kg. Nếu giá trung bình này giữ đến cuối vụ thì toàn huyện sẽ thu về từ bán na khoảng 800 tỷ đồng.

Năm nay na Lạng Sơn được mùa.

Năm nay na Lạng Sơn được mùa.

Ông Bùi Quốc Khánh – Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết, diện tích trồng na của Hữu Lũng khoảng 1.500 ha, năng suất năm nay đạt khoảng hơn 12.000 tấn. Như vậy, nếu giá na trung bình đạt khoảng 40 nghìn đồng thì năm nay giá trị kinh tế na Hữu Lũng đạt gần 500 tỷ đồng.

Hiện nay, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng tình hình tiêu thụ na trên địa bàn khá tốt, giá bán không chênh lệch so với năm ngoái. Theo vị Chủ tịch huyện, Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn nhất của na Lạng Sơn.

Năm nay, khi Hà Nội mới giãn cách xã hội, giá na có lúc xuống đến 25 – 27 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi tình hình giãn cách đi vào ổn định, xe cộ chở hàng hoá được lưu thông thuận tiện hơn thì hiện nay giá na đã nhích dần lên. Hiện nhiều tiểu thương đang ở địa bàn huyện, thu mua, ký hợp đồng với các chủ vườn na.

Cũng theo ông Bùi Quốc Khánh, sản phẩm na chưa được xuất khẩu qua đường chính ngạch với bất cứ nước nào. Trước đây na chỉ được bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, nhưng số lượng không nhiều. Vài năm gần đây việc tiêu thụ na qua đường tiểu ngạch với Trung Quốc đã dừng lại. Do đó, hiện nay thị trường chính của na là thị trường trong nước, trọng điểm là địa bàn Thủ đô.

“Nếu Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội lâu dài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ na của chúng tôi”, ông Khánh nói và cho biết, để thị trường na ổn định, phát triển lâu dài, rất cần Chính phủ, Bộ NN&PTNN tiếp tục nghiên cứu, đàm phán với phía Trung Quốc để na trở thành mặt hàng xuất khẩu chính ngạch. “Ngoài ra, chúng tôi cũng mong các nhà khoa học nghiên cứu, làm sao để bảo quản sản phẩm na được lâu hơn”, Chủ tịch huyện Hữu Lũng kiến nghị.

Ông Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Lạng Sơn cho biết, na Lạng Sơn hiện nay bắt đầu vào mùa. Mới đây, Sở NN&PTNN tỉnh Lạng Sơn, Sở Công thương Lạng Sơn đã phối hợp cùng Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh có tiêu thụ na và đưa ra nhiều phương án cụ thể hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm này. Ngoài ra, Lạng Sơn đã phối hợp với một số sàn thương mại điện tử để bán na qua kênh online.

“Giá na năm nay vẫn tương đương với giá năm ngoái”, ông Lý Việt Hưng nói và cho biết, dù Hà Nội giãn cách xã hội nhưng các xe đủ điều kiện vẫn thường xuyên chở na vào các chợ đầu mối và siêu thị tại Hà Nội, đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy.

Trao đổi với phóng viên PLVN, ông Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, na chưa nằm trong danh sách các sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Nghị định thư để công nhận hàng hoá xuất khẩu chính thức qua lại lẫn nhau giữa hai nước do Bộ Nông nghiệp của mình ký với Tổng cục Hải quan của Trung Quốc”, ông Hồ Tiến Thiệu nói và cho biết đây thuộc phẩm quyền cấp quốc gia, cấp tỉnh không làm được.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, liên quan đến sản phẩm na muốn xuất sang Trung Quốc, phía Việt Nam đã gửi hồ sơ sang nước bạn 3 năm nay nhưng phía bạn chưa phản hồi lại vấn đề này.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tham quan gian hàng na và một số nông sản tỉnh này tại Lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021, ngày 20/7/2021.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tham quan gian hàng na và một số nông sản tỉnh này tại Lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021, ngày 20/7/2021.

Liên quan đến việc tiêu thụ na trong nước, ông Hồ Tiến Thiệu cho biết, ngay trước mùa na, tỉnh đã lường trước được tình hình dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Bởi vậy, tỉnh đã đưa ra nhiều phương án nhằm hỗ trợ người dân.

Đặc biệt, mới đây tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Viettel và Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam, hỗ trợ người dân 5 huyện, trong đó có Chi Lăng, Hữu Lũng mở cửa hàng số, nhằm giao dịch trên thương mại điện tử để bán na cũng như nhiều loại nông sản khác của tỉnh qua kênh online.

“Bước đầu, chưa đầy 1 tháng, cách làm này đã phát huy hiệu quả, thành công. Qua báo cáo cho thấy, các chủ vườn na đã bán được hàng trăm triệu đồng tiền hàng”, ông Hồ Tiến Thiệu nói và cho biết, tỉnh phấn đấu đến cuối năm, 50% hộ nông dân Lạng Sơn đều có cửa hàng số để giao dịch bán hàng nông sản qua kênh thương mại điện tử.

Liên quan đến vận tải hàng hoá, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm chống dịch bệnh, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để hàng hoá trong tỉnh cũng như hàng hoá cả nước qua địa bàn Lạng Sơn được lưu thông thuận lợi, đảm bảo thông suốt nguồn cung ứng.

“Cũng như nhiều loại hàng hoá khác, sản phẩm na luôn được tỉnh tạo điều kiện để lưu thông. Người dân, doanh nghiệp yên tâm khi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng hoá, nông sản tại địa bàn Lạng Sơn”, người đứng đầu chính quyền Lạng Sơn cho biết.