Libya có tân thủ tướng lâm thời

Ông Abdel Rahim el-Keeb, một giáo sư đại học, tối 31/10, được bầu làm Thủ tướng của Chính phủ chuyển tiếp Libya. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi chính quyền lâm thời Libya ngăn chặn việc phổ biến vũ khí trong các kho vũ khí lớn có từ thời Đại tá Gaddafi.

Tối 31/10, ông Abdel Rahim el-Keeb, một giảng viên đại học, tối 31/10, được bầu làm Thủ tướng của Chính phủ chuyển tiếp Libya. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi chính quyền lâm thời Libya ngăn chặn việc phổ biến vũ khí trong các kho vũ khí lớn có từ thời Đại tá Gaddafi.

Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil chúc mừng tân Thủ tướng Abdel Rahim el-Keeb (trái). Ảnh: AFP

Libya cần thời gian

Ông Abdel Rahim el-Keeb, người gốc Tripoli, đã được bầu làm Thủ tướng mới của Libya trong số 5 ứng cử viên sau khi nhận được 26 trong tổng số 51 phiếu tại Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC). “Cuộc bỏ phiếu chứng minh rằng người Libya có khả năng xây dựng tương lai của mình”, Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil nhấn mạnh.

Ông el-Keeb được bầu làm thủ tướng lâm thời thay thế ông Mahmoud Jibril và chính thức trở thành người đứng đầu ban điều hành NTC sau khi lực lượng chính phủ mới giành quyền kiểm soát toàn bộ Libya. Ông Mahmoud Jibril, sinh năm 1952, được chỉ định làm chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế và đã là lãnh đạo cao nhất của ban điều hành NTC kể từ khi cơ quan này được thành lập.

Tại cuộc họp báo đầu tiên, ông el-Keeb tuyên bố muốn “xây dựng một quốc gia tôn trọng quyền con người và không chấp nhận các vụ vi phạm quyền con người”. “Tuy nhiên chúng tôi cần phải có thời gian”, ông nói. Tân Thủ tướng Libya cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các chiến sĩ “cách mạng” đã giải phóng đất nước, đồng thời nói thêm rằng việc giải tán lực lượng tự vệ có vũ trang sẽ được giải quyết “trong sự tôn trọng”.

Theo lộ trình mà NTC đưa ra, ông el-Keeb phải thành lập một chính phủ lâm thời chậm nhất một tháng sau tuyên bố chính thức giải phóng đất nước vào ngày 23/10. Các cuộc bầu cử quốc gia phải diễn ra song song trong thời hạn tối đa 8 tháng tới.

LHQ lo ngại kho vũ khí khổng lồ  

Hôm 31/10, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) bày tỏ lo ngại về kho vũ khí lớn được xây dựng ở Libya dưới thời Đại tá Muammar Gaddafi có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố Hồi giáo và gây ra tình trạng bạo lực khắp vùng Sahel châu Phi. Vì vậy, HĐBA đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 2017 kêu gọi chính quyền lâm thời Libya cùng các nước láng giềng ngăn chặn việc phổ biến vũ khí trong kho chứa này, đặc biệt là các tên lửa đất đối không tầm ngắn. 

Nghị quyết nói trên do Nga soạn thảo yêu cầu chính phủ lâm thời Libya thực hiện mọi hành động cần thiết để ngăn chặn việc phổ biến vũ khí trên và yêu cầu nước này tôn trọng các cam kết quốc tế dưới thời ông Gaddafi về việc phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học. Nghị quyết cũng kêu gọi chính quyền lâm thời Libya hợp tác với Tổ chức cấm vũ khí hóa học để phá hủy số vũ khí này.

Theo một nguồn tin phương Tây, nghị quyết trên của HĐBA LHQ là một bước tiến tới việc hợp tác quốc tế nhằm chống nguy cơ tái diễn tình trạng phổ biến vũ khí trong khu vực, đặc biệt ở Sahel. Kể từ sau cái chết của Đại tá Gaddafi ngày 20/10, chính phủ chuyển tiếp ở Libya đã phát hiện hai kho vũ khí hóa học ở nước này.

Mới đây, Đặc phái viên của LHQ về Libya Ian Martin tuyên bố trước HĐBA rằng các thanh sát viên quốc tế sẽ tới thăm hàng trăm địa điểm bị nghi ngờ cất giấu vũ khí ở Libya, đồng thời cho biết đến nay vẫn còn rất nhiều kho vũ khí, đạn dược ở Libya và các tên lửa vác vai có thể đã bị lấy cắp từ những kho vũ khí này.

NATO xong sứ mệnh tại Libya

Trong một diễn biến liên quan, đêm 31/10, Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức kết thúc sứ mệnh quân sự của mình tại Libay. Theo đúng kế hoạch, sau 22 giờ vùng cấm bay tại Libya đã chính thức được bãi bỏ, các máy bay thương mại có thể cất cánh và hạ cánh tại các sân bay ở Libya.

Nhân dịp này, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã có chuyến thăm bất ngờ tới Libya. Đây cũng là chuyến thăm Libya đầu tiên của một Tổng Thư ký NATO. “Một chương trong lịch sử của NATO sẽ hoàn thành. Nhưng các bạn phải bắt đầu viết một chương mới trong lịch sử Libya”, ông Rasmussen tuyên bố trong một cuộc họp báo chung với ông Abdel Jalil.

NTC trước đó đã đề nghị NATO duy trì sự hiện diện của mình ở Libya ít nhất “cho tới cuối năm” và khẳng định ngay cả sau cái chết của ông Muammar Gaddafi, những nhân vật trung thành cuối cùng của ông này vẫn là một mối đe dọa.

Tuy nhiên, NATO cho rằng, tổ chức này đã hoàn thành sứ mệnh của mình vì dân thường Libya đã thoát khỏi các cuộc tấn công sau cái chết của ông Gaddafi và sự sụp đổ của Sirte, quê hương của Gaddafi, hôm 20/10. Nhưng ông Rasmussen cho biết nếu chính quyền mới tại Libya đề nghị, NATO sẵn sàng hỗ trợ họ trong giai đoạn quá độ này, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và cải cách an ninh.

Q.M (theo AFP, BBC)

Đọc thêm