Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM, tăng hình phạt bị cáo Trần Hà Duy (SN 1989, quê Lâm Đồng) từ chung thân lên tử hình về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Trước đó, sau phiên tòa sơ thẩm, Viện KSND TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM xử ngày 27/3 đối với bị cáo Trần Hà Duy (23 tuổi). Theo đó, Viện KSND TP.HCM đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử lại theo hướng tăng án đối với Trần Hà Duy từ mức án chung thân lên tử hình.
Hai bị cáo Hà Duy và Hà Tiên trước vành móng ngựa |
Chị lôi em vào tù
Theo hồ sơ vụ án thể hiện, vào cuối năm 2007, trên chuyến xe đi từ tỉnh Lâm Đồng về TP.HCM, Trần Hà Duy tình cờ quen biết với Francis (quốc tịch Kenya). Francis khoe hiện là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu quần áo, giày dép đóng trên địa bàn TP.HCM. Qua nói chuyện, Duy nhận thấy người đàn ông ngoại quốc này có tính tình cởi mở, lúc này Duy đang cần nâng cao trình độ ngoại ngữ nên đã trao cho nhau số điện thoại để tiện liên lạc với nhau.
Đến tháng 8/2010, Francis điện cho Duy nói rằng, công ty đang rất cần người đi nước ngoài vận chuyển hàng mẫu là quần áo, giày dép. Francis muốn tạo điều kiện để cho cô có thêm thu nhập. Song, do trong khoảng thời gian này Trần Hà Duy bận rộn cho việc học tập nên Duy đã thẳng thừng từ chối đề nghị của Francis.
Chưa từ bỏ ý định “chiêu mộ” Duy, hai tháng sau đó, Francis tiếp tục gọi điện thoại mời Hà Duy đến quán cà phê trên đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh, TP.HCM để uống cà phê, nói chuyện cho vui. Tại đây, Francis tiếp tục đề nghị cô Hà Duy vận chuyển hàng mẫu cho công ty từ Việt Nam tới một số nước với số tiền công từ 500 đến 1.000 USD mỗi chuyến. Trước lời đề nghị hấp dẫn của Francis, cô sinh viên Hà Duy đã đồng ý.
Ngày 21/11/2010, Hà Duy bắt đầu thực hiện phi vụ làm ăn đầu tiên là bay sang Malaysia theo hướng dẫn cụ thể của Francis. Tại Malaysia, Hà Duy được bạn của Francis đưa một cho valy trong có hai đôi dép và mấy cái áo thun rồi yêu cầu vận chuyển sang Indonesia giao cho một người đàn ông, giao xong Hà Duy sẽ quay lại Malaysia để lấy hành lý về Việt Nam.
Với chuyến đi này Duy được Francis trả công 500USD. Ít ngày sau, theo yêu cầu của Francis Hà Duy tiếp tục bay sang Cotonou nhận valy hàng mẫu đem về Việt Nam rồi mang sang Malaysia giao cho bạn của Francis. Chuyến đi này Hà Duy được trả công hậu hĩnh 1.500USD.
Nhận thấy công việc của mình làm cho Francis nhàn hạ, được đi đây đi đó mở rộng kiến thức lại có thu nhập cao, những lần sau đó Duy kéo thêm em gái của mình là Trần Hạ Tiên và cô bạn Huỳnh Ngọc Lợi, cô chị họ Dương Thị Phương Minh cùng tham gia làm ăn với Francis.
Quỵ ngã trước sức hút của tiền, mất cơ hội sống
Đến đầu tháng 7/2011, Hà Duy tiếp tục có chuyến bay sang Cotonou, và được John (bạn Francis) giao cho chiếc valy trong có chứa hơn chục chiếc áo sơ mi nam. Lần này, Hà Duy thấy phía dưới đáy chiếc valy gồ lên nên nghi ngờ, kiểm tra kỹ thì phát hiện một tấm nhựa ở đáy bị cắt. Hà Duy lập tức điện thoại hỏi Francis nhưng anh ta bảo cứ mang về, không có vấn đề gì.
Tin là vậy, nên tối 15/7, Hà Duy bay về tới Việt Nam và đến tìm Francis để truy vấn thì anh ta thẳng thắn cho biết trong các valy Duy vận chuyển đều có chứa ma túy. Quá hoảng sợ trước câu trả lời của Francis, Hà Duy đã thẳng thừng từ chối không tiếp tục công việc nữa thì liền bị Francis đe dọa. Thời điểm này do Trần Hạ Tiên đang ở Cotonou, sợ em gái gặp nguy hiểm, Hà Duy buộc lòng phải làm theo yêu cầu của Francis.
Về phía Trần Hạ Tiên, tại Cotonou cũng phát hiện trong valy có ma túy liền nhắn tin cho Hà Duy biết nhưng vì sợ đồng bọn của Francis khống chế nên Tiên bảo chị không được nói cho Francis biết. Tối 18/7/2011, Hạ Tiên vừa về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM thì bị Chi cục Hải quan sân bay phát hiện trong valy chứa hơn 4kg ma túy tổng hợp.
Ngay hôm sau, công an thu giữ chiếc valy Hà Duy mới mang từ Cotonou về giao cho Lợi và Trần Thanh Hải Thảo chuẩn bị đem sang Campuchia, trong có 3.500 gr ma túy tổng hợp.
Với hành vi phạm tội như trên của các bị cáo, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiếm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị xử Hội đồng xét xử tuyên Hà Duy mức án tử hình và Trần Hạ Tiên (cùng ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, em gái Duy) mức án chung thân. Tuy nhiên, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hà Duy mức án chung thân và Tiên 20 năm tù cùng về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Trong phần nhận định của mình, Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi của Trần Hà Duy là rất nguy hiểm cho xã hội, tuy nhiên trong quá trình điều tra, Hà Duy đã thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi mà mình đã phạm. Hơn nữa, bị cáo Hà Duy chưa có tiền án tiền sự… nên Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Hà Duy mức án chung thân, Tiên 20 năm tù cùng về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Trần Hà Duy đã bị Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt đối với Trần Hà Duy từ mức án chung thân lên tử hình về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, sau khi xem xét hồ sơ vụ án, cũng như diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng: Đối với bị cáo Trần Hà Duy cần thiết phải áp dụng mức hình phạt cao nhất mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội. Chính vì vậy, trong phần tuyên án, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã tuyên phạt loại bỏ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Cơ quan Điều tra chưa xác định được Francis ở đâu nên không xác minh làm rõ được về số lượng và loại ma túy cũng như các đối tượng có liên quan đến vụ án. Các bị cáo trong vụ án này cũng không biết họ tên thật và nơi ở của Francis. Do đó, Cơ quan Điều tra – Bộ Công an không thể tiến hành các hoạt động tương trợ tư pháp để xác minh điều tra, làm rõ được trong vụ án này…
Đăng Đạt