Lao động ngành xây dựng: “Giật gấu vá vai”

Không chỉ các công trình của nhà nước, của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bị chậm tiến độ mà ngay cả các công trình tư nhân cũng ỳ ạch mà nguyên nhân chính là thiếu lao động, thợ bị co kéo từ công trình này sang công trình khác để giữ việc, nhất là dịp cuối năm.

Không chỉ các công trình của nhà nước, của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bị chậm tiến độ mà ngay cả các công trình tư nhân cũng ỳ ạch mà nguyên nhân chính là thiếu lao động, thợ bị co kéo từ công trình này sang công trình khác để giữ việc, nhất là dịp cuối năm. Đó là nhận xét của nhiều doanh nghiệp xây dựng về tình trạng thiếu trầm trọng lao động được đào tạo trong ngành xây dựng hiện nay.

Kêu “trời” vì lao động tùy tiện nghỉ việc

Giám đốc một doanh nghiệp xây lắp cho biết, một công trình của công ty ông đang vào thời kỳ nước rút, nhưng người lao động tùy tiện nghỉ việc vì những lý do “thiếu chuyên nghiệp” như : thứ 7 về dự đám cưới, ngày mùa về gặt…Ông cũng cho rằng đây là tình trạng chung mà nhiều nhà thầu hiện đang phải đối mặt nhất là thiếu lao động chuyên nghiệp. Thực tế, lao động của công ty chỉ bảo đảm những khâu kỹ thuật phức tạp, còn lại vẫn phải thuê lao động thời vụ, nhưng với lực lượng lao động như vậy làm sao có thể làm chủ được tiến độ, chưa nói đến các điều kiện về phương tiện, thiết bị.

Lý giải về tình trạng thiếu lao động trong ngành xây dựng hiện nay, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, nhiều ngành nghề khác đang hút lao động của ngành xây dựng, do ngành này vất vả, nay đây mai đó, thu nhập thấp. Nếu một bảo vệ hiện nay được trả với mức 2000-2200 đồng/ tháng thì lao động trong ngành xây dựng thu nhập cũng không cao hơn bao nhiêu. Vì lao động trong ngành này, mỗi tháng chỉ được 20-24 công là cao nhất, trung bình 130.000-170.000 đồng/người/ngày, nên thu nhập cả tháng cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng. Nếu các công trình ngoại tỉnh, mức thu nhập trên không đủ đáp ứng cho người lao động duy trì cuộc sống. Do vậy, một số đại diện doanh nghiệp cho hay gần đây không dám nhận thầu các công trình ở xa.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, số lượng lao động qua đào tạo bổ sung cho ngành hằng năm mới chỉ đáp ứng 25% nhu cầu. Trong khi đó, tốc độ đầu tư xây dựng hằng năm tăng 15 – 20%.

Hiện nguồn lao động của ngành xây dựng khoảng 2 triệu người, được cung cấp chủ yếu từ các cơ sở đào tạo thuộc Bộ và các doanh nghiệp xây dựng. Các cơ sở này cung ứng cho ngành gần 44.000 lao động/năm. Đáng chú ý, số lao động qua đào tạo cung cấp cho ngành cũng chỉ đáp ứng 25% nhu cầu. Ngành xây dựng đang tồn tại tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Vì thế, tại nhiều công trình lớn đang tồn tại cảnh lao động là nông dân chưa qua đào tạo làm việc thay cho công nhân kỹ thuật.

 

Những cách làm hay

Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần XNK và xây dựng Bạch Đằng cho biết, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, với mỗi hợp đồng trúng thầu, đơn vị cũng rất lo lắng về việc thiếu lao động. Khắc phục tình trạng này, tại công trình xây dựng Bệnh viện phụ sản quốc tế Hải Phòng, công ty ký hợp đồng với Trường trung cấp kỹ thuật-nghiệp vụ xây dựng Hải Phòng đào tạo tại chỗ 50 lao động (3 buổi/tuần). Các công nhân qua đào tạo thực tế và kiểm tra sẽ được cấp bằng trung cấp 3/7. Theo ông Kiên, trong số 50 lao động mà công ty trả tiền đào tạo không hy vọng tất cả sẽ đáp ứng yêu cầu hoặc “trụ” lại với nghề, nhưng ít nhất cũng có thêm một số lao động được đào tạo cơ bản bổ sung vào lực lượng lao động xây dựng.

Với mục đích ổn định lao động, bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình, Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư hạ tầng cũng có cách quản lý riêng. Ông Đào Trọng Nghiêm, Tổng giám đốc công ty cho biết, nhiều năm nay công ty luôn bảo đảm việc làm, nên duy trì được hàng trăm lao động. Với các công trình ở xa, công ty tổ chức thuê nhà gần công trường để người lao động có nơi sinh hoạt ổn định, chăm lo đời sống để người lao động gắn bó với công việc.

Nhìn chung, với các doanh nghiệp xây dựng, để giữ vững thương hiệu, tiến độ và chất lượng công trình luôn là 2 yếu tố quan trọng. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng thiếu lao động trong ngành xây dựng sẽ tiếp tục diễn ra trong những năm tới, vấn đề hiện nay không còn là thiếu việc, mà là thiếu lao động được đào tạo chuyên môn./.

 Quốc Minh

Đọc thêm