"Liều mạng" cứu người

Hai người đàn ông đều là trụ cột gia đình, phải vất vả mưu sinh nhưng khi tính mạng người khác bị đe dọa, họ lao vào cứu, dù biết mình có thể chết thay. Họ là minh chứng cho tình yêu thương, lòng nhân đạo, tinh thần dũng cảm trường tồn của người Việt... 

Hai người đàn ông đều là trụ cột gia đình, phải vất vả mưu sinh nhưng khi tính mạng người khác bị đe dọa, họ lao vào cứu, dù biết mình có thể chết thay. Họ là minh chứng cho tình yêu thương, lòng nhân đạo, tinh thần dũng cảm trường tồn của người Việt... 

"Thiên thần" trong lũ dữ

Ngày 29/9/2009, cơn bão số 9 đã đổ bộ trực tiếp vào miền Trung và Tây Nguyên, nơi chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề nhất là địa bàn tỉnh Kon Tum, trong đó có khu vực phường Lê Lợi nằm ven sông Đăkbla. Chỉ trong ít giờ hoành hành, cơn bão lũ đã nhấn chìm, cuốn trôi, làm tốc mái hàng trăm ngôi nhà và khiến nhiều người mất tích.

Hệ thống thông tin liên lạc, điện, đường, trụ sở UBND phường Lê Lợi chìm sâu trong nước, công tác cứu hộ, cứu nạn đều bị tê liệt hoàn toàn, không có phương tiện kỹ thuật chuyên dụng để ứng cứu. Người dân bị mắc kẹt, cô lập trong nước lũ, tiếng la, tiếng khóc vọng lên từ những căn nhà, trên những ngọn cây và tiếng gầm của nước lũ tạo lên một âm thanh rùng rợn và hỗn độn...

Anh Ngụy Đình Phúc nghe thấy mà lòng như xát muối. Phường Lê Lợi bị cô lập với TP.Kon Tum nên rất khó khăn trong công tác ứng phó, ứng cứu chỉ đạo, điều hành từ Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão TP.Kon Tum. Rồi màn đêm buông xuống, cũng là lúc công tác cứu hộ cứu nạn bị hạn chế và tê liệt, nhưng những tiếng khóc, tiếng gọi vẫn văng vẳng...

Anh Ngụy Đình Phúc

“Mình phải tiếp tục đi cứu người!”, anh Phúc quyết định. Anh mang theo hai chiếc áo phao cứu sinh, dây dừa, đèn pin, điện thoại di động được gói trong bao ni lông để chống thấm nước rồi băng mình vào dòng nước lũ. Anh đã cứu 5 người dân thoát khỏi nguồn nước chảy xiết. Nhưng vẫn còn tiếng gọi của một người đàn bà lẫn tiếng thút thít khóc của con trẻ.

Thấm mệt nhưng anh quyết định lao vào dòng nước xiết lần thứ ba trong đêm tối. Không may, lần này dòng nước lũ đã giật đứt tung sợi dây thừng và cuốn trôi anh Phúc theo dòng nước, đồng thời cướp đi mạng sống của hai mẹ con người phụ nữ.

Chới với, vật lộn trong dòng nước lạnh buốt hơn 3 giờ, đã có lúc anh Phúc nghĩ đến chuyện buông tay, nhưng sau cùng anh vẫn bình tĩnh, tự tin xử lý tình huống để tự cứu mình, đồng thời thông tin báo động cho lực lượng cứu hộ thả dây xuống. Anh Ngụy Đình Phúc đã thoát chết trở về an toàn trong vòng tay xúc động của mọi người...

Câu chuyện cứu người của ông Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi, TP.Kon Tum như tiếng lành đồn xa. Ai gặp anh cũng nói lời tri ân dù rằng họ không phải và không có thân nhân trong số 11 người dân đã được cứu thoát chết trong gang tấc hôm ấy. Nhưng anh chỉ cười...

Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê sông nước tỉnh Bình Định, nơi mà hàng năm phải hứng chịu những trận lũ lụt triền miên và những cơn giận của thủy triều từ biển vào, nên môi trường ấy đã luyện cho anh Phúc biết bơi ngay từ thủa nhỏ. Năm 1982, anh theo cha mẹ lên vùng đất Tây Nguyên - TP.Kon Tum định cư và lập nghiệp, đây trở thành quê hương thứ hai của anh.

