Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 08/2011/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô”, từ hôm nay (1/7/2011), tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có cự ly tuyến trên 500 km phải lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) nhằm quản lái xe và hạn chế tai nạn giao thông đường bộ vốn đang là vấn nạn quốc gia qua từng năm. Thấy gì khi "giờ G" đã điểm?.
Lộ trình hoàn tất…
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 300.000 xe ô tô các loại trong diện phải lắp hộp đen theo lộ trình thực hiện Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư nêu trên, chưa kể tới số đầu xe sẽ tăng hàng năm với tốc độ gia tăng khoảng 12%/năm.
Thế nên, từng có rất nhiều câu hỏi đặt ra lo lắng liên quan tới việc lắp hộp đen này, mà có thể tựu trung lại ở 3 vấn đề lớn là lắp loại gì, ai kiểm định và tính bảo mật đến đâu. Có ý kiến lo ngại rằng, với tiến độ ban hành văn bản của Bộ GTVT thì có khi “trẻ con” đã chui ra mà “bà đỡ” vẫn chẳng thấy đâu.
Xử phạt thiếu GPLX hạng FC sẽ không gây xáo trộn xã hội. Sau nhiều lần lùi đi, hoãn lại trước sự kêu ca, khiếu nại của DN, thì đến hôm nay (1/7/2011), quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô đầu kéo sơ mi rơ moóc không có Giấy phép lái xe hạng FC cũng đã được thi hành. Theo nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam thì việc xử phạt sẽ không gây xáo trộn với DN và xã hội như cách đây một năm nữa. Cơ sở để ông Hùng đưa ra nhận định này là con số thống kê từ Vụ Quản lý phương tiện và người lái - Tổng cục ĐBVN: có 25.480 phương tiện xe sơ mi rơ moóc hoạt động, trên cả nước, đến nay đã đào tạo, sát hạch và cấp 29.045 GPLX hạng FC. Tỉ lệ GPLX/phương tiện xe sơ mi rơ moóc đạt 113%. Về lý thuyết, 1 xe sơ mi rơ moóc hoạt động cần có 1,5 lái xe có GPLX hạng FC, song không phải 100% số đầu xe RM luôn lăn bánh trên đường vì còn phải chờ hợp đồng, chờ hàng, phải bảo dưỡng, sửa chữa. |
Thế nhưng, đến thời điểm này, khi "giờ G" của việc lắp thiết bị giám sát hành trình với ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có cự ly tuyến trên 500 km đã điểm, thì có thể nói lộ trình để “đỡ” của Bộ GTVT đã tương đối hoàn tất.
Về mặt quy định pháp luật, đó chính là Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 08/2011/BGTVT. Còn về mặt kỹ thuật, quy chuẩn, Bộ GTVT đã cấp giấy chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn QCVN 31:2001/BGTVT cho 4 loại thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, bao gồm: thiết bị kiểu loại BA1-Blackbox; XblackBox - A/XBA-A; TGPS-1; H1-2011.
Trước đây, khi được mời tham gia soạn thảo các quy định liên quan tới hộp đen, bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó giám đốc Công ty cổ phần Vcomsat (một trong 4 đơn vị cung cấp đã được Bộ GTVT chỉ định) tỏ ra lo lắng về vấn đề “ai kiểm định và kiểm định ra sao”. Sự lo lắng này đã có lời giải qua Quyết định số 1224/QĐ-BGTVT về việc chỉ định tổ chức đo, thử nghiệm thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để công bố hợp quy theo QCVN 31:2011/BGTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng ký ngày 07/6/2011.
Theo Quyết định, Trung tâm Đo lường thuộc Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thuộc Bộ Quốc phòng, trụ sở tại Cầu Giấy, Hà Nội là đơn vị thực hiện việc đo, thử nghiệm thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phục vụ công tác đánh giá công bố hợp quy.
Nhưng… vẫn lo
Khái niệm hộp đen không phải là quá mới đối với các DN vận tải, nhất là các DN lớn, bởi thiết bị này đã được ứng dụng, triển khai thử nghiệm vào lĩnh vực giao thông đường bộ tại Việt Nam gần 10 năm nay.
Thử nghiệm cho thấy, việc lắp đặt hộp đen không những bảo đảm thuận lợi và hiệu quả nhiều mặt cho doanh nghiệp và nhà quản lý, mà còn là động thái giảm thiểu TNGT đường bộ, bảo vệ hành khách. Thế nên, các doanh nghiệp vận tải lớn hoạt động quy mô, bài bản hiện nay đều ủng hộ việc lắp đặt.
Đơn cử, Tập đoàn Mai Linh, khẳng định hiệu quả của thiết bị này có lợi qua con số hơn 10.000 đầu xe các loại của hàng này đã ứng dụng hộp đen. Mặc dù chi phí đầu tư lắp đặt ban đầu cao, nhưng sau 3 tháng áp dụng, doanh nghiệp đã thu hồi được vốn, quản lý được doanh thu và tăng tỷ lệ km an toàn trên đường.
Vậy thì mối lo của DN ở đây là gì?. Về mặt kỹ thuật, việc lắp hộp đen với các DN vận tải lớn có nhiều đầu xe chạy tuyến cố định thì không vấn đề gì, nhưng với các nhà xe, DN nhỏ lẻ, có ít đầu xe tại các địa phương thì rất khó. Bởi lẽ, một DN kinh doanh vận tải nhỏ khó có thể xây dựng hẳn một trung tâm máy tính để quản lý cơ sở dữ liệu hộp đen.
Đã có nhiều DN cho biết sẵn sàng bỏ tiền tỷ lắp đặt hệ thống máy chủ cho DN vận tải thuê lại. Khi thuê hệ thống, DN vận tải chỉ phải bỏ ra ít chi phí sắm thiết bị đầu cuối (hộp đen) mà không phải vác tiền đi mua máy chủ, nuôi bộ máy điều hành. Thế nhưng, lại một vấn đề nảy sinh, đó là các DN này cần có một đường truyền chuẩn và chung để tránh tình trạng mỗi gà gáy một kiểu. Vấn đề này chưa thấy quy định nào đề cập tới.
Mối lo tiếp nữa của DN vận tải là tính bảo mật thông tin kinh doanh, vì một khi đã lắp thiết bị hành trình, có nghĩa là các thông tin ghi nhận liên quan đến các tuyến xe, cung đường… sẽ không còn là của riêng DN nữa mà phải có sự chia sẻ cho cơ quan quản lý nhà nước khi cần.
Nhưng liệu cơ quan quản lý nhà nước có đảm bảo không bị lộ ra ngoài hay không; DN có thể kiện cơ quan quản lý nhà nước khi để lộ những thông tin mà họ cung cấp hay không… vẫn là câu hỏi khó trả lời vì chưa có văn bản nào quy định về tính bảo mật thông tin cho doanh nghiệp. Trong khi ai cũng hiểu, với doanh nghiệp, thông tin kinh doanh là yếu tố sống còn.
Xuân Hoa