Xuất phát từ nguồn tin về hoạt động môi giới, mua bán bằng giả của một số đối tượng trên địa bàn Hải Phòng, ngày 7-5 Cơ quan An ninh điều tra (Công an thành phố) khám phá một đường dây sản xuất, mua bán bằng giả lớn liên tỉnh gồm 8 đối tượng. Hồi 18 giờ ngày 9-5, căn cứ tài liệu thu thập được, lực lượng điều tra chia làm nhiều mũi, đồng loạt thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Vũ Huy Tưởng, sinh năm 1973, ở xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương và Vũ Xuân Cường, sinh năm 1971, ở thôn Cương Nha, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng.
|
|
Cơ quan An ninh điều tra triệu tập 6 đối tượng gồm: Mai Thị Hương Giang, sinh năm 1976, ở thôn Trang Quan, xã An Đồng, huyện An Dương; Vũ Xuân Phú, sinh năm 1965, ở thôn Phú Xuân, xã Cấp Tiến và Lê Văn Cháng, sinh năm 1980, ở khu 4, thị trấn Tiên Lãng, cùng huyện Tiên Lãng; Trần Văn Hải, sinh năm 1956 và Đỗ Thị Thắm, sinh năm 1976, ở thôn Quán Rẽ, xã Mỹ Đức, huyện An lão; Đào Thúy Hằng, sinh năm 1983, ở tổ 7, khu Khúc Trì 2, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An để điều tra làm rõ.
Bất ngờ bị lật mặt, các đối tượng, không kịp bàn bạc, thực hiện hành vi chống đối, tiêu hủy chứng cứ, xóa dấu vết. Từ ngày 9 đến 19-5, Cơ quan An ninh điều tra (Công an thành phố) tiếp tục khám xét tại 9 địa điểm nơi ở, nơi làm việc và nơi thực hiện hành vi tội phạm của các đối tượng liên quan. Qua đó Cơ quan an ninh điều tra thu giữ 2 bộ máy vi tính, 1 máy photocopy, 2 máy in đen trắng, 1 máy in mầu, 2 USB và nhiều tài liệu.
Kết quả điều tra ban đầu xác định Vũ Huy Tưởng là kẻ cầm đầu đường dây này. Vốn có khá khéo tay trong việc kẻ vẽ và từng là nhân viên bảo vệ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lãng, Tưởng từng chứng kiến nhiều người ngại học, nhưng lại muốn có Bằng “cao”. Từ đây, Vũ Huy Tưởng nẩy ý định làm bằng giả. Do thường xuyên uống cà phê ở quán giải khát của mẹ đẻ Giang, nên y biết Giang có khả năng sử dụng vi tính, chế bản tài liệu, khai thác phần mềm tin học và tẩy xóa, chỉnh sửa tài liệu. Từ đó, Vũ Huy Tưởng đã lôi kéo Giang cùng làm ra các Bằng tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Bằng nghề…Để làm ra những tấm bằng như thật, Tưởng mua các loại giấy tờ ở hiệu cầm đồ, hoặc tới một số sơ sở chế bản vi tính, thuê scan mẫu văn bằng chứng chỉ vào USB, giao cho Giang chỉnh sửa, thêm bớt nội dung theo yêu cầu của khách hàng rồi in ra thành phôi mặt trước.
Tang vật vụ án.
Sau đó, Tưởng tiếp tục hoàn thiện các công đoạn còn lại như giả mạo chữ ký, chế thủ công dấu nổi trên nắp chai nhựa, bóc mặt bìa bằng thật dán vào bằng giả. Vũ Huy Tưởng bán từ 1,8 triệu đến 2 triệu đồng một văn bằng và trả công cho Cường và Thú từ 200 đến 300 nghìn đồng. Để tiêu thụ bằng giả, hắn sử dụng một đường dây môi giới, tiêu thụ gồm những người làm nghề xe ôm, lao động tự do lập thành một đường dây tiêu thụ bằng giả. Để có thể mua được bằng giả, “khách hàng” phải lần lượt qua 4 cầu môi giới gồm Đào Thúy Hằng là cầu đầu tiên, sau đó qua Đỗ Thị Thắm, tới Trần Văn Hải, Lê Văn Cháng, rồi mới đến Thú và Cường. Qua mỗi cầu môi giới, giá văn bằng lại được kênh lên cao hơn. Trên thị trường “đen”, có người phải mua 1 Bằng tốt nghiệp đại học giả tới 30 triệu đồng. Khi lực lượng công an điều tra, khám phá vụ án “Vũ Huy Tưởng cùng đồng bọn làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”, các đối tượng trong đường dây này đã tung ra thị trường “đen” gần một trăm bằng cấp giả các loại. Không ít người đã sử dụng loại tài liệu này để chui vào cơ quan nhà nước. nhiều người không có trình độ, song với tấm bằng giả, họ vẫn được giao những công việc mà đòi hỏi phải có tri thức và chuyên môn cao. Mặt khác không loại trừ khả năng đối tượng sử dụng bằng giả để hoạt động vi phạm pháp luật, như xuất khẩu lao động, chiếm đoạt tài sản cầm cố tại các hiệu cầm đồ.
Cơ quan an ninh điều tra (Công an thành phố) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 8 tên trong đường dây này đồng thời bắt tạm giam 2 tên Tưởng và Cường, 6 đối tượng còn lại bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Hiện Công an thành phố đang tiếp tục điều tra mở rộng án đồng thời thu hồi các tài liệu giả để ngăn chặn những hậu quả xấu do đường dây tội phạm này gây ra./.