Việc tham gia vào lực lượng dân quân đã rèn luyện cho anh bản lĩnh vững vàng, nhanh nhẹn, dũng cảm, tháo vát trong mọi tình huống, bên cạnh đó môi trường công tác Đoàn thanh niên đã giúp anh có niềm tin yêu cuộc sống, sống có lý tưởng ước mơ, hoài bão, sống có ích cho xã hội.

Từ những kinh nghiệm và phấn đấu năng nổ ấy, năm 2007 anh Phúc được phân công giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi, Trưởng Ban phòng, chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai phường Lê Lợi. Ở cương vị nhiệm vụ mới này, trách nhiệm đối với nhân dân, sự phát triển của địa bàn là mục tiêu được anh đặt lên hàng đầu.

Lũ tan nhưng lũ để lại bao cảnh đổ nát điêu tàn và những gương mặt thẫn thờ nhìn tài sản, nhà của của mình bị cuốn trôi theo dòng nước. Có lẽ chưa có lúc nào mà tình cảm con người với con người sâu nặng như lúc này, mọi người giúp nhau dọn dẹp lại nhà cửa, khôi phục lại cuộc sống.

Ngoài số tiền và vật chất giá trị 15 triệu đồng để chia sẻ những khó khăn với dân, anh Phúc đã lặn lội đi vận động các tấm lòng hảo tâm để xây dựng được 5 căn nhà mới và mấy trăm triệu đồng để giúp người dân tái thiết cuộc sống.

Chứng kiến việc làm của anh Ngụy Đình Phúc, có người đã gọi anh là “thiên thần trong lũ dữ” với “đôi cánh” của lòng tốt và trách nhiệm với đồng bào. Và, chiếc Huân chương dũng cảm cao quý do Chủ tịch nước trao tặng đã đến với anh như một phần thưởng, lời động viên để anh luôn xứng đáng niềm tin yêu của nhân dân, giữ trọn phẩm chất người cán bộ trong thời đại mới.

“Tôi sẽ không bằng một gã ăn mày nếu nhận 50.000 đô la”  

Gặp người đàn ông dáng gầy gò, nhỏ thó trông xe ở cổng Bệnh viện Nhi Trung ương (phố Đê La Thành, Hà Nội) và làm thêm nghề xe ôm để nuôi hai đứa con đang ăn học ít người nghĩ rằng chính anh là người đã thốt lên câu chối từ đầy cảm khái đó, vì đối với những người vất vả như anh, 50.000 đô la (USD) là cả một gia tài để đổi đời. Trong câu chuyện với tôi, anh không bao giờ tự nhận mình là người có lòng tốt, lòng nhân ái bao la, mà đơn giản anh chỉ làm những gì trái tim anh mách bảo.

Anh là Vũ Quốc Tuấn, quê xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Sa trong một gia đình nông dân nghèo, anh Tuấn bẩm sinh bị dị tật cánh tay phải và thể trạng ốm yếu. Bố mất từ khi còn nhỏ dại, anh trở thành trụ cột gia đình giúp mẹ nuôi nấng và chăm sóc các em.

Anh Vũ Quốc Tuấn với vết thương bị trâu húc.

Lần ấy, có việc phải đi Tuyên Quang, khi dừng chân nghỉ ven sông Lô, anh chứng kiến một đứa trẻ đứng giữa hai con trâu sắp lao vào húc nhau. Anh đã đã lao nhanh vào bế đứa trẻ thoát nạn đúng lúc hai cặp sừng nhọn hoắt sắp chạm nhau với sức mạnh ghê người. Em bé lành lặn, còn anh bị trâu húc gẫy mấy chiếc xương sườn.

Vết đau mãi không lành, năm 2007, anh xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để chữa trị. Tại đây, khi biết tin một bé gái khi đang phẫu thuật thì bị hết máu, anh đã quyết định cứu người bằng cách tặng 500ml máu trong cơ thể mình cho cháu bé. Dù anh không yêu cầu trả ơn nhưng gia đình cháu bé đã xin cho anh trông xe tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tháng 3/2008, anh khăn gói xuống Hà Nội và được nhận vào làm việc tại đây. Ở bệnh viện này, anh lại cứu sống một cô gái bằng một quả thận của mình, chỉ vì một lý do rất đơn giản: "Nếu tôi không làm như thế, cháu bé sẽ chết”.

