Lễ cầu siêu - khát vọng siêu sinh miền tịnh độ?

(PLO) - Đạo Phật là đạo giải thoát, chuyển mê thành ngộ, vượt sống khỏi chết, lìa khổ được vui... những ý nghĩa này cũng ít nhiều được ấn chứng trong cầu siêu. 

Lễ cầu siêu - khát vọng siêu sinh miền tịnh độ?

Vì sao cần cầu siêu bạt độ?

Theo quan niệm dân gian, chuyện cầu siêu, cúng bái cho người âm thể hiện đạo lý báo ân, như một sự tích góp thiện duyên, tiễu trừ nghiệp quả của những người tu tâm theo con đường Phật đạo. Cầu là mong cầu, siêu là vượt qua hay còn gọi là siêu thoát. Nếu diễn giải, nghi lễ này có thể hiểu theo nghĩa dùng phương thức nào đó để giúp cho vong linh của người đã khuất siêu thoát khỏi các cảnh giới khổ đau. 

Bất cứ một tôn giáo nào cũng đều có những hình thức nghi lễ tiêu biểu cho tinh thần, đạo vị của mình. Nghi lễ của Phật giáo thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính tới người sáng lập, biểu hiện lòng tôn kính và tin tưởng của mọi người đối với Tam Bảo. 

Đạo Phật không phải là một tôn giáo chỉ chú trọng về phương diện nghi lễ, nhưng nhờ có sinh hoạt nghi lễ mà đưa con người vào đạo một cách dễ dàng. Chẳng hạn như lễ cầu an cho người bệnh hoạn, tai nạn, lễ cầu siêu bạt độ cho người lâm chung... Tất thảy những nghi lễ như trên đều là những phương tiện thực tế để điều hòa lý trí, gieo rắc tình cảm nhân sinh. 

Ngày nay, cầu siêu đã trở thành một nghi lễ khá thông dụng, được thực hiện ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Chẳng hạn, những khóa lễ cầu siêu lớn có thể kể đến như: đại lễ cầu siêu cho người tử vong bởi tai nạn giao thông tại đền Trình (Yên Tử, Quảng Ninh); lễ cầu siêu dành cho các sinh linh bị bỏ rơi tại chùa Từ Quang (Bình Chánh, TP.HCM)… 

Dẫn chứng về sự nhiệm màu của cầu siêu, một nhà ngoại cảm thuật lại, tôi nhớ nhất một kỷ niệm ở Côn Đảo. Khi ấy, đoàn muốn vào nghĩa trang để thắp hương, khấn nguyện. Thế nhưng, không hiểu sao người quản trang một mực không cho đoàn vào bên trong. Thấy lạ, tôi phát tâm tìm câu trả lời. Nhiều vong hồn ở nghĩa trang nói với tôi rằng, “chúng tôi ở đây, quanh năm có người viếng thăm, hương khói nhiều. Còn nhiều anh em, đồng bào ta nằm giữa biển khơi, xin hãy cứu giúp họ trước…”

Đêm hôm đó, chúng tôi lập hương án bên bờ biển cầu siêu, Một cảnh tượng lạ lùng diễn ra. Tụng kinh đến đâu, những vệt màu lạ càng bay đến đó. Không khí hoan vui lạ thường. Hôm sau, chúng tôi vào lại nghĩa trang, ông quản trang hoàn toàn không nhớ chuyện xảy ra trước đó. Dường như, có vong hồn liệt sỹ nhập vào, bắt ông phải làm như vậy. Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, trong cuộc sống, sự linh diệu và phổ biến của nghi lễ cầu siêu ít nhiều đã được ấn chứng. 

Tuy nhiên, không ít ý kiến trái chiều cho rằng, trong thuyết lý nhà Phật nổi bật lên “nhân – quả” tuần hoàn. Người sau khi chết, tùy thuộc theo thiện duyên, ác quả trong tháng ngày tồn tại ở dương thế mà hoàn trả, siêu thoát. Nếu là như vậy, lễ cầu siêu bạt độ có thực sự cần thiết? Sau khi cầu siêu, vong linh người đã khuất có thực sự giải thoát hay chỉ là chấp niệm dối gạt của những người đang sống?

Liên quan đến câu chuyện này, trong buổi thuyết giảng tại Chùa Kim Linh (Thị trấn Chợ Gạo, Tiền Giang) Đại đức Thích Thiện Tâm cũng đề cập và đưa ra nhiều tầng nghĩa giảng giải. 

Cụ thể, theo Đại đức việc cúng cầu siêu hay cúng giỗ chạp với vong linh người đã khuất nhằm thể hiện tinh thần nhớ thương, nghĩ tưởng đến người đã hóa vãng. Nói cách khác, khi bày biện thức ăn, lập đàn tràng để siêu, cúng là người trên dương thế đang bày tỏ tình yêu thương với người đã khuất. Khi khấn nguyện, các vong linh đó sẽ cảm nhận được tình thương, cảm nhận được tấm lòng của người cúng với họ. Họ vui, họ hoan hỉ, buông bỏ những cái gì còn vướng mắc. 

Theo tra cứu của người viết, chuyện lý giải căn nguyên vì sao lại sản sinh ra lễ cầu siêu hiện có không ít ý kiến trái ngược. Tuy nhiên, có một điểm chung là khi nhập định, làm lễ cầu siêu người tham gia phải có tâm thành kính. 

