Được xác định là lễ hội của người trồng trà và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trà trên địa bàn toàn tỉnh, do đó, dù không gian chính Lễ hội Văn hóa Trà lần 3 là tại thành phố Bảo Lộc nhưng các địa phương khác như Đà Lạt, Bảo Lâm, Di Linh cũng hưởng ứng lễ hội rất nhiệt tình bằng nhiều chương trình thiết thực. Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm:
Thu hoạch trà ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm. |
Huyện Bảo Lâm đã triển khai và tham gia vào 9 nội dung chương trình của lễ hội. Ngoài cờ, băng rôn tuyên truyền của Ban tổ chức thì huyện cũng đã chủ động cho in ấn thêm các băng rôn, cờ đuôi nheo để trang trí thêm trên tuyến quốc lộ 20 qua xã Lộc An, và thị trấn Lộc Thắng. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho tất cả các UBND xã, thị trấn làm công tác tuyên truyền tại đơn vị mình để hướng về Lễ hội Văn hóa Trà. Huyện cũng đã và đang vận động các doanh nghiệp thực hiện 5 xe hoa để tham gia dễu hành đường phố.
Các sản phẩm trà Tâm Châu – Bảo Lộc. Ảnh: Bình Nguyên |
Về chương trình tôn vinh người làm trà, chúng tôi đã thống nhất sẽ tổ chức kết hợp với đêm văn nghệ của Công ty TNHH Trà, cà phê Tâm Châu tại trạm dừng chân Lộc An. Chúng tôi cũng đã bình xét xong danh sách những người sẽ được tôn vinh và trao Kỷ niệm chương “vì sự phát triển của ngành trà”. Ngoài ra, đối với các chương trình khác như hội thi hái trà, hội thảo khoa học, hội thi giọng hát hay và bóng đá mini, huyện cũng đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ để tham gia hưởng ứng. Tuy nhiên, đối với Chương trình tôn vinh người làm trà, do diễn ra song song tại 3 địa bàn Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh nên Ban tổ chức cũng cần thống nhất số lượng, chương trình, kịch bản chung để các địa phương làm đồng bộ. Bà Đặng Thị Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh: UBND huyện Di Linh đã họp triển khai các chương trình hưởng ứng Lễ hội Văn hóa Trà và thành lập một tiểu ban tổ chức tại huyện. Tại huyện Di Linh sẽ có một chương trình chính là tôn vinh người làm trà và các chương trình hưởng ứng là hội thi hái trà và tổ chức vòng sơ khảo, chung khảo giọng hát hay xứ trà. Đến nay, chúng tôi đã triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều pano, khẩu hiệu. Ngoài ra, cũng đã chỉ đạo để chỉnh trang đô thị và đảm bảo vệ sinh môi trường chuẩn bị cho lễ hội. Chúng tôi cũng đã họp với các doanh nghiệp và giao cho các doanh nghiệp có kế hoạch tuyên truyền về lễ hội trà, quảng bá hình ảnh người làm trà tiêu biểu trên toàn địa bàn. Đối với việc tôn vinh người làm trà, chúng tôi đã tiến hành bình bầu trong 4 doanh nghiệp làm trà và 5 xã có trồng trà trên địa bàn và chọn ra 15 người tiêu biểu để tôn vinh. Ông Trần Đình Văn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt: Thành phố Đà Lạt tham gia 6 chương trình để hưởng ứng Lễ hội Văn hóa trà. Đó là lễ tôn vinh người làm trà, phố trà mến khách sẽ diễn ra tại trung tâm thành phố. hiện chúng tôi đã vận động được Công ty HaiYih, và một số doanh nghiệp khác để tham gia triển lãm ngành trà. Đối với Chương trình dễu hành đường phố, chúng tôi có 2 hoạt động là 5 xe hoa theo yêu cầu của Ban tổ chức và huy động từ 12 đến 16 xe cổ động của các doanh nghiệp trà khác trên địa bàn để dễu hành quanh thành phố Đà Lạt và tham gia ngày khai mạc phố trà mến khách và tôn vinh người làm trà. Chương trình tham quan vùng nguyên liệu trà đã được công ty HaiYih, Cầu Đất xây dựng kịch bản và lộ trình, chủ yếu tại xã Xuân Trường và Trạm Hành. Đối với Hội thi hái trà, Công ty HaiYih cũng đã tài trợ và chọn lựa các đội dự thi với khoảng 150 thì sinh tham gia. Chương trình phố trà mến khách cũng đã được các doanh nghiệp trà trên địa bàn thành phố và khoảng 15 doanh nghiệp trà thảo mộc đăng ký tham gia. Dự kiến chương trình sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 28/12 và có khoảng 25 gian hàng trưng bày trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Hữu Sang (lược ghi)