Trông xe ở bệnh viện, hàng ngày anh Tuấn thường thấy hai mẹ con chị Thanh, cháu Hà ở quận Gia Lâm dắt xe đạp đi liêu xiêu vào Bệnh viện Nhi để lọc thận. Hà cũng chỉ chạc tuổi con gái anh, hình ảnh cô bé tội nghiệp cứ ám ảnh anh mãi...

Để tìm hiểu rõ gia cảnh nhà chị Thanh, anh bắt xe ôm sang tận nhà chị. Chồng chị là thương binh, bị hỏng một mắt, sức yếu, chị bị bệnh hen, chạy ăn từng bữa... Khi tận mắt chứng kiến hoàn cảnh túng bấn của gia đình này, lòng anh càng trĩu nặng tình thương và anh quyết định tặng cho cô bé một quả thận của mình.

Khi anh nói ý định của mình với Bác sỹ Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện Nhi, bác sỹ Liêm đã nhìn anh thật lâu rồi hỏi: “Anh đã nghĩ kỹ chưa?”, vì việc hiến thận không hề đơn giản, phải trải qua quá trình xét nghiệm và theo dõi hết sức phức tạp, phải có chỉ số tương thích với cơ thể cháu Hà thì việc ghép thận mới thành công. Nhưng ý anh đã quyết.

Kể từ đó anh Tuấn đã trải qua 68 lần xét nghiệm cũng là 68 “cửa ải” vất vả, phiền toái và nhiều khi đau đớn tột cùng về thể xác. Trong những “cửa ải” anh Tuấn đã từng qua, có hai lần đáng nhớ nhất. Đó là khi bác sỹ tâm lý đến gặp anh để hỏi han, trò chuyện. Họ muốn kiểm tra xem người đàn ông này có vấn đề gì về thần kinh không, ý tưởng hiến thận có thực sự nghiêm túc hay chỉ “nói cho vui”.

Nhưng cả ba lần kiểm tra tâm lý thì cả ba lần bác sỹ đã ra về trong tâm trạng vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Một “cửa ải” đáng nhớ nữa là khi một gia đình giàu có ở Hải Phòng biết anh đang tìm cách hiến thận, họ liền tìm đến anh với một đề nghị: Nếu anh đồng ý cho con họ quả thận thì họ sẽ bồi dưỡng 50.000 USD.

Một số tiền quá lớn đối với một nông dân chân lấm tay bùn nhưng anh đã nói với họ rằng: “Người nhà quê chúng tôi, 50.000 đô la là cả một giấc mơ, nhưng nếu tôi nhận số tiền ấy thì tôi thấy mình không bằng một gã ăn mày. Với 50.000 đô la, ông bà đi đâu cũng có thể mua được thận để ghép cho con, chứ gia đình kia không có quả thận của tôi, bé Hà sẽ chết”.

Ngày 20/10/2008, tỉnh dậy sau cơn hôn mê 8 tiếng đồng gồ của ca hiến thận, câu hỏi đầu tiên anh hỏi là sức khỏe cháu Hà thế nào. Anh hết sức vui mừng được biết cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp. Sau khi được ghép thận, sức khỏe của cháu Hà dần phục hồi. Nhưng sức khỏe của anh thì ngày một giảm sút rõ rệt.

Trước đây anh có thể vác 60-70 kg nhưng bây giờ chỉ nâng được vật nặng cỡ 30 kg cũng cảm thấy khó khăn. Tổ tư vấn ghép thận do anh Tuấn thành lập gồm có năm thành viên đều là những người từng hiến thận và nhận thận. Tổ tư vấn này hoạt động hoàn toàn tự nguyện, không có sự tài trợ của bất cứ tổ chức nào. Nhưng với những thành viên của tổ và với riêng anh Tuấn, điều hạnh phúc nhất là được sẻ chia và họ sẽ tiếp tục chia sẻ với những người vẫn đang còn khốn khó...

Xuân Hoa

Đọc thêm