Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Liên Chiểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2005-2010 xác định tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp bình quân hằng năm là 20%. Thế nhưng đến cuối nhiệm kỳ, kết quả đạt được vượt hẳn con số trông đợi, bình quân mỗi năm tăng trưởng 47,4%, gấp đôi mức đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ, đưa Liên Chiểu trở thành quận có tốc độ tăng trưởng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đứng hàng đầu ở Đà Nẵng. Với kết quả này, quận Liên Chiểu đã chứng tỏ sức mạnh của mình trong tiến trình phát triển kinh tế chung của Đà Nẵng và khẳng định: Mục tiêu trở thành một đô thị công nghiệp hiện đại phía Tây Bắc thành phố là hoàn toàn có thể làm được.
Thành tựu trong phát triển kinh tế đã mang lại nhiều nguồn lợi, giúp quận Liên Chiểu thực hiện được nhiều mục tiêu chính trị, xã hội đã đề ra trong 5 năm 2005-2010. Mặc dù vậy, đằng sau con số ấn tượng đó là cả một quá trình gian nan, đầy thử thách đối với Đảng bộ, chính quyền quận khi lãnh đạo, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn nhớ, sau cơn bão số 6 năm 2006, hàng loạt nhà máy tại các khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu bị tàn phá, buộc phải đóng cửa, ngưng sản xuất kinh doanh. Tiếp sau đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho các nhà máy công nghiệp điêu đứng vì mất thị trường, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng đột biến…
Khó khăn chồng chất nhưng không vì vậy mà Đảng bộ, chính quyền quận chùn bước trên con đường khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, lấy lại thế mạnh phát triển của địa phương. Cùng với những chính sách ưu đãi của thành phố, quận Liên Chiểu đã tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, ưu tiên việc đầu tư những sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế mà đến năm 2010, mức tăng trưởng bình quân hằng năm giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vượt gấp đôi con số đã đề ra từ năm 2005.
Một trong những lợi thế giúp quận Liên Chiểu tự tin phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chính là nguồn nhân lực. Nơi đây, tập trung nhiều trường đại học chất lượng cao của thành phố, trong đó, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng là lò đào tạo nhân lực trình độ cao, đóng góp hiệu quả vào việc cung cấp lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn quận và cả thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, việc tận dụng và khai thác nguồn nhân lực tại chỗ là yếu tố tăng năng lực cạnh tranh của các địa phương trong thu hút đầu tư. Điều đáng quan tâm là làm sao giữ chân những nhân lực đã đào tạo và thu hút họ vào làm việc trong các nhà máy, các xưởng sản xuất. Qua đó, khẳng định với các nhà đầu tư rằng, không chỉ giao mặt bằng sản xuất mà quận Liên Chiểu còn cung cấp được nguồn nhân lực tại chỗ, chất lượng tốt để doanh nghiệp sử dụng trong suốt thời gian đầu tư kinh doanh trên địa bàn quận.
Đạt mục tiêu trở thành đô thị công nghiệp là một quá trình gian nan nhưng làm thế nào để cân bằng giữa phát triển, tăng trưởng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với việc bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng sống tốt cho người dân mới thực sự là thách thức lớn đối với Đảng bộ, chính quyền quận Liên Chiểu. Có những giải pháp nằm ngoài khả năng thực hiện của quận, phải viện đến sự trợ giúp của chính quyền thành phố, chẳng hạn như việc xử lý ô nhiễm môi trường do các nhà máy gây ra.
Vì vậy, một khi tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền quận và các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố thì việc giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sẽ hiệu quả hơn. Với những nguồn lực và lợi thế sẵn có, Đảng bộ và chính quyền quận Liên Chiểu quyết tâm tận dụng triệt để nhằm tạo nên sức bật mới trong phát triển kinh tế, khẳng định thế mạnh của một đô thị công nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sống của nhân dân, đóng góp hiệu quả vào sự tăng trưởng bền vững của thành phố Đà Nẵng.
Hà An