Lo cho thị trường cận Tết

Mặc dù Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) cùng các ngành chức năng trên địa bàn thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm, đặc biệt về giá, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thế nhưng thực tế việc quản lý hàng hóa trong những ngày áp Tết còn nhiều chuyện phải quan tâm.
Mặc dù Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) cùng các ngành chức năng trên địa bàn thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm, đặc biệt về giá, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thế nhưng thực tế việc quản lý hàng hóa trong những ngày áp Tết còn nhiều chuyện phải quan tâm.
Khách đến mua sắm tại các chợ tăng mạnh.
Ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho hay, nắm bắt nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong những ngày Tết, từ nhiều tháng trước, các doanh nghiệp sản xuất, các nhà phân phối, tiểu thương buôn bán tại các chợ trên địa bàn đã có kế hoạch sản xuất, nhập hàng hóa để cung cấp cho thị trường. Hiện nay hàng hóa phục vụ Tết được bày bán ở các chợ, siêu thị (kể cả ở các chợ ở vùng nông thôn) khá dồi dào, với nhiều chủng loại. Tuy nhiên, mối lo ngại của người dân là giá cả hàng hóa và vấn đề chất lượng các sản phẩm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở thời điểm này, phần lớn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ ngày Tết như bánh kẹo, mứt, đường các loại, đậu, bột ngọt, mì ăn liền, trà, gạo, hàng thời trang... đã tăng từ 5-10%; thực phẩm tươi sống, rau quả tăng từ 5-6%. Chị Nguyễn Thị Mỹ, chủ quầy hàng buôn bán thực phẩm, gia vị ở chợ Hòa Khánh cho biết: Giá nhiều mặt hàng thực phẩm, gia vị đang “nhảy múa” từng ngày làm khó cho cả người bán lẫn người mua. “Giá tăng là do nhà sản xuất, nhà phân phối tăng giá”, chị Mỹ giải thích. Cũng theo khảo sát của chúng tôi, tại các quầy hàng ở chợ lớn trên địa bàn, một số nhóm hàng mặc dù đã được niêm yết giá cụ thể, tuy nhiên người mua dường như chẳng ai biết giá đó đúng hay chưa nên để cho “chắc ăn”, cứ phải trả giá, có khi giảm đến 20-30%.
Không chỉ tăng giá ở các chợ, mà ngay cả một số siêu thị trên địa bàn, nhiều mặt hàng cũng bắt đầu tăng giá nhẹ. Giải thích về vấn đề này, các siêu thị đều cho rằng, mặc dù đơn vị đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết từ nhiều tháng trước, nhưng lượng khách đến với siêu thị ngày càng đông, nên đơn vị đang tiếp tục nhập các mặt hàng thiết yếu phục vụ ngày Tết. Hàng đang nhập về trong thời điểm này đều tăng giá nên bán ra cũng phải tăng để bảo đảm chi phí.

Ngoài việc tăng giá, người tiêu dùng cũng lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng lo ngại khi hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường Tết. Được biết trong thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố liên tục mở các chiến dịch cao điểm về tăng cường công tác quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nhiều cơ sở, hộ SXKD không bảo đảm các điều kiện kinh doanh, không đăng ký kinh doanh đối với các mặt hàng rượu, thuốc lá, thực phẩm…

Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục QLTT Đà Nẵng, để kiểm soát tình trạng các hộ kinh doanh lợi dụng “tát nước theo mưa”, tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng trong những ngày cận Tết không phải là chuyện đơn giản, bởi lực lượng QLTT mỏng, trong khi đó hoạt động mua bán diễn ra ở những ngày áp Tết thường tăng mạnh. “Hiện thành phố và Ban Chỉ đạo 127 đã chỉ đạo các ngành liên quan quyết liệt vào cuộc, bảo đảm ổn định thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán, trong đó đặc biệt chú trọng tới hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị dự trữ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết với tổng trị giá hơn 400 tỷ đồng. Trong đó, Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng đã dự trữ được hơn 1,5 tấn thịt gà, hơn 10 tấn thịt heo và một lượng lớn thịt bò để bán trong mấy ngày giáp Tết; hệ thống Big C đã chuẩn bị khoảng 100 tấn thịt nguội eBon, được sản xuất theo chuẩn HACCP, 10 tấn thịt gia súc, gia cầm, đồng thời cam kết giá không biến động trong suốt quá trình phục vụ mua sắm Tết. Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan dự trữ 500 tấn gạo, chi 3,5 tỷ đồng bình ổn giá thịt heo.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và khả năng dự trữ hàng hóa trong dịp Tết sẽ là cơ sở ổn định thị trường, song đây chỉ là giải pháp cần, nhưng chưa đủ. Vấn đề cốt lõi khiến thị trường bất ổn, giá cả tăng cao trong dịp Tết không chỉ ở yếu tố hàng hóa mà còn là cách thức quản lý, phân phối các mặt hàng thiết yếu phục người dân mua sắm trong dịp Tết năm nay.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

Đọc thêm