Nói cách khác, tình thương đó phải chân thành, biết đau xót và rung cảm trước cảnh khổ đau của người đã qua đời. Loại tình cảm này, nếu hình tượng hóa có thể dễ dàng tìm thấy được qua các câu chuyện Thánh giả cứu độ vong nhân. Chẳng hạn, những giọt nước mắt của ngài Mục Kiền Liên khóc thương mẹ đến cầu Phật chỉ dạy pháp cứu độ. Giọt nước mắt của Quang Mục và Thánh nữ Bà la môn trong kinh Địa Tạng khóc thương mẹ, phát tâm Bồ-đề, nguyện thành Phật độ chúng sinh... 

Cần phải khẳng định, trong kinh điển Đức Phật ngoài lập đàn siêu độ còn dạy không ít hình thức siêu độ khác. Chẳng hạn, việc phát tâm tu học cũng là phương thức siêu độ vong linh có hiệu quả. Niệm Phật và tụng kinh cầu nguyện là đem tâm Phật để điều phục tâm mình. Đem tình thương của Phật để chia sẻ cho muôn loài. Trong giáo lý Mật tông và Tịnh độ cũng khuyên các hành giả cần tích cực tu niệm Phật, trì chú, tụng kinh để hồi hướng siêu độ cho người âm được siêu thoát. 

 

Hãy buông bỏ để cười

Như vậy, song hành với việc thực hiện các nghi lễ siêu độ vong linh còn có nhiều phương pháp tu học khác để cứu độ vong linh thoát khỏi cảnh giới khổ đau. Theo kiến giải của Đại đức Thích Thiện Tâm, kết quả cầu siêu hoàn toàn phụ thuộc vào tâm linh và phương thức siêu độ. 

Cảnh giới siêu thoát lý tưởng là niệm Phật nguyện cho vong nhân sớm thoát về Cực lạc. Và tâm phiền não tham sân si là nguyên nhân chính đưa đến sự đọa lạc vào các cảnh giới khổ đau. Cho nên ý nghĩa siêu độ xuất phát hoàn toàn từ nơi tâm. Nói cách khác, vì tâm là chủ thể của mọi hiện tượng, bao gồm cả hiện tượng sống chết, luân hồi và giải thoát… cho nên cầu siêu là đem tâm thanh tịnh, tâm thành kính, tâm từ bi cứu khổ để siêu độ cho vong linh.

Trên bình diện kiến giải khác, Tu sỹ Thích Đức Trí cho rằng, ý nghĩa sống - chết cũng có ràng buộc liên quan đến cầu siêu. Theo đó, thế gian quan niệm rằng, “âm dương đồng nhất lý”. Lý ở đây là nguyên lý nhân quả, đời sống chúng sinh chính là nghiệp quả của họ đã tạo ra. Cho nên, cõi nào còn có sinh, già, bệnh, chết thì còn có khổ đau. Cõi âm hay cõi dương cũng tương tự như vậy. 

Về quan điểm này, ở Kinh Trường bộ, do HT.Thích Minh Châu dịch có dẫn: Đức Phật dạy “vô thỉ luân hồi, này các Tỳ-kheo, không dễ gì tìm thấy một chúng sinh trong một thời gian dài lại không một lần nào làm mẹ làm cha”. Theo ý này thì bản thân mỗi cá thể và người đã qua đời vẫn luôn tồn tại mối quan hệ. Sống và chết chỉ là tạm gọi, vì thực chất sống hay chết đều đang chuyển biến. Chấm dứt thân thể vật lý này gọi là chết, tâm thức đang đi vào một thế giới mới. Khổ đau hay hạnh phúc thì do nghiệp quyết định, tất cả chúng sinh là sản phẩm của nghiệp. Nghiệp do tâm tạo, chuyển nghiệp cũng từ tâm mà chuyển. Do vậy ý nghĩa siêu độ, cứu giúp người âm thoát khỏi khổ đau có hiệu quả hay không là do tâm lượng con người quyết định. 

Trong Phật giáo, các từ ngữ “cầu nguyện”, “cầu xin” hay “ước nguyện” được hiểu đồng nghĩa với thuật ngữ “pràrthanà” (Sanskrit) hay “patthanà” (Pali). Pràrthanà bắt nguồn từ gốc “pra + arth” có nghĩa là ước nguyện, ước muốn, mong cầu, cầu xin. Cầu siêu là nguyện vọng hay ước muốn một người nào đó được siêu thoát về thế giới chư Phật. Do đó, chữ “cầu siêu” có thể là hình thức viết ngắn của từ “cầu siêu độ” là nguyện vọng và ước muốn nhắm tới chủ yếu là người quá cố. 

Theo đạo Phật, không ai có thể siêu độ cho ai. Không ai có thể giải thoát cho ai. Sự cầu nguyện chỉ mang tính cách biểu tượng, thể hiện tấm lòng thương kính và biết ân đối với người quá cố. Và quan trọng hơn, trên phương diện khác nghi lễ này nhằm mục đích nhắc nhở cho người quá cố biết về quy luật sinh tử mà không còn quyến luyến thế gian. Từ đó, họ có thể dễ dàng ra đi hay tái sinh.

Đọc thêm