Lập dự án tách đường bộ khỏi cầu chung đường sắt

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngày 21/2, Tổng Công ty đã có tờ trình số 250/DS-DAT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan xin phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình 9 cầu mới.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngày 21/2, Tổng Công ty đã có tờ trình số 250/DS-DAT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan xin phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình 9 cầu mới.

 
Dự án nhằm tách đường bộ khỏi cầu chung đường sắt và bổ sung trong dự án "Lập lại trật tự hành lang an toàn trên các tuyến đường sắt theo Quyết định 1856/QĐ-TTg, giai đoạn 2" đã được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Đường sắt việt Nam.

9 cầu chung giữa đường sắt và đường bộ cần được đầu tư xây dựng thêm cầu mới để tách đường bộ khỏi cầu đường sắt là Lộc Yên (km 338+086, Hà Tĩnh), Long Đại (km 538+398, Quảng Bình), Đồng Nai lớn (km 1699+860, Đồng Nai), Đồng Nai nhỏ (km 1699+245, Đồng Nai), Thị Cầu (km 33+711, Bắc Ninh), Bắc Giang (km 48+738, Bắc Giang), Lục Nam (km 24+134, Bắc Giang), Chung Lu (km 263+167, Lào Cai), Tam Bạc (km 99+250, Hải Phòng).

Dự án bổ sung tên là "Lập lại trật tự hàng lang an toàn trên các tuyến đường sắt theo Quyết định 1856/QĐ-TTg, giai đoạn 2 - Tiểu dự án 3" do Đường sắt việt Nam làm chủ đầu tư với nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước hoặc trái phiếu Chính phủ. Dự án được thực hiện theo hai giai đoạn; trong đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án là từ năm 2011-2012 và giai đoạn thực hiện dự án từ năm 2012-2015.

Theo Tổng Công ty, từ khi xây dựng vào đầu thế kỷ 20, hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt Việt Nam có 30 cầu đường bộ đi chung với đường sắt. Những năm gần đây, nhiều cầu lớn được xây dựng để tách đường bộ khỏi cầu chung đường sắt như cầu Phú Lương, Ninh Bình, Đọ Xá, La Khê...

Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp nên đến nay vẫn còn 9 cầu đường sắt có đường bộ đi chung chưa được đầu tư xây dựng để tách đường bộ khỏi cầu đường sắt.

Việc tồn tại cầu chung đường bộ, đường sắt sẽ gây nhiều bất cập cho giao thông khi mà mật độ phương tiện giao thông đường bộ hiện nay đã tăng nhiều lần và năng lực thông qua của các chuyến tàu trên các tuyến đường sắt cũng hơn nhiều so với trước đây.

Hơn nữa, những cây cầu này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông lớn, nhất là khi ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông của người tham gia giao thông kém. Vụ tai nạn tại cầu Ghềnh (cầu chung giữa đường bộ và đường sắt tại km 1699+860, thuộc phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) ngày 6/2 vừa qua là một ví dụ điển hình.

Vì vậy, với việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình 9 cầu mới để tách đường bộ khỏi cầu chung đường sắt bổ sung Dự án Lập lại trật tự hàng lang an toàn trên các tuyến đường sắt theo Quyết định 1856/QĐ-TTg, giai đoạn 2 mà Đường sắt Việt Nam đang triển khai thực hiện sẽ vừa giải quyết được vấn đề nguồn vốn, vừa có thể đưa dự án bổ sung nhanh chóng thành hiện thực, khi đó sẽ giảm ách tắc giao thông và nâng cao an toàn./.
Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm