Libya 5 năm sau chính biến lịch sử: Dần tắt hy vọng...

(PLO) - Ngày 20/10/2011, Tổng thống Libya Muammar Gaddafi đã bị lực lượng nổi dậy phát hiện và bắn chết tại một địa điểm ở thành phố Syrte. Theo báo Pháp “Le Figaro”, 5 năm sau, thành phố này đã rơi vào tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong khi một bộ phận người dân Libya đang phải chống chọi với tình trạng hỗn loạn... 
Những gì còn lại ở thành phố Syrte của Libya chỉ là những đống đổ nát
Những gì còn lại ở thành phố Syrte của Libya chỉ là những đống đổ nát

Câu chuyện trớ trêu tại Libya khi một bộ phận người dân hiện đang phải sống rất tồi tệ so với cách đây 5 năm. Về mặt kinh tế, các cuộc xung đột chính trị và quân sự tại Libya kể từ sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi hồi năm 2011 đã ngăn cản Libya khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn và đẩy nền kinh tế quốc gia Bắc Phi này tới bờ vực sụp đổ. 

Tan vỡ giấc mơ...

Kể từ khi chế độ Gaddafi sụp đổ năm 2011, người dân Libya luôn mơ tới một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng giờ đây, sự mong đợi của họ “khiêm tốn” hơn nhiều, đó là được sống trong an toàn, có điện, nhiên liệu, lương và con cái được đến trường học.

Mỗi buổi sáng, hàng đoàn người xếp hàng đợi trước các ngân hàng để rút tiền, nhưng các ngân hàng lại không có khả năng cung cấp tiền mặt cho người dân. Ngoài ra, người dân Libya cũng phải đối mặt với giá tăng cao chưa từng thấy. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sức mua tại Libya đã bị giảm mạnh do giá lương thực tăng tới 31% trong nửa đầu năm nay. 

Sau 42 năm tại vị, ông Gaddafi để lại một hệ thống hạ tầng cũ kỹ, một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ và lực lượng nhân công yếu kém, không có tay nghề. Mới đây, WB đã cảnh báo nền kinh tế nước này đang sụp đổ, đưa ra một bản tổng kết bi quan về những chỉ số kinh tế của Libya. Trung tâm của sự sụp đổ đó chính là “vàng đen”, vốn đem lại cho Libya hơn 95% nguồn thu, nhưng việc sản xuất dầu mỏ hiện bị rối loạn bởi các cuộc xung đột vũ trang. Các mỏ dầu chỉ hoạt động được 1/4 công suất, tương ứng với 335.000 thùng dầu/ngày trong sáu tháng đầu năm nay.

Theo WB, sản lượng sụt giảm cùng với giá dầu lao dốc từ năm 2014 đã làm cho nền kinh tế Libya rơi vào suy thoái từ năm 2013 và WB cũng dự báo thâm hụt ngân sách của nước này sẽ đạt mức cao kỷ lục. WB cho biết thêm doanh thu từ ngành dầu mỏ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục khoảng 2,25 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1-7/2016. 

Mất thanh khoản

Trước khi xảy ra cuộc chính biến năm 2011, nguồn thu từ dầu thô của Libya đạt 50 tỷ USD/năm, với sản lượng 1,6 triệu thùng dầu/ngày. Gần như rơi xuống con số 0 vào năm 2011, sản lượng dầu trở lại được mức như trước chỉ trong vài tháng rồi lại bắt đầu rơi xuống từ năm 2013 do giao tranh tại khu vực các cảng dầu ở vùng Đông Bắc nước này.

Khi quân chính phủ giành lại được các mỏ dầu hồi,  sự yên bình đã quay trở lại, tạo điều kiện để Libya khôi phục xuất khẩu dầu. Nhưng để bù đắp thiếu hụt ngân sách, chính quyền Libya đang sử dụng cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối hiện chỉ còn 43 tỷ USD, trong khi con số này từng đạt 107,6 tỷ USD hồi năm 2013. 

Hạn chế trao đổi và đầu cơ ngoại tệ khiến nền kinh tế Libya rơi vào vòng luẩn quẩn, làm cho khu vực chợ đen phát triển. Người Libya không còn tin vào các ngân hàng và hầu hết các giao dịch thương mại đều diễn ra tại chợ đen. Siêu thị trống rỗng và người kinh doanh hạn chế nhập khẩu do lo mất vốn. Dự báo, tình hình sẽ còn trầm trọng thêm nếu Libya không sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề thanh khoản. 

Ám ảnh IS

Về mặt chính trị, sự sụp đổ của thành phố Syrte đã đánh dấu kết thúc cuộc “cách mạng” Libya nổ ra từ cách đó tám tháng. Thành phố này là quê hương của Tổng thống Gaddafi và đã bị phá hủy trong các cuộc giao tranh khốc liệt giữa hai bên trong cuộc nổi dậy. Sau đó, do bị cô lập với bên ngoài vì có các sa mạc bao quanh, bị bỏ rơi trong chế độ mới hậu “cách mạng”, người dân tại đây đã trở thành mục tiêu thu hút của các lực lượng Hồi giáo cực đoan, trong đó có IS, đến từ Syria, Iraq và chiếm đóng thành phố từ tháng 6/2015.

Trước khi bị săn đuổi, Tổng thống Gaddafi đã mở cửa hết các nhà tù và trao 20 triệu vũ khí vào tay người dân. Những tên tội phạm, trộm cắp quay sang mang quân phục, không ít chiến binh thuộc các đơn vị nổi lên chống lại Tổng thống Gaddafi đã chuyển sang thành lập các băng côn đồ, vũ trang bằng súng AK, phóng lựu, súng trường tự động và nhiều khi có cả xe tăng. 

5 năm trôi qua, người dân Libya đang mất dần hy vọng khi đất nước vẫn phải đối mặt với xung đột, chia rẽ, bạo loạn và nền kinh tế trì trệ...